TCCS - Việt Nam đang trải qua quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Thực tế này đặt ra thách thức lớn về an sinh xã hội và y tế, nhưng cũng mở ra cơ hội quan trọng để phát huy vai trò người cao tuổi trong cộng đồng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1336/QĐ-TTg, ngày 31-8-2020, Phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 1336), trong đó xác định mục tiêu xây dựng một mạng lưới chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò người cao tuổi dựa vào cộng đồng, phù hợp với thực tiễn và văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt Đoàn đại biểu phụ nữ cao tuổi tiêu biểu toàn quốc_Nguồn: nhandan.vn

Kết quả nổi bật sau 5 năm triển khai Đề án 1336

Theo Hội Người cao tuổi Việt Nam, sau 5 năm thực hiện Đề án 1336, công tác chăm sóc người cao tuổi đã ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng, mang tính bước ngoặt. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% tỉnh, thành phố trên cả nước (63/63) đã thành lập ít nhất một câu lạc bộ Lliên thế hệ tự giúp nhau (CLBLTHTGN), vượt 5% chỉ tiêu đề ra. Tổng số câu lạc bộ thành lập mới đạt hơn 6.000, gấp đôi so với kế hoạch ban đầu. Số lượng thành viên tham gia đạt khoảng 330.000 người, trong đó người cao tuổi chiếm trên 231.000, vượt hơn 230% chỉ tiêu nhiệm vụ giao. Những con số này phản ánh sức lan tỏa mạnh mẽ của mô hình và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ cộng đồng.

Mô hình bảo đảm cơ cấu thành viên đa dạng, cân đối, mỗi câu lạc bộ có từ 50 đến 70 thành viên, trong đó người cao tuổi chiếm 60% - 70%, phụ nữ chiếm 60% - 70% và người trẻ chiếm 30% - 40%. Hầu hết các câu lạc bộ đều xây dựng được quỹ tăng thu nhập và quỹ hoạt động ổn định, tạo nền tảng tài chính vững chắc cho các hoạt động chung.

Tuy vậy, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, như 45% số thành viên được vay vốn sản xuất, kinh doanh; 40% số câu lạc bộ triển khai đầy đủ 8 mảng hoạt động theo quy định (mục tiêu là ít nhất 70% số câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện đủ các hoạt động và được quản lý tốt để có ít nhất 50% số thành viên được vay vốn để sản xuất, kinh doanh). Đây là những điểm cần tập trung cải thiện trong giai đoạn tiếp theo để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình.

Mô hình CLBLTHTGN không chỉ được người dân trong nước đánh giá cao mà còn nhận được sự công nhận rộng rãi từ các tổ chức quốc tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa mô hình này vào Kế hoạch hành động khu vực về già hóa khỏe mạnh. Cơ quan Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (UNDESA) cũng lựa chọn CLBLTHTGN là một trong những điển hình xuất sắc góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững cấp cộng đồng. Tạp chí The Wall Street Journal bình chọn mô hình này vào danh sách 10 sáng kiến toàn cầu nổi bật về thích ứng với già hóa dân số. Bên cạnh đó, mô hình CLBLTHTGN của Việt Nam đã đoạt giải nhất Giải thưởng Sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh, hạng mục Sáng kiến dựa vào cộng đồng năm 2020.

Những đánh giá trên không chỉ khẳng định hiệu quả thực tiễn của mô hình mà còn tạo động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục đầu tư, nhân rộng và hoàn thiện mô hình trong những năm tới.

Lợi ích thiết thực từ CLBLTHTGN đối với người cao tuổi và xã hội

Mô hình CLBLTHTGN đã trở thành điểm sáng trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên toàn quốc. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe định kỳ, truyền thông phòng, chống bệnh tật và tập luyện thể dục dưỡng sinh tại cộng đồng giúp người cao tuổi nâng cao thể trạng, duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh.

Mô hình góp phần cải thiện đời sống vật chất thông qua hoạt động vay vốn, tạo việc làm phát triển các nghề thủ công, trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, giúp nhiều người cao tuổi nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, CLBLTHTGN còn là diễn đàn sinh hoạt văn hóa sôi nổi, giúp người cao tuổi gắn bó cộng đồng, tăng cường sự tự tin, giảm thiểu sự cô đơn, trầm cảm và các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Những buổi truyền thông về pháp luật người cao tuổi, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy người cao tuổi phát huy tiếng nói và quyền lợi trong xã hội. Đây là bước tiến quan trọng trong bảo vệ quyền con người và thúc đẩy công bằng xã hội. Qua đó, mô hình thực sự tích hợp nhiều giá trị xã hội, góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và phúc lợi xã hội, đồng thời thúc đẩy già hóa chủ động và tích cực tại Việt Nam.

Nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Câu Lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau  để mỗi người cao tuổi đều có cuộc sống vui, khỏe, có ích, được tôn vinh và phát huy vai trò trong xã hội_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Định hướng phát triển mô hình đến năm 2030 và tầm nhìn 2045

Thành công của mô hình CLBLTHTGN, trước hết, xuất phát từ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Hội Người cao tuổi Việt Nam các cấp đã chủ trì và phối hợp hiệu quả với các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cộng đồng dân cư để triển khai đồng bộ.

Bên cạnh đó, mô hình CLBLTHTGN mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với truyền thống văn hóa kết nối gia đình và cộng đồng của người Việt, đồng thời khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái và tự giúp nhau qua các thế hệ. Việc quản lý tài chính minh bạch, chặt chẽ và công khai cũng đóng vai trò then chốt trong nâng cao niềm tin của người dân và các đối tác tài trợ.

Ngoài ra, sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Hà Lan (HAI), đã góp phần nâng cao năng lực quản lý và mở rộng hoạt động của các câu lạc bộ. Sự tích hợp đa dạng các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao, hỗ trợ vốn vay, tạo việc làm và truyền thông pháp luật đã thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của họ.

Thời gian tới, cần tiếp tục nhân rộng, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động CLBLTHTGN theo Quyết định số 1336/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc sẽ có ít nhất 3 CLBLTHTGN hoạt động đạt chuẩn. 50% số thôn, bản, buôn, ấp, khóm, tổ dân phố sẽ được phủ kín bởi CLBLTHTGN, góp phần xây dựng mạng lưới chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại cơ sở.

Bên cạnh đó, các câu lạc bộ phải bảo đảm sinh hoạt đầy đủ 8 mảng hoạt động theo quy định, duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng. 85% số ban chủ nhiệm câu lạc bộ được tập huấn thường xuyên để nâng cao năng lực quản lý và vận hành CLBLTHTGN. Về mặt tài chính, 80% số câu lạc bộ phải có quỹ tăng thu nhập đạt từ 50 triệu đồng trở lên, ít nhất 70% số thành viên câu lạc bộ được hỗ trợ vay vốn hoặc tham gia các hoạt động tăng thu nhập nhằm cải thiện đời sống.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Hội Người cao tuổi Việt Nam đề ra các giải pháp trọng tâm, cụ thể là:

Trước hết, tiếp tục tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo và chính sách ưu tiên phát triển mô hình, đồng thời đưa chỉ tiêu thành lập và vận hành CLBLTHTGN vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền. Song song rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ thông qua chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đào tạo bồi dưỡng ban chủ nhiệm, thành viên chủ chốt, coi đây là nhiệm vụ then chốt.

Tiếp tục mở rộng thành lập CLBLTHTGN tại các địa bàn chưa có, đặc biệt nhiệm vụ cấp thiết là ưu tiên thành lập CLBLTHTGN tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng để duy trì và phát triển mô hình. Công tác truyền thông đại chúng và truyền thông cơ sở cũng cần được tăng cường nhằm lan tỏa các mô hình điển hình tiên tiến, tổ chức các cuộc thi, hội thi nhằm nâng cao tinh thần tự giúp nhau trong cộng đồng.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, khen thưởng kịp thời các địa phương, đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần duy trì sự phát triển bền vững của mô hình.

Mô hình CLBLTHTGN là sáng kiến mang đậm truyền thống tương thân tương ái và lấy cộng đồng làm trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Mô hình đã góp phần giúp Việt Nam chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số, thể hiện rõ nét qua thành công bước đầu và những đánh giá tích cực từ cộng đồng trong nước cũng như quốc tế. Đây là hướng đi đúng đắn, bền vững, góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững đất nước. Trong thời gian tới, Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục đồng hành, nhân rộng mô hình và nâng cao chất lượng hoạt động để mỗi người cao tuổi đều có cuộc sống vui, khỏe, có ích, được tôn vinh và phát huy vai trò trong xã hội, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng ngày càng văn minh và phát triển./.