Thủ đô Hà Nội với những nỗ lực bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm
TCCSĐT - Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21-10-2011, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong 5 năm qua, Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều hành động, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Từ sự chỉ đạo kịp thời đến kết quả bước đầu
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, Hà Nội luôn là nơi tập trung nhiều dân cư. Năm 2015, số dân Hà Nội là trên 7,58 triệu người, nếu tính cả số học sinh, sinh viên, lao động tự do thì con số này đạt xấp xỉ 10 triệu. Bên cạnh những nhu cầu thiết yếu khác của đời sống xã hội thì nhu cầu về lương thực, thực phẩm là một nhu cầu lớn và không ngừng tăng cao hằng năm. Ước tính Hà Nội cần khoảng 890 nghìn tấn gạo, 139 nghìn tấn thịt lợn, 42 nghìn tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54 nghìn tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900 nghìn tấn rau… mỗi năm. Trong khi đó, dù có đến 58.092 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thì thành phố cũng chỉ cung cấp được khoảng 69% nhu cầu thịt gia súc các loại, 32% cá các loại, 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo tẻ, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi…, số còn lại là từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Toàn thành phố hiện có khoảng 5.500 ha diện tích rau an toàn (trên 12.000 ha diện tích trồng rau của cả thành phố); 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp; 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp; 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm thủ công và hơn 2.500 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 412 chợ phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 90 siêu thị và 20 trung tâm thương mại trên địa bàn. Do đặc điểm trên, công tác quản lý và việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô gặp không ít khó khăn, thách thức.
Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21-10-2011, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới (viết tắt là Chỉ thị 08), Thành ủy Hà Nội đã kịp thời ban hành Thông tri 06-TT/TU, ngày 18-01-2012, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới (viết tắt là Thông tri 06). Ủy ban nhân dân Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 47/CTr-UBND, ngày 29-3-2012, về triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư và Thông tri 06-TT/TU của Thành ủy; Kế hoạch số 46/KH-UBND, ngày 29-3-2012, về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 59/KH-UBND, ngày 16-3-2016, triển khai tổ chức phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị đã kịp thời tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền được thực hiện chủ động với việc lồng ghép nội dung trong các hội nghị phổ biến Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài; tổ chức hội thi sử dụng pa-nô, áp phích, khẩu hiệu ở các nơi công cộng để tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội triển khai hằng năm chương trình truyền thông “Chung tay vì an toàn thực phẩm”, phát động phong trào thi đua bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm…
Để tăng cường nguồn thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu nhân dân, Hà Nội đã tiến hành quy hoạch và triển khai mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi, như chuỗi sản phẩm rau xanh (tại các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Sơn La), chuỗi sản phẩm gà Giang Sơn (Bắc Giang), chuỗi sản phẩm gà Dabaco (Bắc Ninh), chuỗi sản phẩm chè đen Tân Cương Hoàng Bình (Thái Nguyên), chuỗi sản phẩm chè Tuyết Hương (Thái Nguyên); duy trì phối hợp cam kết với 18 tỉnh lân cận để kiểm soát nguồn thực phẩm về Thủ đô và đang nghiên cứu để tiếp tục ký kết với một số tỉnh miền Trung và miền Nam. Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng đầu tư nguồn kinh phí cho công tác an toàn thực phẩm, tăng từ 4.000 đồng/người dân năm 2011 lên 5.000 đồng/người dân năm 2015. Hằng năm, thành phố đầu tư mua sắm bộ xét nghiệm nhanh cho 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn; triển khai Dự án nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Dự án thông tin, giáo dục, truyền thông bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Dự án tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Dự án phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, Dự án bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Ngành y tế của Thủ đô triển khai đánh giá Đề án “Mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại các xã, phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015”, “Mô hình điểm thức ăn đường phố”. Ngành công thương triển khai Đề án “Nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường”, qua 4 năm thực hiện đã đào tạo và cấp chứng chỉ về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo thông tư 14/2011/TT-BYT, ngày 01-4-2011, của Bộ Y tế cho 130 công chức quản lý thị trường; trang bị thiết bị bảo quản mẫu thực phẩm trong quá trình chờ kết quả giám định cho 20 Đội quản lý thị trường; thiết bị bảo quản mẫu thực phẩm trong quá trình kiểm tra cho 32 Đội quản lý thị trường. Ngành Nông nghiệp cũng triển khai Đề án “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2015” và hoàn thiện dự thảo chương trình “Kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm bằng phương pháp kiểm tra nhanh tại các chợ đầu mối nông sản, thủy sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020”; Đề án “Sản xuất và cung cấp thịt gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020”; Đề án “Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020”.
Hằng năm, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch trong công tác an toàn thực phẩm; gắn công tác này với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của địa phương, đơn vị. Trung bình mỗi năm, Hà Nội tổ chức thanh tra, kiểm tra khoảng 150.000 cơ sở, xử phạt khoảng 20 tỷ đồng. Tỷ lệ cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm năm 2014 là 17,5 %, năm 2015 là 17%. Đầu năm 2016, thành phố tiến hành thí điểm thanh tra chuyên ngành tại 5 quận, huyện (10 xã, phường, thị trấn), chủ động xử lý kịp thời các thông tin báo, đài nêu và người dân phản ánh về tình trạng mất an toàn thực phẩm (năm 2014 xử lý 35 thông tin, năm 2015 xử lý 24 thông tin). Công tác giám sát, xét nghiệm cảnh báo thực phẩm có nguy cơ mất an toàn được tiến hành thường xuyên. Năm 2014, xét nghiệm vi sinh có 192 mẫu đạt/216 mẫu thực phẩm (chiếm 80,0%); xét nghiệm hóa lý 322 mẫu đạt/350 mẫu thực phẩm (chiếm 92,0%). Năm 2015, lấy 2001 mẫu, trong đó phát hiện 80 mẫu không đạt về chỉ tiêu hóa lý. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm; thành lập các đội phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các tuyến, chủ động giám sát thực phẩm theo chuyên đề nguy cơ cao. Năm 2014 có 2 vụ, 47 người mắc; năm 2015 có 2 vụ, 17 người mắc, không có tử vong, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra.
Qua kiểm tra, khảo sát, Hà Nội đã kịp thời chấn chỉnh hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bước đầu đã tạo chuyển biến mới trong nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của Thủ đô, đất nước, hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Còn đó những “nỗi lo”
Không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận của chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được thời gian qua trong việc công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Song vẫn còn đó nhiều nỗi lo về nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang hằng ngày, hằng giờ đe dọa sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của Thủ đô. Bởi ở không ít địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy và chính quyền về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tạo được sự chuyển biến toàn diện về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người dân về tầm quan trọng và tác dụng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với đời sống của cộng đồng xã hội nói chung, nhân dân Thủ đô nói riêng.
Ngoài ra, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao. Tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, là mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng. Trên thị trường lưu thông phân phối ở Thủ đô hiện nay vẫn còn những sản phẩm chưa đúng quy chế về bao gói, nhãn mác. Một số mặt hàng bánh kẹo, rau củ quả, rượu nhập ngoại chưa dán đầy đủ nhãn phụ hướng dẫn người tiêu dùng khi mua hàng, đặc biệt là các loại rượu, gia vị dùng trong thực phẩm vẫn tồn tại các sản phẩm thực phẩm có phẩm màu công nghiệp, hóa chất cấm sử dụng, sản phẩm không nguồn gốc. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong dân gây ra bức xúc và không bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có một thực tế đáng buồn là tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tuy đã hạn chế song vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, nhiều cơ sở không có chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, buôn bán thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Một số tổ chức, cá nhân buôn bán, chăn nuôi, vận chuyển gia súc, gia cầm vì lợi nhuận đã bỏ qua các yêu cầu trong công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở các tuyến còn thiếu, yếu. Hoạt động của Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm ở một số địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm “Từ trang trại đến bàn ăn” chưa hiệu quả; việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ cũng như chưa gắn với xây dựng thương hiệu, thực phẩm an toàn giá thành còn cao, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài ra, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội rất nhiều, lại biến động, có khi mang tính thời vụ, nhiều cơ sở nhỏ lẻ manh mún, nhiều chợ cóc, chợ tạm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nhiều thực phẩm không bảo đảm an toàn từ tỉnh khác và nước ngoài cũng chuyển về, tạo ra nhiều khó khăn cho công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng làm tăng việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất thực phẩm cũng là nguyên nhân lớn gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hành động cho tương lai
Hướng tới năm 2020, Hà Nội phấn đấu đạt tỷ lệ cơ sở sản xuất, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm là 90%. Tỷ lệ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm) đạt 80% vào năm 2016 và 90% vào năm 2020. Tỷ lệ siêu thị được kiểm soát an toàn thực phẩm đạt 50% vào năm 2016 và trên 70% vào năm 2020. Đến hết năm 2016, 10% cơ sở trồng trọt áp dụng VietGap, 8%-10% cơ sở chăn nuôi áp dụng VietGap; 10% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện kiểm soát chất lượng, tỷ lệ trên tương ứng tăng gấp đôi vào năm 2020. Đến năm 2016, 50% vùng nuôi thủy sản tập trung được giám sát dư lượng hóa chất độc hại và đạt 80% vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2016, tỷ lệ cơ sở chế biến, kinh doanh quy mô công nghiệp, tập trung thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt 80% và đạt 100% vào năm 2020, tỷ lệ cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô nhỏ lẻ áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm tăng 30% so với năm 2016.
Để kiểm soát tốt an toàn thực phẩm trong tương lai, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hà Nội đang nỗ lực chung tay thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể là:
Một là, tiếp tục quán triệt Chỉ thị 08 và Thông tri 06 tới các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tầng lớp nhân dân trong toàn Thủ đô; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và đôn đốc, kiểm tra đối với công tác này ở địa phương; đưa chỉ tiêu bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm để tổ chức thực hiện; lồng ghép các hoạt động bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm với Chương trình dinh dưỡng cộng đồng và các chương trình khác. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; hướng dẫn, định hướng thay đổi hành vi và các biện pháp thực hiện hành vi bảo đảm an toàn thực phẩm của cả cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân, phù hợp với từng nhóm đối tượng, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Phát động phong trào thi đua bảo đảm an toàn thực phẩm; tập trung cao trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm, trong mùa hè, mùa cưới, các dịp lễ, tết, các ngày diễn ra sự kiện lớn về chính trị, văn hóa, xã hội.
Hai là, củng cố hệ thống cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền an toàn thực phẩm. Xây dựng tiêu chí về an toàn thực phẩm gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Ba là, tăng cường đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc ngành có chức năng liên quan, như Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đáp ứng yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm trong trong giai đoạn hiện nay. Thành lập, củng cố lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ đáp ứng nhanh liên ngành về an toàn thực phẩm từ thành phố đến cơ sở.
Bốn là, duy trì, xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh; quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào đối tượng sản xuất rau quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm, chế biến, kinh doanh thực phẩm với quy mô tập trung gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thủ đô. Xây dựng, thí điểm, duy trì các mô hình an toàn thực phẩm, triển khai nhân rộng các mô hình quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tư vấn và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến.
Năm là, tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với từng công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm; đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, chú trọng xây dựng quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong quản lý kinh doanh vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm không rõ nguồn gốc từ tỉnh khác về Hà Nội.
Sáu là, xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; huy động sự tham gia ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân trong việc tham gia bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm./.
Chính thức công bố 496 đại biểu Quốc hội khóa XIV  (09/06/2016)
Chính thức công bố 496 đại biểu Quốc hội khóa XIV  (09/06/2016)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ  (09/06/2016)
Vừa khai thác thủy điện, vừa bảo đảm chống hạn  (09/06/2016)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên