TCCSĐT - Sáng 29-12-2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh - nơi 50 năm trước đây là trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”.


Cách đây đúng 50 năm, đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom vĩ tuyến 20 trở ra Bắc và chấp nhận ngồi vào đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam. Đây là minh chứng khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết tâm thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

 

 Đồng chí Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo Hội thảo.


Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định: Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tuy hoà bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tiếp tục diễn bến phức tạp, thay đổi nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường. Đối với nước ta, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá toàn diện trên các lĩnh vực bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “phi chính trị hoá” Quân đội, hòng xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong bối cảnh đó, Hội thảo một mặt là dịp để chúng ta ôn lại sự kiện hào hùng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và khát vọng hoà bình, độc lập, thống nhất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mặt khác giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn giá trị lịch sử hiện thực cũng như bài học kinh nghiệm quý được đúc rút từ thực tiễn để vận dụng và phát huy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo chia sẻ: tính đến cuối tháng 12-1967, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tổng công kích - tổng tiến công cơ bản đã hoàn tất. Tài lực, vật lực và lực lượng nổi ba thứ quân của Khu trọng điểm cùng với lực lượng nổi dậy đều ở tư thế sẵn sàng nhập cuộc. Trong thời gian gần 3 tháng chuẩn bị tổng công kích - tổng khởi nghĩa, đảng viên, cán bộ, các lực lượng vũ trang, các lực lượng chính trị với tinh thần tuyệt đối bí mật, đã quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng. Như vậy, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục và Quân uỷ Miền, sự triển khai và chỉ đạo quyết liệt của Khu uỷ Khu trọng điểm hệ thống tổ chức Đảng, các lực lượng vũ trang, các lực lượng chính trị và nhân dân Sài Gòn - Gia Định (Phân khu 6) đã đi trước một bước trong việc chuẩn bị toàn diện lực lượng quân sự và chính trị để bước vào tổng công kích - tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968.

 

Quang cảnh Hội thảo.


Khi khâu chuẩn bị cơ bản hoàn tất, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - cho biết: Thực hiện chủ trương của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (01-1968), quân và dân ta ở miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Từ đêm 30 rạng ngày 31-01-1968 đến ngày 25-02-1968, quân và dân miền Nam tiến công vào 4/6 thành phố, 37/44 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ, trong đó có 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ, 30 sân bay cùng hệ thống kho tàng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn và trên khắp các địa bàn vùng nông thôn bị địch tạm chiếm. Cuộc Tổng tiến công chiến lược của quân và dân ta giành được những thắng lợi to lớn. Lần đầu tiên, trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta tiến công hàng loạt đô thị, đánh thẳng vào những trung tâm đầu não chính trị, quân sự, hậu phương trọng yếu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, gây cho chúng những tổn thất lớn, làm chấn động nước Mỹ, đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, lung lay ý chí xâm lược của Mỹ.

Cụ thể hơn, đồng chí Lê Đức Anh - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho biết thêm: cùng thời điểm này, trên chiến trường nước bạn Lào, từ ngày 12 đến ngày 27-01-1968, quân đội Pathét Lào và Quân tình nguyện Việt Nam giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Nậm Bạc. Chiến thắng này vừa là khởi đầu, vừa là sự phối hợp nhịp nhàng với Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Đồng chí cũng nhấn mạnh: trong cuộc Tổng tiến công này, lực lượng biệt động là một sáng tạo về hình thức tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng ta: gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong lòng dân, hoà vào dân, thường xuyên hoạt động trong lòng địch. Lực lượng biệt động mở đầu xuất sắc cuộc Tổng tiến công ở Sài Gòn và các đô thị, là lực lượng chiến đấu thực hiện những đòn đánh hiểm, táo bạo, bất ngờ vào cơ quan đầu não, các mục tiêu quan trọng của địch ở các đô thị. Với tinh thần dũng cảm vô song, lối đánh táo bạo, thông minh cùng sự hi sinh to lớn của lực lượng biệt động góp phần xứng đáng trong việc tạo nên hiệu quả chiến lược của cuộc tổng tiến công, đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ.

Trong nhiều tham luận, các tác giả mô tả, gợi lại khí thế ngút trời của những ngày Xuân Mậu Thân tổng tiến công và nổi dậy. Từ Đường 9 - Khe Sanh đến các đô thị, tiếng súng tiến công của quân và dân trên khắp chiến trường miền Nam khiến cho Mỹ - chính quyền Sài Gòn bàng hoàng, sửng sốt; hình ảnh các chiến sĩ biệt động tiến công vào các mục tiêu trọng yếu ở nội đô Sài Gòn, Huế... xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, vô tuyến truyền hình tác động mạnh đến dư luận quốc tế và dư luận Mỹ; khẳng định Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ có hiệu lực, hiệu quả ngay tại chiến trường, mà còn gây chấn động dữ dội trong chính giới và nhân dân Mỹ. Rõ ràng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Việt Nam đã bẻ gãy ý chí xâm lược của Mỹ. Chúng phải chấp nhận một thực tế, sức mạnh của chính nghĩa, của tinh thần dân tộc chân chính do Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy, tổ chức, lãnh đạo đủ sức giành thắng lợi trước sức mạnh của cường quyền, phi nghĩa, của dã tâm xâm lược thôn tính Việt Nam.

Ban Tổ chức Hội thảo nhận được hơn 100 bài tham luận, phản ánh khá đầy đủ, toàn diện, luận giải sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử quan trọng này. Theo đó, Hội thảo tập trung làm nổi bật các vấn đề cơ bản sau:

Một là, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là phát kiến sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tinh thần chủ động, quyết đoán trong chỉ đạo chiến tranh nhân dân.

Hai là, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần hy sinh cao cả, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Ba là, thắng lợi có ý nghĩa quyết định, để lại những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, vận dụng, phát huy vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá thành quả cũng như hạn chế trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các tham luận luận giải những vấn đề căn cốt, đúc rút những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng, về nghệ thuật tổ chức, khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, nghệ thuật chớp thời cơ và tận dụng thời cơ, về các phương thức tác chiến chiến lược, công tác bảo đảm, xây dựng tiềm lực, thế trận... Đó là cơ sở quan trọng để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân trong điều kiện mới./.