Dấu ấn của Phật giáo Nam tông trong văn hóa tinh thần truyền thống của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long

PGS,TS. Hồ Trọng Hoài, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
23:42, ngày 12-08-2014

TCCSĐT - Đồng bào Khmer sinh sống ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hầu hết theo Phật giáo Nam tông. Tôn giáo này hiện vẫn có những ảnh hưởng sâu sắc, nhiều mặt đến cuộc sống con người, trở thành cấu trúc bên trong, góp phần làm nên bản sắc văn hóa riêng của người Khmer. Chính vì vậy, nghiên cứu về văn hóa truyền thống của người Khmer nhất thiết phải đặt nó trong mối quan hệ mật thiết với Phật giáo Nam tông.

Với gần 1,3 triệu người, phần lớn sống ở khu vực Tây Nam Bộ mà đông nhất là ở Trà Vinh (chiếm 30% dân số của tỉnh), Sóc Trăng (chiếm 29% dân số của tỉnh, khoảng 354.000 người), Kiên Giang (chiếm 13% dân số của tỉnh), người Khmer là tộc người có số lượng cao nhất trong nhóm ngữ hệ Nam Á, là tộc người có dân số lớn thứ hai ở khu vực Tây Nam Bộ, sau người Kinh. Đây cũng là tộc người có mặt rất sớm ở đồng bằng sông Cửu Long.

Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, trong quá trình cộng cư lâu dài của lịch sử, các dân tộc, tôn giáo khác nhau đều góp sức hình thành một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc vừa có sự thống nhất, vừa mang tính đa dạng.

Với người Khmer, mặc dù chịu ảnh hưởng văn hóa của các tộc người khác nhưng trong hành trang văn hóa của mình nhiều giá trị văn hóa mang bản sắc riêng vẫn được bảo lưu, gìn giữ và phát huy tác dụng. Cái làm nên “bản sắc riêng” rất đặc trưng của văn hóa truyền thống dân tộc Khmer một phần nhờ Phật giáo Nam tông. Các giá trị cốt lõi của Phật giáo đã hòa quyện và trở thành linh hồn của nền văn hóa này, được thể hiện ở những lĩnh vực chủ yếu sau đây:

1. Dấu ấn của Phật giáo Nam tông trong lễ hội truyền thống của người Khmer

Lễ hội truyền thống giữ một vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội của các dân tộc nói chung, của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đó là sự kết tụ những nét đặc sắc về văn hóa của một dân tộc, một cồng đồng. Khi nghiên cứu lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer, điểm dễ nhận thấy là Phật giáo Nam tông đã để lại dấu ấn khá đậm nét. Điều đó trước hết thể hiện ở chỗ, hầu hết các lễ hội của người Khmer từ lễ hội truyền thống cho đến lễ hội Phật giáo đều gắn bó với ngôi chùa, thường diễn ra ở chùa do các vị sư chủ trì. Các nghi thức trong lễ hội truyền thống của người Khmer cũng mang đậm nghi thức của đạo Phật. Các lễ hội có đặc điểm là đều chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng tôn giáo, nên không chỉ riêng các lễ hội của Phật giáo, mà cả lễ hội dân gian cũng được tổ chức theo nghi thức của đạo Phật.

Dấu ấn của Phật giáo Nam tông không chỉ thể hiện ở các dấu hiệu bên ngoài mà còn cả trong nội dung, làm cho lễ hội truyền thống có thêm ý nghĩa mới. Các lễ hội này đều gắn với một câu chuyện, truyền thuyết hay sự tích nào đó của Phật giáo Nam tông, hình thành một tâm thức giàu tính thiêng.

Đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long quan niệm sống để làm phước, nên các lễ hội là dịp để cầu kinh, làm phước, hướng thiện. Vì vậy, lễ hội không chỉ để vui chơi, giải trí mà còn là cơ hội để con người bày tỏ khát vọng sống lương thiện. Do đó, trong những ngày lễ hội, người dân dù nghèo khổ, vẫn không ngại tốn kém tiền của, mua sắm lễ vật dâng cúng nhà chùa và đọc kinh cầu siêu. Các nghi lễ thường gắn với những truyền thuyết mang tinh thần Phật giáo và mặc dù thanh niên Khmer ngày nay không mấy quan tâm đến các nội dung truyền thuyết, nhưng mặc nhiên họ xem đó là những lễ tiết bắt buộc phải có trong các lễ hội của dân tộc.

Không chỉ lễ hội của Phật giáo mà ngay cả các lễ hội dân gian (còn gọi là “Pithi” ) như lễ vào năm mới, lễ cúng ông bà, lễ hội mừng nước, lễ chào trăng, lễ đua ghe ngo…cũng thể hiện rất sâu sắc dấu ấn của Phật giáo. Do đó, có thể nói, hầu hết lễ hội của người Khmer đều là hội lễ của tôn giáo, dù cho chúng bắt nguồn từ đâu.

2. Dấu ấn của Phật giáo Nam tông trong phong tục, tập quán của người Khmer

Không chỉ để lại dấu ấn sâu đậm trong các lễ hội truyền thống, Phật giáo Nam tông còn có ảnh hưởng sâu sắc đến phong tục, tập quán của người dân. Nhiều phong tục, tập quán hiện vẫn còn được lưu giữ và trở thành nét đẹp trong hành trang văn hóa của người Khmer với các biểu hiện chủ yếu sau đây:

* Đi tu: Theo quan niệm của người Khmer, đi tu không chỉ là hoạt động mang tính chất thuần túy tôn giáo mà đã trở thành một tục lệ, một sắc thái văn hóa lâu đời. Đi tu là giai đoạn quan trọng của đời người, là tiêu chí đánh giá tư cách đạo đức và văn hóa của mỗi người. Trong sách dạy làm người của Khmer có câu: “Người không được tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống”. Cho nên người con trai Khmer được xem là đủ tư cách, phẩm hạnh đều phải trải qua thời gian tu học ở chùa(1). Người Khmer tự nguyện đến chùa, coi đó là việc làm cao cả. Có thể nói, mỗi người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội từ khi chào đời, đương nhiên được xem như là một tín đồ Phật giáo và lớn lên được dạy dỗ theo tinh thần đạo lý của nhà Phật. Vì vậy, đi tu không phải để thành Phật mà đó là cơ hội tốt để học chữ nghĩa, đạo lý, đức hạnh, để làm người tốt. Đó cũng là một cách tích phước cho cha mẹ, gia đình và cho bản thân, thể hiện sự đền đáp công ơn cha mẹ. Người Khmer cho rằng tu ở bậc Tỳ Kheo đền ơn cha, tu ở bậc Sa di là đền ơn mẹ. Người Khmer ý thức rằng trong cuộc đời ít ra phải có một lần đi tu, đó là nghĩa vụ và vinh dự của người đàn ông Khmer, tùy theo “phước” của từng người mà người thanh niên Khmer có thể đi tu bất cứ lúc nào và thời gian bao lâu.

Không chỉ những người con trai Khmer đi tu ở chùa mà người dân Khmer đều hướng về đức Phật, đều rèn luyện theo đạo pháp: Thọ giới - bố thí - tụng niệm. (ví dụ: Tỳ Khưu (từ 21 tuổi trở lên) thọ 4 điều, 227 giới, Sadi (từ 20 tuổi trở xuống) thọ 10 điều, 20 giới và phật tử thọ 5 giới).

* Tang ma: Đây là phong tục của người Khmer có ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo. Tang lễ của người Khmer gắn với quan niệm sinh tử của nhà chùa. Người Khmer có câu “sống giữ của, chết gửi xương” nghĩa là sống không tiếc của, tiếc công dâng hiến lên chùa, chết không mong mỏi gì hơn là được gửi xương lên chùa, được về với Phật. Chính vì vậy, trong chu kỳ của đời người, người Khmer khi sinh ra được các nhà sư làm lễ cầu an, đến tuổi trưởng thành được các nhà sư độ trì và khi chết được hỏa thiêu và nhập cốt vào tháp với các nghi thức của nhà chùa. Vì vậy, cuộc đời của người Khmer gắn liền với ngôi chùa và họ theo đuổi triết lý,“sống gửi thân, chết gửi cốt”.

Như vậy, từ lễ hội cho đến phong tục, tập quán, từ việc cưới xin, tang ma cho đến các sinh hoạt khác của cộng đồng đều có dấu ấn sâu đậm của nhà chùa và các nhà sư. Ngôi chùa cùng đội ngũ sư tăng đã trở thành một trong những lực lượng chi phối sự tồn tại và định hướng cho sự phát triển của cộng đồng người Khmer. Phật giáo Nam tông đã trở thành một bộ phận hữu cơ, góp phần hình thành các giá trị cốt lõi trong văn hóa tinh thần truyền thống của đồng bào Khmer và mặt khác, đó cũng là thiết chế không chỉ thực hiện chức năng tôn giáo thuần túy để di dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống.

3. Dấu ấn của Phật giáo Nam tông trong lối sống của người Khmer

Lối sống chính là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Chính vì vậy, nghiên cứu dấu ấn của Phật giáo Nam tông trong văn hóa tinh thần truyền thống của người Khmer không thể không tìm hiểu lối sống của họ. Chính ở đây chúng ta thấy những biểu hiện sinh động nhất, gần gũi nhất của Phật giáo Nam tông. Không chỉ chi phối nhận thức, quan niệm sống, Phật giáo còn để lại dấu ấn của mình qua lối ứng xử giữa con người với tự nhiên, cộng đồng và với bản thân mình.

Tuyệt đại đa số đàn ông người Khmer đều có thời gian tu ở chùa nên khi trở về với cuộc sống đời thường họ đã cũng đồng thời mang theo những giá trị của đạo phật vào đời sống hằng ngày, góp phần hình thành một lối sống riêng của dân tộc Khmer.

Trong lịch sử, cộng đồng Người Khmer ít có hộ giàu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này bởi người Khmer rất coi trọng các giá trị tinh thần. Họ yên tâm chấp nhận thực tại khó khăn miễn sao tâm không bị vẩn đục bởi những cám dỗ của tiền tài vật chất. Vì vậy, họ dễ chia sẻ và đồng cảm với những người nghèo khó. Họ dành dụm tiền kiếm được mà trong số đó phần lớn để cúng nhà chùa. Ngay cả việc cưới hỏi của con cái, sau khi trang trải phí tổn, họ cũng đem một phần tài sản cúng vào chùa làm phúc để tích đức cho kiếp sau. Nhiều gia đình mặc dù còn rất khó khăn nhưng vẫn hết lòng thành tâm với cửa Phật, góp phần tôn tạo chùa chiền, cúng dường chư tăng. Mọi người đều chung tay gánh vác xây cất, tu sửa ngôi chùa mà không đùn đẩy trách nhiệm cho cá nhân nào. Ai có nhiều tiền góp nhiều, có ít góp ít. Vì vậy, nhà ở của người Khmer tuy rất đơn giản tuyềnh toàng song ngôi chùa khá đồ sộ, uy nghi, lộng lẫy vì họ coi đó là đại gia đình của mình. Điều này cho thấy một triết lý nhân sinh, một lối sống mang nặng dấu ấn của Phật giáo thuần thành, nguyên thủy, ít chịu những tác động của thời cuộc trong bối cảnh kinh tế thị trường. Cũng do lối sống như vậy nên người Khmer đồng bằng sông Cửu Long không thích cạnh tranh, đua chen để làm giàu. Ngược lại, họ thường hài lòng, yên phận với thực tại, ưa thảnh thơi, an nhàn. Họ tin rằng có phần, có phước mới làm giàu được, vì thế họ ít chú tâm để tìm cách thay đổi cuộc sống. Đó là một thực tế làm cho người Khmer gặp nhiều khó khăn để thích ứng với kinh tế thị trường cho dù đã có nhiều nỗ lực lớn lao của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lý Phật giáo Nam tông, trong cuộc sống, người Khmer luôn có ý thức tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt. Việc nhường cơm sẻ áo cho đồng đạo hay cúng dường chư Phật không phải là gánh nặng cuộc đời. Ngược lại, đó là đạo lý, là lẽ sống, là con đường để đạt sự siêu thoát cho cuộc sống mai sau tốt đẹp hơn. Thiết nghĩ, đó là giá trị rất tốt đẹp mà cơn bão kinh tế thị trường chưa thể công phá và vì vậy, rất cần sự dung dưỡng của toàn xã hội để góp phần gìn giữ.

Cũng do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo nên người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long rất nhân ái, ôn hòa. Họ là những cư dân dung dị, chất phác và có thừa sự chịu đựng, nhường nhịn với khát vọng đạt được sự yên bình, hòa thuận trong cuộc sống. Triết lý nhân sinh của nhà Phật - làm thiện, tránh ác đã trở thành lối sống của cả cộng đồng trong lịch sử và hiện vẫn là tài sản quý giá của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long.

Trong giao tiếp xã hội, người Khmer rất khiêm nhường, lịch thiệp bởi theo họ, chúng sinh thập loại vẫn có căn tính chung là Phật tính nên cần tôn trọng và đối xử bình đẳng. Cộng đồng cư dân này cũng có lối sống khá kín đáo, có cởi mở nhưng không suồng sã… Các đặc điểm này suy cho cùng cũng do hoàn cảnh sống tạo nên mà Phật giáo là một tác nhân.

Có thể nói, Phật giáo Nam tông Khmer có một vị thế không thể thay thế hay ít ra chưa thể thay thế trong cuộc sống của người dân. Dấu ấn của Phật giáo không chỉ in đậm trong cuộc sống của cá nhân trong vòng đời sinh lão bệnh mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, lối sống của cả cộng đồng. Đó là một trong những cột trụ góp phần hình thành, bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc qua trường kỳ lịch sử và hiện vẫn phát huy tác dụng trong hành trình phát triển của dân tộc Khmer đồng bằng sông Cửu Long.

Điều cần nhấn mạnh thêm để tránh ngộ nhận là, trong lịch sử nhân loại, dù một nền văn hóa nào đó được thừa nhận là nhiều nội lực và giàu bản sắc song không có nghĩa đã hoàn hảo. Với văn hóa của người Khmer trong đó Phật giáo là một cột trụ cũng không phải là ngoại lệ. Nền văn hóa đó dù nhiều ưu trội vẫn cần được bổ sung để tự làm giàu. Do vậy, chắt lọc, gìn giữ và phát huy tinh hoa, lọc bỏ những yếu tố không còn phù hợp không chỉ là quy luật phát triển của mọi nền văn hóa mà còn là quy luật của muôn đời. Vì vậy, gạn đục, khơi trong là con đường của phát triển. Con đường ấy dù khó khăn song có thể đạt được thông qua việc kiến tạo cuộc sống và qua sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Con đường đó, có thể nói, đang rộng mở bởi quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc mà một dân tộc muốn phát triển không thể không tận dụng. Đôi khi từ bỏ một thói quen hay lớn hơn là thay đổi một lối sống không thể thành công trong một đời người song cuộc sống không bao giờ dừng lại, nó vẫn luôn thay đổi và tiến về phía trước./.

-----------------------------------------------

(1) Lê Thanh Sơn, Ngôi chùa trong đời sống văn hóa của người Khmer tỉnh Sóc Trăng, Luận văn thạc sĩ khoa học văn hóa, 1997, tr. 59