Ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác mang tầm chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
TCCS - Ngày 23-2-2022, tại Hà Nội, các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu John Kerry.
Đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của ông John Kerry trong tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh kết quả quan trọng từ các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Hoa Kỳ, nổi bật là chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris, thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp, ông John Kerry cho rằng, trên đà phát triển tốt đẹp, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, bởi hai nước còn nhiều dư địa hợp tác, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cương vị là Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu, ông John Kerry cho biết Việt Nam và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác chuẩn bị cho COP27. Trao đổi về thực trạng nước biển ngày càng dâng cao, ảnh hưởng rất lớn tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long và những vùng trũng của Việt Nam, ông John Kerry cho biết, Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng sang mô hình năng lượng sạch, nhất là năng lượng mặt trời. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá cao những nội dung trao đổi của ông John Kerry, nhất là trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực trong vấn đề này và đã quyết định chấm dứt dùng điện than vào năm 2050. Điều Việt Nam cần không chỉ là nguồn lực tài chính mà cả công nghệ và nhân lực để phát triển các dự án điện gió, mặt trời và thuỷ điện; do đó, mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn nữa tới hạ nguồn sông Mê Kông.
Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ và cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ, trong đó có cá nhân ông John Kerry đối với việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Việt Nam đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường ngân sách trong khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật và những vấn đề liên quan. Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác đầy đủ trên tinh thần nhân đạo trong tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.
Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác tại châu Á - Thái Bình Dương, qua đó đóng góp tích cực hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị ông John Kerry tiếp tục thúc đẩy Chính phủ Hoa Kỳ dành sự quan tâm, nguồn lực và tài chính cho hợp tác giáo dục và đào tạo hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đặc biệt là đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư cho Đại học Fulbright tại Việt Nam.
* Chiều cùng ngày, tại buổi tiếp Đặc Phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vui mừng trước những tiến triển trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trên mọi lĩnh vực, trong đó kim ngạch thương mại hai nước năm 2021 đạt con số 111 tỷ USD; đồng thời, đánh giá cao, cảm ơn những nỗ lực, đóng góp của ngài John Kerry trong quá trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nhiều thập niên qua.
Trên cơ sở nền tảng hiện có, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai nước tăng cường hợp tác trong thời gian tới nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ổn định, lâu dài, thực chất và hiệu quả. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng thường trực cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đến nay đã hỗ trợ Việt Nam 29,1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cũng như đánh giá cao việc Hoa Kỳ cam kết tiếp tục tăng ngân sách khắc phục hậu quả chiến tranh; bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, nhân đạo, kinh tế số...
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác mang tầm chiến lược giữa hai nước; đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Chính phủ Việt Nam để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp. Phó Thủ tướng đề nghị ngài John Kerry tiếp tục ủng hộ Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho Việt Nam để mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.
Về phần mình, Đặc Phái viên John Kerry cho biết, ông rất vui mừng được quay trở lại thăm Việt Nam; ghi nhận quan hệ hai nước trong 26 năm qua đã phát triển hết sức tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực; tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ về việc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; nhấn mạnh, Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam và mong muốn nâng tầm quan hệ thời gian tới.
Về các nội dung hợp tác, Đặc Phái viên John Kerry đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 về việc giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050; khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong việc phát triển năng lượng sạch, kết cấu hạ tầng bền vững, quản lý nguồn nước thông minh và tài nguyên trong hệ sinh thái. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có tẩy độc sân bay Biên Hòa cũng như thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo, phát triển, khoa học - công nghệ...
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện, bền vững và bao trùm với khu vực, ủng hộ đoàn kết nội khối và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ, đối tác Mekong - Hoa Kỳ. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc cũng như tại các diễn đàn đa phương khác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển tại khu vực và trên thế giới./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định phong hàm đại sứ và tiếp các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao 31  (14/12/2021)
Thế giới trước thách thức đói nghèo  (18/11/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại biểu người có uy tín tỉnh Bắc Kạn; tiếp hậu duệ của vua Lý Thái Tổ tại Hàn Quốc  (18/11/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện An ninh nhân dân  (25/10/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam  (12/10/2021)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên