Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc triển lãm về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
TCCS - Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2025), ngày 29-6-2025, tại thành phố Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc triển lãm.
Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên; đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại triển lãm đã giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc để mỗi người dân Việt Nam hôm nay tiếp tục nỗ lực vì một đất nước phát triển giàu mạnh.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Đảng ta đã khẳng định đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản rất mực kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhân dân, quân đội ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.
Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Lê Hoài Trung mong muốn triển lãm chuyển tải được phần nào những đóng góp to lớn, cũng như vẻ đẹp cao cả của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Linh trong lao động và trong cuộc sống đời thường. Thông qua triển lãm, chúng ta thấy rõ hơn nữa những chặng đường gian lao mà đất nước và cách mạng Việt Nam đã trải qua trong thế kỷ XX, cũng như tầm vóc lịch sử của những thắng lợi vĩ đại mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được, với vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo như đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Đồng chí Lê Hoài Trung nêu rõ, việc quán triệt, phát huy những bài học quý giá mà các thế hệ lãnh đạo cách mạng tiền bối, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại, chúng ta sẽ có thêm những cơ sở quan trọng để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của giàu mạnh và thịnh vượng.
Triển lãm được bố cục gồm 5 phần chính. Phần thứ nhất: “Quê hương, gia đình, thời niên thiếu (1915-1930)”, giới thiệu về thời niên thiếu cũng như quê hương, gia đình và hành trình giác ngộ cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cúc (tức Nguyễn Văn Linh). Tái hiện hình ảnh người thanh niên Nguyễn Văn Cúc xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ khi còn nhỏ, đã ham học hỏi, sớm có tình yêu thương đối với mọi người trong làng xóm, quê hương, thấu hiểu sâu sắc những đau khổ của nhân dân trong hoàn cảnh đất nước lầm than, bị bóc lột dưới cả chế độ phong kiến và thực dân cai trị. Đồng chí Nguyễn Văn Cúc sớm nhận thức được vận mệnh của đất nước để quyết tâm tìm đến phong trào cách mạng vô sản.
Năm 1929, khi mới 14 tuổi, đồng chí đã tham gia tổ chức Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, lại được tư tưởng Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, đồng chí đã tích cực, hăng hái hoạt động, không sợ hy sinh, gian khổ. Ngày 1-5-1930, đồng chí tham gia rải truyền đơn chống đế quốc và bị địch bắt khi mới 15 tuổi, sau đó bị chính quyền thực dân kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo.
Phần thứ hai: “Trưởng thành trong cuộc đấu tranh cách mạng (1931-1945)”, giới thiệu về thời gian đồng chí Nguyễn Văn Linh bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam và bị đày, tra tấn ở nơi “địa ngục trần gian" - nhà tù Côn Đảo (giai đoạn 1931 - 1936 và giai đoạn 1941 - 1945). Năm 1936, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia hoạt động trong phong trào công nhân lao động ở Hải Phòng, Hà Nội. Đồng chí đã xây dựng cơ sở đảng, thành lập nhiều chi bộ và Thành ủy lâm thời Hải Phòng.
Năm 1939, Trung ương Đảng điều động đồng chí vào công tác ở thành phố Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai làm Bí thư. Đến đầu năm 1940, đồng chí được Trung ương phân công cùng một số đồng chí ra Trung kỳ bắt liên lạc với cơ sở đảng ở các tỉnh để thành lập lại Xứ ủy Trung kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Vinh và bị đưa về Sài Gòn xử án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Văn Linh được đưa ra khỏi nhà tù Côn Đảo và bắt đầu hành trình đấu tranh cách mạng mới cùng dân tộc.
Phần thứ ba: “Sát cánh cùng đồng bào miền Nam (1946-1975)”, giới thiệu về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh vô cùng phong phú, sôi nổi, luôn sát sao với thực tiễn thăng trầm của phong trào cách mạng và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào miền Nam.
Sau khi được đón về Nam Bộ và hoạt động cách mạng ở khu vực miền Tây Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Linh trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn với các chức vụ Bí thư Thành ủy, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí được bầu và tham gia Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ.
Từ năm 1957 đến năm 1960, đồng chí là quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chủ Minh, với trách nhiệm là Bí thư Trung ương Cục, đồng chí đã chủ trì và cùng với các đồng chí khác lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam vào thời điểm gay go, oanh liệt nhất.
Triển lãm phản ánh những dấu ấn không bao giờ phai mờ về cuộc đồng khởi và cuộc kháng chiến chống xâm lược, hình ảnh anh Mười Cúc trong bộ quần áo bà ba, khuôn mặt hiền từ, dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói ấm áp, mộc mạc nhưng giàu tình cảm còn in đậm trong ký ức đồng bào, đồng chí miền Nam.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thuộc về toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có phần công lao của đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Phần thứ bốn: “Trăn trở, tìm tòi hướng đi mới (1976-1986)” giới thiệu về quá trình đồng chí Nguyễn Văn Linh với các vai trò, trọng trách trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, được phân công giữ các chức vụ: Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng đem hết sức lực cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, luôn trăn trở, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tìm tòi nghiên cứu những nhân tố mới, sáng tạo, tích cực từ thực tiễn để đúc kết, xây dựng điển hình, hình thành cơ chế, phong cách quản lý mới, góp phần làm sáng tỏ quan điểm, đường lối của Đảng.
Phần thứ năm: “Lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước (1986 - 1996)”, giới thiệu về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986). Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tài liệu, hình ảnh giới thiệu những đóng góp quan trọng và có hiệu quả của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào việc hoạch định đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn trong nước và những biến động lớn trên thế giới; kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Với những bài viết trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đăng trên Báo Nhân dân do đồng chí Nguyễn Văn Linh đưa ra chủ trương và trực tiếp viết bài, đã tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội, đồng thời đồng chí Tổng Bí thư cũng gương mẫu đi đầu, nêu cao tấm gương nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, đấu tranh chống lại các tiêu cực trong xã hội, để làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng và Nhà nước./.
Đỗ Bình (tổng hợp)
“Kiếm củi nhiều năm, thiêu 1 giây!” (06/01/2020)
- Một số điểm nghẽn chính sách trong phát triển mô hình kinh tế bao trùm ở Việt Nam: Nhìn từ thực tế vùng và hoạt động của doanh nghiệp
- Con đường trỗi dậy kinh tế của Hàn Quốc - một số vấn đề gợi mở từ phương diện chính sách
- Giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, góp phần xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới
- Phong cách nêu gương Hồ Chí Minh - Sức lan tỏa trong thực hiện quy định nêu gương của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị hiện nay
- Phát huy vai trò của truyền thông đối ngoại trong kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý