TCCS - Ngày 25-6-2025, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị.

Dự buổi làm việc có các đồng Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên đoàn công tác Trung ương.

Về phía tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có các đồng chí: Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị; Trần Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình; Hoàng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình và Quảng Trị. Buổi làm việc được kết nối đến điểm cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và Tỉnh ủy Quảng Trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Quảng Trị_ Ảnh: Tấn Toàn

Phát biểu đặt vấn đề tại buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng khi đến làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình và Quảng Trị; đồng thời biểu dương tinh thần chủ động, đoàn kết và quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân hai tỉnh. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm, đồng hành cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết đại hội đảng bộ địa phương, nhất là trong tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp. Đây là vấn đề mới, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, với mục tiêu phục vụ nhân dân hiệu quả nhất.

Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh làm rõ công tác xây dựng Đảng, hoạt động của Mặt trận, đoàn thể và chuẩn bị đại hội đảng các cấp, nhất là sau hợp nhất. Đồng thời, cần xác định rõ khó khăn, vướng mắc và đề ra mục tiêu cụ thể, phù hợp với yêu cầu phát triển năm 2025 và Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mới, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang trình bày báo cáo chung về kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết, kết luận của trung ương và một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Trước khi hợp nhất, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình có 13 đảng bộ trực thuộc; 145 đơn vị hành chính cấp xã; dự kiến sau sắp xếp còn 41 đơn vị hành chính. Ban Chấp hành  Đảng bộ tỉnh có 43/49 ủy viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 13/15 ủy viên.

Đảng bộ tỉnh Quảng Trị có 15 đảng bộ trực thuộc; 119 đơn vị hành chính cấp xã; dự kiến sau sắp xếp còn 37 đơn vị hành chính. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 48/51 ủy viên, BTV Tỉnh ủy có 13/15 ủy viên. Sau khi hợp nhất, tỉnh Quảng Trị mới có diện tích tự nhiên 12.700 km2; quy mô dân số 1.845.335 người; có 78 đơn vị hành chính cấp xã (69 xã, 8 phường, 1 đặc khu). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (mới) có 61 ủy viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 18 ủy viên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy 15 đồng chí.

Về công tác sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, hai tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ theo kế hoạch của ban chỉ đạo trung ương. Việc thành lập ban chỉ đạo xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được thực hiện kịp thời, cùng với xây dựng đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện và tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Hai tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, hoàn thiện và trình Chính phủ đúng tiến độ.

Liên quan đến công tác nhân sự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh đã hoàn thiện phương án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và định hướng phân công tỉnh ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữ các chức danh lãnh đạo của cơ quan, đơn vị và nhân sự Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sau hợp nhất.

Về tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm 2025, GRDP ước tăng 7,74%, cao hơn kịch bản đề ra đầu năm. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 4.200 tỉ đồng, đạt 64,5% dự toán trung ương giao. Tỉnh đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đợt 1 với 3.531 căn được khởi công, trong đó 1.437 căn đã hoàn thành, phấn đấu hoàn thành toàn bộ chương trình vào cuối tháng 6-2025. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang cũng đề xuất một số kiến nghị quan trọng, trong đó đề nghị Bộ Chính trị xem xét sớm nghiên cứu, ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Bắc Trung Bộ. Đồng thời, có cơ chế, chính sách riêng cho các tỉnh, thành phố có di sản thế giới nhằm phát huy giá trị vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngoài ra, đề nghị Trung ương, Quốc hội xem xét không điều tiết về ngân sách trung ương đối với các tỉnh nhận bổ sung cân đối trên 50%, ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải phát biểu làm rõ thêm một số nội dung công tác phối hợp thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tình hình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (cũ) 6 tháng đầu năm và bổ sung một số kiến nghị cụ thể. Đồng chí Nguyễn Long Hải khẳng định việc hợp nhất hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị có nhiều thuận lợi do sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, truyền thống, văn hóa, con người, cùng với ý chí vượt khó quật cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Trong 6 tháng đầu năm 2025, cùng với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, tỉnh Quảng Trị đã tập trung thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà trọng tâm là thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh vào tháng 10-2024. Công tác xây dựng Đảng được thực hiện đầy đủ, đã chỉ đạo hoàn thành đại hội đảng bộ cấp cơ sở đúng thời gian theo Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị. Tăng trưởng kinh tế của Quảng Trị đạt 7,16%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.141 tỉ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, về đích sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra, với 2.374 nhà ở người có công được xây mới và sửa chữa (đạt 100% kế hoạch) và 7.486 nhà ở hộ nghèo, cận nghèo được xây mới và sửa chữa (vượt 41,5% kế hoạch).

Về phương hướng phát triển của tỉnh mới, đồng chí Nguyễn Long Hải đề xuất xác lập mô hình tăng trưởng mới là “Xanh, Thông minh và Hội nhập”. Tỉnh mới sẽ tập trung phát huy mạnh mẽ hơn nữa nhân tố nguồn lực con người, truyền thống văn hóa lịch sử, sự thông minh, cần cù, sáng tạo của người Quảng Bình, Quảng Trị; phát huy giá trị to lớn của di sản thiên nhiên thế giới, vị trí địa lý độc đáo, giàu tính kết nối. Trong phát triển kinh tế, nông, lâm, ngư nghiệp vẫn là thế mạnh nhưng sẽ phát triển theo hướng công nghệ cao, sinh thái; đồng thời phát triển công nghiệp, du lịch, với mũi nhọn là năng lượng sạch, du lịch xanh, tận dụng tối đa các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, cửa khẩu, sân bay để phát triển dịch vụ logistics. Để tiếp sức cho tỉnh Quảng Trị (mới) hiện thực hóa các phương hướng phát triển, đồng chí Nguyễn Long Hải đề xuất tăng thêm công suất nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cho tỉnh Quảng Trị tương xứng với tiềm năng.

Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, sớm hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến Quốc lộ 15D, kết nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với Lào xuống Cảng biển Mỹ Thủy. Các kiến nghị khác bao gồm thẩm định, phê duyệt điều chỉnh ranh giới và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, sớm thông qua Đề án Khu kinh tế thương mại qua biên giới chung Lao Bảo - Densavan...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự gắn bó lịch sử giữa Quảng Bình và Quảng Trị, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao những kết quả toàn diện hai tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, dù quy mô kinh tế còn khiêm tốn. Đồng chí khẳng định đây là nền tảng quan trọng cho bước chuyển sau hợp nhất; đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, tốc độ phát triển và thu hút nguồn lực.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Quảng Bình và Quảng Trị sẽ cùng viết tiếp trang sử mới của đổi mới, hợp nhất và kiến tạo tương lai. Sự đoàn kết, đồng thuận từ hệ thống chính trị đến nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh thống nhất, khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ. Việc hợp nhất hai tỉnh không chỉ tiếp nối truyền thống gắn bó mà còn mở ra cơ hội định hình mô hình phát triển kinh tế hiện đại, tận dụng tối đa lợi thế ven biển, cảng biển, sân bay, cửa khẩu và các trục hành lang kinh tế. Việc hợp nhất hai tỉnh đã được Trung ương cân nhắc kỹ lưỡng, thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc tổ chức lại không gian hành chính quốc gia gắn với mục tiêu phát triển vùng hiệu quả, liên kết, bền vững.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, trong đó yêu cầu nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp phải đồng bộ, công khai, minh bạch, tránh gây xáo trộn. Công tác cán bộ cần đặt phẩm chất, năng lực, hiệu quả lên hàng đầu, kiên quyết chống cục bộ, lợi ích nhóm; đồng thời bảo đảm thông suốt tổ chức, giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu quả quản lý và quan tâm chính sách cho cán bộ.

Cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, hiện đại, có tầm nhìn dài hạn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tích hợp, liên kết vùng và phát huy lợi thế bổ sung giữa hai địa phương. Thành phố Đồng Hới cần được quy hoạch bào bản, trở thành trung tâm hành chính, chính trị, điều hành và dịch vụ công của tỉnh, gắn với quản trị hiện đại, nhân lực chất lượng cao và hệ thống giao thông chiến lược. Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ các đột phá chiến lược theo tinh thần nghị quyết Trung ương, phù hợp với thực tiễn địa phương sau hợp nhất. Chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh mới, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2025.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Trị (mới) được hình thành trên nền tảng hai vùng đất giàu truyền thống cách mạng và khát vọng vươn lên, là biểu tượng của tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới. Việc hợp nhất không chỉ là điều chỉnh địa giới, mà là cơ hội tái cấu trúc toàn diện chiến lược phát triển, hoàn thiện thể chế, tối ưu nguồn lực và nâng cao hiệu quả điều hành. Với tinh thần đoàn kết, tự lực và đổi mới, đồng chí tin tưởng Quảng Trị sẽ nắm bắt thời cơ, phát huy nội lực, tạo “đòn bẩy” chiến lược, trở thành cực tăng trưởng mới của Bắc Trung Bộ.

Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng, với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh, việc hợp nhất Quảng Bình - Quảng Trị sẽ trở thành một dấu mốc phát triển lịch sử, là đòn bẩy chiến lược để hình thành một cực tăng trưởng mới có sức lan tỏa trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đã viếng, dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Bình_ Ảnh: Tấn Toàn

* Trước đó, vào sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đã viếng, dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Bình. Trong không khí trang nghiêm và thành kính, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác xúc động dâng nén tâm hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Trong sổ lưu niệm, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ghi rõ: Tỉnh Quảng Bình, mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiêp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên mảnh đất “tọa độ lửa” một thời, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào cả nước đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dưới mưa bom bão đạn, Quảng Bình vẫn một lòng son sắt với Đảng, với Bác Hồ, hiến dâng trọn vẹn sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn trời biển của các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì độc lập tự do, vì sự trường tồn của Tổ quốc thân yêu./.