Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài tại tòa án ở Việt Nam

Thái Văn Đoàn
Kiểm sát viên cao cấp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
22:54, ngày 07-03-2023

TCCS - Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài. Các tranh chấp kinh doanh, thương mại cũng ngày càng nhiều và phức tạp, việc áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết còn nhiều vấn đề mới, khó; tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức tư pháp chưa cao và còn thiếu. Trong bối cảnh đó, cần có những giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.   

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thương mại điện tử đang diễn ra rất nhanh chóng và thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh hội nhập quốc tế, hợp tác đầu tư với nước ngoài, Việt Nam đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, là thành viên của nhiều tổ chức thương mại quốc tế. Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập, các tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng diễn biến rất phức tạp, gia tăng cả về tính chất và quy mô; việc áp dụng pháp luật để giải quyết không đơn thuần như các tranh chấp kinh doanh, thương mại trong nước, mà còn phải tham chiếu, áp dụng các quy định pháp luật, tập quán quốc tế rất rộng lớn, đa dạng.

Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam còn nhiều bất cập, có độ “vênh” so với pháp luật quốc tế. Hơn thế, pháp luật quốc tế có nhiều quy định phức tạp, đa dạng, mới, khó nhận thức và áp dụng; bên cạnh đó, năng lực, trình độ của đội ngũ công chức tư pháp nói chung còn hạn chế, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp; nhiều vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài bị cấp giám đốc, tái thẩm hủy, sửa hoặc làm phát sinh những vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế mà người khởi kiện là nhà đầu tư nước ngoài với Nhà nước Việt Nam (chứ không còn là khởi kiện tổ chức, cá nhân thông thường); việc tham gia các vụ kiện quốc tế rất phức tạp, gây tốn kém lớn cho ngân sách nhà nước.

Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài. Do đó các tranh chấp kinh doanh, thương mại cũng ngày càng nhiều và phức tạp (Trong ảnh: Bốc, xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Hải Phòng)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn 

Nhận diện những đặc trưng của tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài

Tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài có những đặc điểm của tranh chấp kinh doanh, thương mại thông thường, đều là những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại, có mục đích lợi nhuận, được quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, song có đặc điểm riêng là “yếu tố nước ngoài”, tức là thuộc một trong những trường hợp sau của vụ việc dân sự nói chung (trong đó có vụ án kinh doanh, thương mại) theo khoản 2 Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Về chủ thể: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài. Tại khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Cá nhân nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài”; khoản 32 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Tổ chức nước ngoài là tổ chức được thành lập ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài”.

Về sự kiện pháp lý: Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ kinh doanh, thương mại xảy ra tại nước ngoài. Ví dụ, doanh nghiệp A và doanh nghiệp B đều có trụ sở ở Việt Nam, nhưng phát sinh tranh chấp hợp đồng dịch vụ xuất nhập khẩu mặt hàng hải sản được ký và thực hiện tại Hàn Quốc.

Về đối tượng và tài sản tranh chấp: Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ kinh doanh, thương mại đó ở nước ngoài. Ví dụ, doanh nghiệp C và doanh nghiệp D đều có trụ sở ở Việt Nam, nhưng phát sinh tranh chấp về bất động sản tại Mỹ.

Theo các tiêu chí nhận diện nêu trên, từ ngày 1-7-2016 đến ngày 30-11-2021, tòa án nhân dân các cấp ở Việt Nam đã thụ lý 3.093 vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài (chiếm 12,7% tổng số vụ án kinh doanh, thương mại nói chung, một tỷ lệ không nhỏ), trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm là 2.235 vụ, thủ tục phúc thẩm là 766 vụ và thủ tục giám đốc thẩm là 92 vụ(1).

Khi giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết của các cấp tòa án, khác với thẩm quyền giải quyết nhiều loại tranh chấp kinh doanh, thương mại thông thường do tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục sơ thẩm thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh, quy định tại khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015(2).

Tuy nhiên, không phải tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài nào cũng đáp ứng quy định nêu tại Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Thực tế, có một số trường hợp dễ bị nhầm lẫn về yếu tố nước ngoài theo quy định này. Ví dụ, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với các tổ chức, cá nhân Việt Nam để hình thành nên các công ty liên doanh, khi phát sinh tranh chấp, bị nhầm lẫn là có yếu tố nước ngoài theo quy định nêu trên và xác định thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp này, mặc dù có vốn nước ngoài, nhưng do doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam, nên không phải doanh nghiệp nước ngoài theo quy định nêu trên, vì vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục sơ thẩm thuộc tòa án nhân dân cấp huyện.

Cũng cần lưu ý, đối với tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án nước ngoài có liên quan (đối với một số vụ án nhất định, thường là vụ án liên quan đến an ninh, trật tự, lợi ích xã hội, lợi ích nhân thân của công dân, quốc gia sở tại tuyên bố chỉ có tòa án nước họ mới có thẩm quyền xét xử), thì căn cứ điểm b khoản 1 Điều 472 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tòa án Việt Nam không được xét xử mà phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ án nếu thuộc thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam nhưng không thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam, quy định tại Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự và vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án nước ngoài có liên quan.

Thứ hai, về tài liệu, chứng cứ, thông thường, trong hồ sơ loại tranh chấp này sẽ có nhiều tài liệu, chứng cứ bằng tiếng nước ngoài, khi gửi tòa án phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt thì mới có giá trị pháp lý. Thực tế, có vụ án đã bị hủy vì giấy tờ không được hợp pháp hóa lãnh sự. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP, ngày 5-12-2011, của Chính phủ, “Về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự” quy định các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, như giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại,…

Một lưu ý khác là, các cá nhân, tổ chức nước ngoài thường sử dụng các phần mềm ứng dụng, như thư điện tử, facebook, viber, zalo, twister, telegram,… trong việc tạo lập giấy tờ, tài liệu, giao dịch, chữ ký điện tử, thông điệp dữ liệu điện tử… Những chứng cứ này rất khó thu thập, dễ bị giả mạo, cắt ghép, nên quá trình giải quyết, tòa án phải thu thập theo trình tự chặt chẽ, đánh giá chứng cứ đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định pháp luật, đánh giá trong mối liên hệ với các chứng cứ khác, trong nhiều trường hợp theo yêu cầu của đương sự hoặc thấy cần thiết, tòa án phải yêu cầu trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn.

Giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài

Áp dụng pháp luật tố tụng để giải quyết tranh chấp

Ngoài việc tuân thủ theo những quy định chung của việc giải quyết vụ việc dân sự, việc áp dụng pháp luật tố tụng giải quyết loại tranh chấp này còn có những quy định riêng, nêu tại Phần thứ VIII của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài". Cụ thể, việc xem xét thẩm quyền chung (Điều 469), thẩm quyền riêng của tòa án Việt Nam (Điều 470), phương thức tống đạt (Điều 474) thời hạn mở phiên họp, phiên tòa (Điều 476), thời hạn kháng cáo (Điều 479) có những quy định riêng so với thủ tục giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại thông thường, như thời hạn giải quyết thường kéo dài hơn. Hơn nữa, thời gian tòa án giải quyết thường bị kéo dài, do việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ ở nước ngoài, tống đạt triệu tập đương sự ở nước ngoài...

Áp dụng pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp

Tương tự phần tố tụng, đối với phần nội dung, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng dành hẳn Phần thứ V: “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”, gồm 3 chương từ Điều 663 đến Điều 687 để quy định những nguyên tắc áp dụng, dẫn chiếu đến pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế trong việc áp dụng, trong đó có những vấn đề cơ bản sau: 

Những quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 được áp dụng với tư cách là “luật nền”, “luật mẹ” và luật chuyên ngành trong nước, như Luật Hàng hải, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch điện tử,… được áp dụng để giải quyết loại án này tại thời điểm xảy ra tranh chấp. Bên cạnh đó, tùy từng vụ án có yếu tố nước ngoài cụ thể mà pháp luật quốc tế được áp dụng, như Công ước Viên năm 1980 về mua, bán hàng hóa quốc tế, Bộ Quy tắc về thương mại quốc tế trong các Incoterms, Công ước La Haye. Việc xác định pháp luật áp dụng, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, phạm vi pháp luật được dẫn chiếu,... được hướng dẫn tại các điều từ Điều 664 đến Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, không phải pháp luật nước ngoài nào cũng được áp dụng để giải quyết loại án này, nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 670 Bộ luật Dân sự năm 2015: i) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; ii) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng. Trong trường hợp này thì pháp luật Việt Nam được áp dụng(3).

Khi có xung đột pháp luật trong nước và quốc tế về cùng vấn đề, nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế (trừ Hiến pháp) theo khoản 1 Điều 16 Luật Điều ước quốc tế năm 2016(4) (nội dung này cũng được quy định tương tự tại khoản 5 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Trong thực tiễn giải quyết, không ít trường hợp áp dụng không đúng pháp luật, tập quán quốc tế trong khi giải quyết tranh chấp quốc tế. Vấn đề lưu ý khi giải quyết loại tranh chấp này là phải nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật quốc tế, đối chiếu, so sánh sự khác biệt so với cách giải quyết thông thường ở Việt Nam để bảo đảm việc áp dụng đúng pháp luật.

Bên cạnh những vi phạm về yếu tố nước ngoài, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm như khi giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại thông thường, đó là không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng, không xem xét thẩm định tài sản thế chấp, không giải quyết hậu quả của việc thi hành án, xác định trách nhiệm liên đới thanh toán không đúng… Ví dụ, khi giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản thế chấp, tòa án phải xem xét đến việc thẩm định tại chỗ tài sản để xác định người có quyền đối với tài sản hoặc ai đang quản lý, sử dụng tài sản trên thực tế để giải quyết vụ án một cách toàn diện, triệt để.

Qua thực tiễn quá trình giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, bên cạnh những thuận lợi, việc giải quyết cũng còn không ít bất cập, khó khăn, nguyên nhân bởi:

Hệ thống pháp luật Việt Nam mặc dù đã có nhiều thay đổi, bổ sung đáng kể trong quá trình hội nhập quốc tế, song vẫn còn nhiều quy định chưa tương thích, đồng bộ so với pháp luật quốc tế. Việt Nam chưa có Luật Tư pháp quốc tế, nhiều quy định về tư pháp quốc tế được quy định dàn trải tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Thương mại,… thậm chí còn trùng lặp. Chẳng hạn, việc xác định vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài vừa được quy định tại Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vừa được quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015, song lại có độ “vênh” về điều kiện chủ thể: “là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài" (Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) và “ cá nhân, pháp nhân nước ngoài" (Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015)(5). Việc giải quyết xung đột pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế vừa được quy định tại Điều 16 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, vừa được quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020.

Về án lệ, hiện nay, chỉ có 1 án lệ đối với loại tranh chấp này (Án lệ số 13/2017/AL), trong khi đó nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tế, các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế còn có nhiều cách hiểu khác nhau, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. 

Các quy định pháp luật của mỗi quốc gia đều có những đặc thù riêng, rộng lớn và phức tạp, nhiều quy định theo các hệ thống pháp luật khác nhau, như hệ thống châu Âu lục địa (Civil law), hệ thống pháp luật Anh - Mỹ (Common law), nên khi áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhiều trường hợp áp dụng không chính xác văn bản pháp luật để giải quyết. Nhiều đương sự ở nước ngoài có địa chỉ không rõ ràng hoặc cố tình gây nhầm lẫn địa chỉ; mặt khác, vẫn còn nhiều quốc gia chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, nên việc tống đạt các văn bản của tòa án cho đương sự cần nhiều thời gian, nhiều lần, nhiều trường hợp không thực hiện được, ảnh hưởng đến việc thu thập được đầy đủ tài liệu, chứng cứ; đương sự không tham gia phiên tòa, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, thương mại quốc tế, kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành cho đội ngũ công chức tư pháp còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến việc giải quyết án gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng pháp luật, kéo dài thời gian giải quyết, chất lượng giải quyết chưa cao, chưa toàn diện. Trong khi đó, một số thẩm phán vẫn còn tâm lý thiên vị, bảo vệ “người nhà” khi tranh chấp với đương sự nước ngoài hoặc thói quen áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết những tranh chấp quốc tế không đúng quy định, dẫn đến việc áp dụng không chính xác căn cứ pháp luật, thiếu công bằng, khách quan.

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành giải quyết loại tranh chấp này chưa được quan tâm sát sao, phân công, bố trí được những công chức chuyên sâu, ổn định, cũng như đào tạo được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công tác này, nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Một số giải pháp, kiến nghị

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, dựa trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền quốc gia, tính tối cao của Hiến pháp, tôn trọng luật pháp quốc tế, cần tập trung vào một số giải pháp:

Một là, cần sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan để bảo đảm sự đồng bộ, tương thích với pháp luật quốc tế, như Luật Thương mại năm 2005 (là đạo luật quan trọng điều chỉnh các quan hệ thương mại) đến nay đã có nhiều quy định bất cập và không đồng bộ so với nhiều luật khác, như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020... Rà soát và ký thêm các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với các nước, nhất là những nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam như Hàn Quốc để tăng cường hỗ trợ nhau trong việc giải quyết tranh chấp. Sớm ban hành các hướng dẫn nhằm thống nhất áp dụng pháp luật, như hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết của tòa án đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài để tránh nhầm lẫn việc xác định thẩm quyền.

Hai là, do văn bản pháp luật giải quyết loại tranh chấp này chưa được hoàn thiện, trước mắt, các cơ quan liên quan ban hành thêm một số án lệ để tạo thuận lợi, thống nhất trong việc giải quyết các vụ án tương tự.  

Ba là, cần nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên bằng việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, đào tạo kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành; tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực này. Quan tâm xây dựng đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên có kinh nghiệm, công tác ổn định, lâu dài và phát triển thành những chuyên gia giải quyết loại tranh chấp này.

Nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên bằng việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài_Ảnh: TTXVN

Bốn là, khi giải quyết tranh chấp phải tránh tâm lý thiên vị, phân biệt doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, khắc phục thói quen áp dụng pháp luật trong nước để giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài mà đáng lẽ phải áp dụng pháp luật quốc tế. Tăng cường vai trò kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của viện kiểm sát, kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót và khắc phục, bảo đảm sự công bằng, khách quan, áp dụng pháp luật chính xác trong các phán quyết của tòa án.

Năm là, tăng cường tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15, ngày 12-11-2021, của Quốc hội, “Về tổ chức phiên tòa trực tuyến”, để kết nối điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần ở trong nước, nước ngoài, tạo điều kiện để đương sự, nhất là đương sự nước ngoài tham gia phiên tòa đầy đủ, bảo đảm chất lượng và giúp rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.

Sáu là, tăng cường thông báo rút kinh nghiệm đối với các bản án, quyết định giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài bị hủy, sửa... để tòa án, viện kiểm sát các cấp nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giải quyết, tránh những sai sót tương tự./.

--------------------------

(1) Xem: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Đề tài khoa học năm 2022: “Kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài - Thực trạng và giải pháp”
(2) Khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này”
(3) TS Phan Hoài Nam, ThS Lê Minh Nhựt: “Pháp luật áp dụng cho hợp đồng dịch vụ có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam", Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5-2021
(4) Điều 16 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định: “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp
(5) ThS Võ Hưng Đạt: “Xác định yếu tố nước ngoài theo luật một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam", Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12-2021