TCCS - Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh chính thức hoạt động từ ngày 1-7-2021(1), được kỳ vọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực điều hành của chính quyền, để Thành phố tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, đột phá phát triển mạnh mẽ, nhanh, bền vững trước yêu cầu mới. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được bước đầu đáng ghi nhận, việc vận hành của chính quyền đô thị Thành phố đang gặp phải một số vướng mắc về thể chế, cơ chế phân cấp, ủy quyền, quản lý ngân sách... cần được tháo gỡ.

Chủ trương đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn

Những năm qua, xu hướng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở nước ta nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc hình thành các đô thị thông minh, chính quyền điện tử,... đã tác động đến phương thức quản lý của cơ quan nhà nước, đặt ra yêu cầu phải đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của chính quyền nhà nước tại các đô thị. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình chính quyền phù hợp, nhất là giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có sức thu hút, lan tỏa lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Nhưng trong quá trình phát triển, Thành phố đối diện với nhiều vướng mắc, bất cập, đó là: Sự phân định nhiệm vụ giữa các cấp, các ngành chưa rõ ràng đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; mối quan hệ giữa ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân cùng cấp, giữa các cấp, các ngành trong hệ thống hành chính với các bộ, ngành Trung ương còn chồng chéo, trùng lặp; chế độ làm việc tập thể của ủy ban nhân dân chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, dẫn đến hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn bị phân tán và có nhiều hạn chế, vướng mắc... Đó là những nguyên nhân dẫn đến chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Thành phố những năm qua chưa đạt mục tiêu đề ra.

Để giải quyết những bất cập, vướng mắc đó, nhiều nhà khoa học, quản lý cho rằng, việc vận dụng mô hình chính quyền đô thị cho Thành phố Hồ Chí Minh được xem là phương án khả thi nhất. Chính quyền đô thị là một chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực để kịp thời xử lý nhanh chóng, hiệu quả đối với những tình huống phát sinh, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Mô hình chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phố lớn đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào bộ máy quản lý, điều hành. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm sau gần 7 năm thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở tất cả các quận, huyện, phường trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị cho Thành phố.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động bộ máy chính quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16-11-2020, Quốc hội (khóa XIV) thông qua Nghị quyết số 131/2020/QH14 “Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh” (Nghị quyết số 131), có hiệu lực từ ngày 1-7-2021.

Những kết quả bước đầu đáng nghi nhận

Bám sát tinh thần Nghị quyết số 131, Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiện toàn bộ máy chính quyền tại 16 quận và 249 phường; chính quyền địa phương ở quận, phường chỉ còn ủy ban nhân dân, không tổ chức hội đồng nhân dân. Cùng với đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Thành phố, ủy ban nhân dân quận, phường được điều chỉnh; bộ máy, cơ cấu tổ chức chính quyền của các quận, phường được tinh gọn. Như vậy, chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh là chính quyền một cấp, ủy ban nhân dân quận, phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, chủ tịch tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Chính quyền Thành phố sẽ giảm dần mệnh lệnh hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc, với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân. Dù mới đi vào vận hành gần một năm, chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi với các đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026_Nguồn: qdnd.vn

Thứ nhất, bộ máy tổ chức tinh gọn, tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng ngân sách. Theo tính toán của Ủy ban nhân dân Thành phố, mỗi nhiệm kỳ, Thành phố tiết kiệm được 1.200 tỷ đồng kinh phí cho các khoản hoạt động, lương, chế độ, chính sách cho 655 đại biểu hội đồng nhân dân quận, 6.159 đại biểu hội đồng nhân dân phường và có 588 biên chế được tinh giản là đại biểu chuyên trách. Về cơ bản, bộ máy chính quyền mới vận hành khá thông suốt, bước đầu thể hiện hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, thiết lập cực tăng trưởng mới thông qua việc thành lập mô hình “thành phố trong thành phố” - thành phố Thủ Đức (trên cơ sở được sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức), thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Bởi vì, nơi đây hội đủ các điều kiện trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao, trung tâm kinh tế tri thức trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thành phố Thủ Đức được định hướng sẽ tạo ra hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo trên nền tảng kinh tế tri thức từ các trụ cột sẵn có, như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế; khu công nghệ cao là nơi nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm sáng tạo, công nghệ cao; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo kế hoạch, thành phố Thủ Đức sẽ xây dựng, phát triển và kêu gọi đầu tư 8 khu đô thị; kết nối nhanh chóng, hiệu quả với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ, hình thành cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam. Kỳ vọng trong 10 năm tới, thành phố Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 30% của Thành phố Hồ Chí Minh, đạt khoảng 7% GDP của cả nước.

Thứ ba, công tác giám sát bảo đảm quyền đại diện và làm chủ của nhân dân. Ở cấp chính quyền địa phương, hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, nên nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi tiến hành xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (nghĩa là tại các quận, phường không còn tổ chức hội đồng nhân dân), thì vai trò giám sát của hội đồng nhân dân không còn, sẽ có thể nảy sinh nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, để giám sát các hoạt động của cơ quan hành chính quận, phường khi vận hành chính quyền đô thị, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân Thành phố đã chú trọng xây dựng thể chế, quy định nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan chức năng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Các quận, phường xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố; phát huy kênh giám sát trực tiếp từ nhân dân, cơ quan báo chí với toàn bộ hoạt động của các cấp chính quyền; ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa ủy ban nhân dân với ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong việc tiếp nhận, xử lý và trả lời các kiến nghị của nhân dân. Một số quận (Quận 3, quận Bình Thạnh...) chú trọng đổi mới công tác nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời xử lý thông tin về: thủ tục hành chính; thái độ, trách nhiệm của cán bộ, viên chức khi tiếp công dân; xây dựng trái phép; trật tự, an toàn xã hội... để cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh.

Điểm mới trong giám sát hoạt động của chính quyền đô thị tại Thành phố là, cùng với việc định kỳ lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo của Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch ủy ban nhân dân quận, cũng như các chức danh khác được Hội đồng nhân dân Thành phố bầu ra (không áp dụng với thành phố Thủ Đức, vì địa phương này vẫn được tổ chức Hội đồng nhân dân, nên chịu sự giám sát của cơ quan dân cử cùng cấp).

Thứ tư, phục vụ người dân theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Sau khi được kiện toàn, bộ máy tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và ủy ban nhân dân các quận, phường đã trở nên tinh gọn; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực được rõ ràng hơn. Cùng với đó, chính quyền từ Thành phố đến quận, phường và thành phố Thủ Đức đẩy mạnh việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Điển hình là, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã ủy quyền cho 22 chi nhánh thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai về việc mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế; cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nên đã giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn khoảng 50% so với trước đây. Năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chủ động tổ chức nhiều hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, với mỗi cuộc hội nghị có hơn 200 đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp nêu lên những vướng mắc, kiến nghị để Thành phố tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ủy ban nhân dân quận Tân Bình tiến hành rút ngắn thời gian các thủ tục hành chính tại Ban Quản lý dự án đầu tư của quận so với trước là từ 2 đến 3 ngày. Điểm đáng ghi nhận, Thành phố vừa chống dịch, vừa tìm giải pháp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, nhất là gắn cải cách hành chính với tin học hóa, cắt giảm một số thủ tục gây phiền hà để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp.

Với mục tiêu lắng nghe, đối thoại, giải đáp trực tiếp những nhu cầu, bức xúc, nguyện vọng của người dân về kế hoạch chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế của Thành phố, chỉ tính từ tháng 8 đến tháng 9-2021, Ủy ban nhân dân Thành phố hợp với Đài truyền hình Thành phố tổ chức phát sóng chương trình trực tiếp “Dân hỏi - Thành phố trả lời”. Sau 10 số phát sóng, chương trình đã thu hút được hơn 4,1 triệu lượt xem, gần 220.000 bình luận và thông qua chương trình có hơn 1,6 triệu lượt người dân đăng ký để các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đẩy nhanh công tác giải ngân, cấp phát tiền hỗ trợ, túi an sinh... Đây là việc làm chưa từng có tiền lệ, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, là một minh chứng sinh động cho hiệu quả bước đầu cho mô hình chính quyền đô thị gần dân, sát với dân.

Thứ năm, mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ khi vận hành chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, bộ máy ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn tại các quận, phường được tinh gọn, phù hợp hơn; cán bộ, công chức thể hiện chức trách, nhiệm vụ thông qua thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả rõ rệt. Mối quan hệ giữa cấp ủy, ủy ban nhân dân quận và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vẫn hoạt động thông suốt, trong đó, mối quan hệ giữa ủy ban nhân dân quận với cấp ủy cùng cấp được đánh giá cao; nhưng mối quan hệ giữa ủy ban nhân dân quận với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp có lúc, có nơi vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục.

Những “rào cản” cần tháo gỡ

Thể chế đóng vai trò tạo khung pháp lý, hướng dẫn cho việc tổ chức, vận hành xã hội và quá trình xây dựng thể chế, triển khai vào thực tiễn thường mất nhiều thời gian. Đối với Việt Nam, việc xây dựng chính quyền đô thị chưa có tiền lệ, trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình này, nên nhìn chung, hệ thống thể chế dành cho chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thật sự hoàn thiện. Cụ thể, mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức trong Thành phố Hồ Chí Minh chưa có nghị định, quy định rõ ràng, riêng biệt về thẩm quyền, chức năng; một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Nghị quyết số 131 chưa cụ thể, trong khi khối lượng công việc của thành phố Thủ Đức rất lớn, số lượng biến chế lại giảm, nhưng thẩm quyền chỉ ngang với các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, gây nên nhiều khó khăn khi vận hành.

Cán bộ Ủy ban nhân dân phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân_Ảnh: TTXVN

Việc phân cấp, ủy quyền được xem là “chìa khóa” cho chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt các quyết sách mà Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đề ra, nhưng đến nay, vẫn chưa có quy định đặc thù về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng. Việc phân cấp quản lý giữa Chính phủ với Thành phố Hồ Chí Minh đang được thực hiện theo Nghị định số 93/2001/NĐ-CP, ngày 12-12-2001, của Thủ tướng Chính phủ “Về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh” (Nghị định số 93), nhưng một số nội dung của nghị định này đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn trong hoạt động quản lý nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Quá trình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của ủy ban nhân dân quận, phường có tình trạng chồng lấn do quản lý theo ngành dọc của các cơ quan chuyên môn, nên có những công việc cần được ủy ban nhân dân quận giải quyết bảo đảm kịp thời, thuận lợi, nhưng lại thuộc thẩm quyền của sở, ngành hay các phòng chức năng. Tại khoản 2, Điều 11, Nghị quyết số 131 quy định: “Văn bản của chính quyền địa phương ở quận, phường được ban hành trước ngày 1 tháng 7 năm 2021 nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng”, nhưng đến nay, chưa có một văn bản nào và ngay trong Nghị định 131 cũng không đề cập đến cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc thay thế, bãi bỏ các nghị quyết quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân quận, phường trong trường hợp ủy ban nhân dân quận, phường rà soát văn bản của hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định.

Về cơ chế quản lý ngân sách, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%), nhưng từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách Thành phố giảm từ 23% xuống còn 18%, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh phí bảo đảm các chính sách, chế độ ngày càng tăng. Đáng chú ý, trong hai năm (2020 - 2021), đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế của Thành phố một cách nghiêm trọng, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn, đó là chưa kể đến những hệ lụy có thể còn kéo dài trong những năm tới.

Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho Thành phố

Để “nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh...; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước...; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân; thành phố là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”(2), đòi hỏi chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh phải hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, cần quan tâm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, khoa học, tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, sớm hoàn thiện thể chế phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa cơ quan nhà nước của Trung ương với chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Cần ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 93, góp phần đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước gắn với tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thành phố đối với một số lĩnh vực trọng điểm; sớm có quy định cụ thể về cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thay thế, bãi bỏ nghị quyết quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân quận, phường khi chính quyền ở quận, phường không còn tổ chức hội đồng nhân dân.

Hai là, xem xét, nghiên cứu, hướng dẫn và trao cho Thành phố Hồ Chí Minh được tự chủ về cơ chế phân cấp, ủy quyền tổ chức chính quyền đô thị với tính chất đặc biệt của chính quyền đô thị; tùy theo nhu cầu, Thành phố Hồ Chí Minh được tự quyết định thành lập bộ phận giúp việc, quy định chức năng, nhiệm vụ bộ phận này. Tăng thêm số lượng cấp phó Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở phường để tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội; đồng thời, sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc sử dụng, quản lý và chế độ chính sách đối với cán bộ thuộc đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp này.

Ba là, cần có quy định về số lượng cán bộ và người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại phường. Bởi, tại Điều 29, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP “Về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14, ngày 16-11-2020, của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”, quy định biên chế công chức bình quân làm việc tại ủy ban nhân dân phường là 15 người; số lượng cán bộ và người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại phường được quy định tại Điều 5, Nghị định số 33 là “theo quy định của pháp luật”. Nhưng, Điều 13, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24-4-2019, của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố” quy định: phường loại 1 tối đa 14 người, phường loại 2 tối đa 12 người và phường loại 3 tối đa 10 người. Do chưa có sự thống nhất, nên đã gây nhiều khó khăn cho ủy ban nhân dân các quận, thành phố Thủ Đức bố trí số lượng cán bộ, người hoạt động chuyên trách cấp phường.

Bốn là, cần phân rõ trách nhiệm của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức; bãi bỏ cơ chế thành phố Thủ Đức ngang hàng với cấp quận để nâng cao thẩm quyền so với trước đây. Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm nghiên cứu cơ chế thí điểm phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Đức được quản lý trực tiếp khu đô thị sáng tạo (khi được thành lập); ban hành quy định mới về cơ chế, chính sách riêng biệt (cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn, biên chế) nhằm tăng thẩm quyền, phát huy tối ưu cho chính quyền đô thị thành phố Thủ Đức vận hành hiệu quả. Với kỳ vọng là khu đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh Đông Nam Bộ và mở rộng áp dụng các dịch vụ và các sản phẩm công nghệ số tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, vì vậy, Chính phủ quan tâm kiến nghị Quốc hội đưa vào cơ chế đặc thù “giao nhiệm vụ chi khoa học và công nghệ cho thành phố Thủ Đức”. Đồng thời, Trung ương cần xem xét và trao cho Thành phố quyền hạn thực hiện chính sách đãi ngộ đặc thù cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Thủ Đức.

Năm là, để tạo điều kiện giúp Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Quốc hội quan tâm xem xét, sớm chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố với hai phương án giữ nguyên 21% hoặc lên 23-25%./.

------------------------------

(1) Nghị quyết số 131/2020/QH14, ngày 16-11-2020, của Quốc hội (khóa XIV) “Về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”
(2) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025