Quảng Nam cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Hồ Quang Bửu
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam
14:55, ngày 31-10-2020

TCCS - Thời gian qua, mặc dù tỉnh Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, đặc biệt là sự đồng thuận của bà con nông dân, sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà tại Quảng Nam _ Ảnh: congthuong.vn

Những kết quả đạt được

Quán triệt và thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Quảng Nam tích cực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Dựa trên cơ sở quy hoạch các ngành, lĩnh vực có ưu thế của địa phương như lâm nghiệp, dược liệu, thủy sản, chăn nuôi, tỉnh đã lập 7 quy hoạch mới, gồm: bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; bảo tồn và phát triển cây dược liệu; bảo tồn và phát triển quế Trà My; phát triển thủy sản; phát triển chăn nuôi tập trung; phát triển thủy lợi. Đồng thời, triển khai rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách mới, như: Cơ chế khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã; chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; và 7 cơ chế phát triển theo 7 quy hoạch mới... Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hoá vào sản xuất, khuyến khích phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại hữu cơ, thực sự trở thành nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho xây dựng nông thôn mới.

Sau 5 năm triển khai thực hiện quyết liệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực và tiếp tục duy trì tăng trưởng, hiệu quả trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng bình quân giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 là 4%/năm, đạt kế hoạch đề ra(1). Trong cơ cấu nội bộ ngành, giảm tương đối tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp, thủy sản(2). Giá trị sản xuất nội bộ ngành trong nông nghiệp, trồng trọt đạt mục tiêu kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2020 (<60%), bước đầu duy trì liên kết sản xuất có hiệu quả(3). Chăn nuôi bò ổn định tăng trưởng và phát triển, gia cầm phát triển mạnh, ước năm 2020 đàn bò hơn 172 nghìn con, tăng 2,75%, đàn gia cầm trên 8,5 triệu con, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2015. Sản lượng thủy sản tăng 1,15 lần so năm 2015. Lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân 11,03%/năm; cây dược liệu khu vực miền núi phát triển khá và đã có kết quả bước đầu, chỉ tính trong 2 năm (2018, 2019), diện tích cây dược liệu tăng 491ha, cây quế tăng 917ha.

Cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực; thủy lợi và hạ tầng phục vụ sản xuất có bước hoàn thiện đáng kể, tỷ lệ kiên cố đạt 62,66% (mục tiêu là 60%). Công tác sắp xếp, ổn định dân cư vùng miền núi đạt kết quả cao, số hộ thực hiện sắp xếp di dời chỗ ở là 5.970 hộ, đạt 99,5% kế hoạch năm 2020. Xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả tốt, 58% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020 và không còn xã dưới 8 tiêu chí. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp, như: Cổ phẩn hóa Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp Quảng Nam và Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam; tổ chức sắp xếp lại và phân cấp các đơn vị thuộc lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, khuyến nông và chuyển giao các ban quản lý rừng cho cấp huyện quản lý...

Những vấn đề đặt ra

Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy, nông nghiệp, nông thôn của Quảng Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, nổi bật là:

Một trong những cánh đồng rau màu của bà con Quảng Nam _ Ảnh: quangnam.org.vn

Trước hết, phát triển nông nghiệp có dấu hiệu thiếu tính bền vững, đổi mới cách thức tổ chức sản xuất còn chậm, vẫn chưa tạo bước đột phá, nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chưa đủ khả năng cạnh tranh.

Thứ hai, ở nhiều nơi, xây dựng nông thôn mới chưa thật sự xem nông dân là đối tượng trung tâm và là chủ thể của quá trình cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, bức tranh chung của kinh tế nông thôn vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, còn bị tác động nhiều yếu tố rủi ro cao, như: dịch bệnh vật nuôi, thiên tai, hạn hán, nhiễm mặn, thiếu tính liên kết trong sản xuất, phân phối…

Thứ tư, mặc dù các chính sách của Trung ương, của tỉnh quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhưng vẫn còn những nút thắt chưa được tháo gỡ, như chính sách về tích tụ đất đai, thủ tục hành chính... Cùng với việc kết cấu hạ tầng ở vùng núi còn thiếu, chư­a đáp ứng điều kiện, yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Xuất phát từ những vấn đề trên, ngày 17-7-2020, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Kết luận số 699-KL/TU, "Về thực hiện quy hoạch và định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự thay đổi về nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo chủ trương, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; là vấn đề cốt lõi, có tính chiến lược để bứt phá, chuyển mạnh nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) sang sản xuất hàng hóa, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả. Phát triển nông nghiệp - nông thôn và tăng cường tính kết nối toàn diện giữa các vùng, miền và đô thị với nông thôn, tạo ra mối quan hệ tương hỗ trong sự phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 3,5%/năm về giá trị sản phẩm ngành nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục đẩy nhanh tăng trưởng các lĩnh vực có thế mạnh đã được xác định là: lâm nghiệp và thuỷ sản, chăn nuôi; tăng giá trị sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt trên 20% các loại cây trồng; sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 10% (diện tích trên 10.000ha, bao gồm cả cây dược liệu); có ít nhất 20% diện tích (30.000ha) đất có rừng trồng sản xuất được cấp giấy chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế (FSC); có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 12 tiêu chí.

Một số giải pháp

Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trên tinh thần phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới:

Nông dân Phú Ninh (Quảng Nam) đang thu hoạch lúa _ Ảnh: baoquangnam.vn

Một là, sớm bổ sung định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tích hợp vào quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó mở ra hướng đột phá mới cho ngành nông nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn vào nông nghiệp, nông thôn như: các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản; chế biến dược liệu, các nông sản hàng hóa chủ lực, như: sâm Ngọc Linh, quế Trà My, gỗ nguyên liệu rừng trồng, tôm, lúa, cây ăn quả và rau thực phẩm.

Bên cạnh đó, cơ cấu hợp lý các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa khác gồm: ngô, lạc, tiêu, các loại cây dược liệu, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm (bò, lợn, gà); sản phẩm thủy sản nước ngọt (cá, cua…). Phát triển công nghiệp chế biến dược liệu (như đẳng sâm, ba kích tím… ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn), để tạo đà phát triển công nghiệp dược liệu. Áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị.

Xúc tiến hình thành các cơ sở hậu cần nghề cá trong đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy, hải sản; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và vi phạm IUU (Quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định do Ủy ban châu Âu ban hành). Tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả trong đánh bắt và bảo quản hải sản, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu. Củng cố và phát triển các đội tàu dịch vụ hậu cần tại các vùng biển xa, trong đó tập trung chủ yếu tại 2 địa phương có truyền thống, tiềm năng khai thác hải sản là Núi Thành và Thăng Bình.

Đẩy mạnh các sản phẩm OCOP “mỗi xã một sản phẩm”. Dự kiến đến cuối năm 2020 có trên 205 sản phẩm OCOP; xúc tiến xây dựng trung tâm OCOP tại Hội An trở thành trung tâm vùng, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nông sản sạch của tỉnh Quảng Nam với thị trường một cách hiệu quả.

Hai là, phát triển nông lâm, thủy sản gắn với du lịch. Đây là hướng đi mới, kết hợp các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cũng như các ngành nghề truyền thống.

Tập trung xây dựng và phát triển các khu, vùng nông nghiệp gắn với các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương để thu hút và phát triển du lịch cộng đồng cùng với các loại hình du lịch khác ở địa bàn nông thôn. Hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch như: nông nghiệp hữu cơ, làng sinh thái, làng nghề (Hội An, Đại Bình - Nông Sơn, Tiên Phước, Điện Bàn,…); khu vực trải nghiệm nghề nông nghiệp (trồng rau, trồng dược liệu, vườn cây trái, nuôi trồng thủy sản, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm và các sản phẩm OCOP…); khu rừng tự nhiên, vùng dược liệu, các hồ thủy lợi, thủy điện (Phú Ninh, Việt An, Sông Tranh, Đăk Mi, A Vương,…); khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao (Thăng Bình, Điện Bàn, Tam Kỳ,…); chuỗi du lịch “dòng sông lụa” với khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ven sông Thu Bồn; gắn với  các di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Hội An với khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, khu rừng sinh thái pơ mu, đỗ quyên (Tây Giang); khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Sông Thanh (Nam Giang)

Ba là, tập trung rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo động lực mạnh mẽ, sớm hiện thực hóa chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thúc đẩy tập trung ruộng đất, nhân rộng các mô hình thí điểm tích tụ ruộng đất có sự liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để kịp thời đề xuất những cơ chế mới phù hợp, hạn chế việc bỏ đất hoang hóa không sử dụng đang gia tăng; khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất cho thuê, để các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (rau củ, quả, nuôi tôm, chăn nuôi, dược liệu...); triển khai thực hiện khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Điện Bàn và xúc tiến mỗi huyện xây dựng ít nhất một khu nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Từng bước hình thành những tổ hợp nông, công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững, mà hướng đến là các dự án chế biến nông sản (Công ty Thadi - Trường Hải, Núi Thành), tổ hợp phức hợp sản xuất chăn nuôi, chế biến lâm sản (Hiệp Đức)…

Bốn là, tiếp tục quán triệt và tuyên truyền nâng cao nhận thức đến tất cả cán bộ, đảng viên, các tổ chức, đơn vị và toàn thể nhân dân về xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Đào tạo, nâng cao năng lực cho người nông dân, cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới.

Chủ động nghiên cứu, rà soát và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, miền trên địa bàn tỉnh, theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đặc biệt đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thống nhất cơ chế triển khai thực hiện. Tập trung triển khai các đề án phát triển sản xuất gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, bảo đảm không chồng chéo, lãng phí nguồn lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với khu vực miền núi, tập trung phát triển sản xuất gắn với ổn định sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thôn, bản, làng. Cùng với việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, bảo  đảm tính bền vững, cần hướng tới xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu./.

-------------------

(1)  Giá trị sản phẩm ngành nông, lâm thủy sản (GRDP) năm 2015: 5.980 tỷ đồng; năm 2016: 6.205 tỷ đồng; năm 2019: 6.804 tỷ đồng; ước năm 2020: 7.000 tỷ đồng.

(2) Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp (GO) còn xấp xỉ 60% (năm 2015: nông nghiệp, lâm nghiêp, thủy sản tương ứng: 63,76%, 7,88%, 28,36%, năm 2019: 59,89%, 10,47%, 29,64% ).

(3) Bình quân diện tích gieo trồng được sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết: 4.588ha/năm. Có hơn 140 cánh đồng lớn, với 6.000ha (lúa, ngô, đậu xanh, lạc, ớt, dưa hấu...)