TCCS - Ngày 5-12-2019, tại Vĩnh Phúc, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo_Ảnh: TTXVN

Đánh giá thực trạng công tác phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua, Báo cáo đề dẫn Hội thảo nêu rõ, so với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, công tác phê bình chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ làm công tác phê bình văn học, nghệ thuật, nhất là ở các lĩnh vực, như âm nhạc, múa, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh,… diễn ra từ nhiều năm qua chưa thực sự được khắc phục hiệu quả. Ở một số diễn đàn phê bình văn học, nghệ thuật xuất hiện không ít những bài viết cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, thậm chí chịu tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. Do đó không những không định hướng được sáng tác và sự tiếp nhận của độc giả, mà còn làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn học, nghệ thuật.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo “Vai trò định hướng của phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay” đã đặt ra mục tiêu nhận diện, đánh giá và lý giải thực trạng phê bình nói chung và ở từng loại hình văn học, nghệ thuật nói riêng.

Toàn cảnh Hội thảo_Ảnh: Đoàn Hiền

Hội thảo có 70 tham luận, với hơn 250 đại biểu về tham dự, tập trung đánh giá vai trò của phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn và hoạt động sáng tạo; làm rõ các yếu tố tác động đến phê bình hiện nay, chỉ ra những nguyên nhân cơ bản cả khách quan và chủ quan; đề xuất nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, nâng cao chất lượng hoạt động phê bình. Một số giải pháp được nhiều đại biểu nhấn mạnh là: Cụ thể hóa các tiêu chí liên quan đến chế độ, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phê bình; có chính sách thích đáng đãi ngộ, đào tạo, vinh danh giải thưởng cho các công trình phê bình có giá trị; hoạch định chiến lược, chính sách hoạt động phù hợp…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, công tác phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua cơ bản khắc phục được lối phê bình xã hội học dung tục, võ đoán, quy chụp; một số vấn đề liên quan đến hệ thống chuẩn mực giá trị văn học, nghệ thuật và hệ thống lý luận mỹ học đã từng bước được đặt ra và lý giải, làm rõ. Công tác phê bình văn học, nghệ thuật đã có những đóng góp nhất định trong việc đấu tranh với những xu hướng cực đoan, mưu toan đối lập văn nghệ với chính trị, phủ nhận thành tựu văn nghệ cách mạng, phủ nhận sự thật lịch sử, tuyệt đối hóa hình thức nghệ thuật…, góp phần định hướng cho sáng tác và tiếp nhận của công chúng; giúp cho các nhà lãnh đạo và quản lý có cái nhìn toàn diện, đúng đắn hơn về các hiện tượng văn học, nghệ thuật.

Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, để nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật phải bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ các nhà phê bình chuyên nghiệp, các trung tâm đào tạo, nghiên cứu cùng với các hội chuyên ngành. Các cơ quan báo chí, văn học, nghệ thuật cũng cần tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ phê bình không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và có được môi trường làm việc thuận lợi nhất. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng. Nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm hiện nay là sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam hiện đại, khoa học, đủ sức giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị, về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và các văn kiện quan trọng của Đảng đã đề cập. Đồng chí Võ Văn Thưởng mong rằng, các nhà phê bình tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình để từng bước góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của phê bình văn học, nghệ thuật.

Những vấn đề được đặt ra và làm rõ tại Hội thảo sẽ góp phần xây dựng luận cứ khoa học để đánh giá thực trạng, xây dựng hệ thống giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển lĩnh vực phê bình văn học, nghệ thuật. Kết quả của Hội thảo là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ; cập nhật tri thức và thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; là cơ sở để lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan tham khảo, ứng dụng trong thực tiễn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Trên cơ sở những thông tin, giải pháp thu thập được từ Hội thảo, Hội đồng sẽ có báo cáo tư vấn cụ thể, giúp Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo vấn đề quan trọng này, góp phần phát triển lĩnh vực văn học, nghệ thuật của Việt Nam trong thời gian tới./.