Nội dung với đánh dấu (tag) kinh tế thị trường .

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam

TS. PHÙNG QUỐC HIỂN
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội

10:41, ngày 23-02-2022

TCCS - Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển theo xu thế của thời đại là hội nhập quốc tế, dần hình thành một nền kinh tế tri thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là xu thế không thể đảo ngược, đòi hỏi chúng ta có chính sách phù hợp, tổ chức tốt, hợp quy luật để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng _Ảnh: Tư liệu

Thời cơ và thách thức

Các ngành công nghiệp văn hóa ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác, nhưng lại là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, dễ mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển vì phù hợp với xu thế của thời đại. Vậy các ngành công nghiệp văn hóa sẽ phát triển như thế nào trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hay nói cách khác, các ngành công nghiệp văn hóa phát triển thế nào để vừa phù hợp với xu thế chung, vừa bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa? Những chính sách cơ bản nào để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh và điều kiện hiện nay cho phù hợp?

Trước hết, cần làm rõ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm cơ bản nào? Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra rằng: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(1).

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam mang đầy đủ đặc điểm cơ bản của các nền kinh tế thị trường trên thế giới, bên cạnh đó, có hai đặc điểm riêng, nổi trội, đó là: 1- Do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; 2- Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Những đặc điểm cơ bản và nổi trội này là những đặc điểm cơ bản của mô hình kinh tế tổng quát thời kỳ quá độ, mục tiêu cụ thể đặt ra phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đảng ta nhấn mạnh nội dung này để tránh rơi vào chủ nghĩa giáo điều, dập khuôn, máy móc, thiếu tính sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trong xu thế của thời đại và với đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam “sinh sau, đẻ muộn” sẽ phát triển thế nào cho đúng hướng và hiệu quả? Chúng ta đều nhận thức được rằng, các ngành công nghiệp văn hóa là công nghiệp sáng tạo, luôn gắn với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, dựa chủ yếu vào nguồn tài nguyên tri thức. Các ngành công nghiệp văn hóa là sự kết hợp ở tầm cao giữa tinh thần và vật chất, giữa văn hóa và sản xuất, kinh doanh, để tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, chất lượng văn hóa cao, chiếm tỷ trọng lớn trong phần giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày một tăng của nhân loại. Đây là một đòi hỏi của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển. Nhu cầu đó ở Việt Nam cũng đang tăng lên đáng kể, từ một quốc gia nghèo, đói trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, từ một quốc gia người dân “ăn đói, mặc rách”, đến nay, đại bộ phận người dân đã ăn no, mặc ấm, một bộ phận đã ăn ngon, mặc đẹp. Có nhiều nghiên cứu cho rằng, khi thu nhập dưới 1.000 USD bình quân đầu người, nhu cầu về văn hóa sẽ bị hạn chế, do nhu cầu ăn, mặc, ở chiếm phần lớn thu nhập, nhưng khi đã đạt trên 3.000 USD bình quân đầu người thì nhu cầu văn hóa sẽ trở nên cần thiết và mức độ dần tăng lên. Việt Nam đã bước vào ngưỡng thu nhập này, đồng nghĩa là nhu cầu văn hóa, thị trường văn hóa sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới, cùng với đó, quá trình hội nhập quốc tế sẽ có sự giao thoa, trao đổi xuất, nhập khẩu sản phẩm văn hóa giữa các quốc gia.

Bên cạnh việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa các nước, hiện tượng du nhập các trào lưu phản văn hóa, cảm nhận và tiếp thu văn hóa một cách lệch lạc, méo mó, chạy theo đám đông bắt đầu xuất hiện, nhất là trong lớp trẻ, làm xói mòn văn hóa dân tộc. Điều đáng lo ngại nhất là sự “xâm lăng mềm” về văn hóa đã hiện hữu và càng nguy hiểm hơn khi được cổ xúy bởi truyền thông xã hội. Thực tế, đã có không ít nội dung, chương trình của truyền thông nhà nước vì chạy theo mục tiêu lợi nhuận đã góp phần làm cho tình trạng này trở nên khó kiểm soát.

Các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, vì thứ nhất, đây là lĩnh vực, hướng phát triển tích cực, phù hợp với xu thế thời đại, là động lực góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo giá trị gia tăng, hiệu quả ngày càng cao cho nền kinh tế; thứ hai, là công cụ bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa cả về thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở; giúp chúng ta chủ động cho hội nhập quốc tế, giao thoa với văn hóa khu vực và thế giới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chống văn hóa lai căng và sự “xâm lăng mềm” về văn hóa. Do vậy, việc nắm bắt thời cơ, thuận lợi hiện nay, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với các ngành công nghiệp văn hóa là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

Vậy các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam nên tập trung cho lĩnh vực nào để có thể phát huy được lợi thế? Phát triển như thế nào để bảo đảm cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Có thể nói, Việt Nam có nhiều lợi thế do thiên nhiên ban tặng, từ vị trí địa lý, cảnh quan, môi trường, đến tài nguyên đất đai, "rừng vàng, biển bạc", không phải quốc gia nào cũng có được; thêm vào đó, có nguồn tài nguyên vô giá là bề dầy của nền văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc. Tố chất con người Việt Nam được tôi luyện qua đấu tranh sinh tồn, đã tạo ra hệ giá trị tinh thần cần cù, sáng tạo, nhẫn nại, anh hùng, nhân nghĩa… vô cùng quý báu. Nền tảng hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh nghiệm tích lũy được trong những năm qua, đội ngũ lao động trong giai đoạn “dân số vàng”…, là những lợi thế lớn hiện nay. Nhưng chúng ta cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, có thể làm chậm sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, đó là: 1- Nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, vốn đòi hỏi tính sáng tạo cao, vừa thiếu, vừa yếu; 2- Hạ tầng kỹ thuật phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vừa rất thiếu, vừa không đồng bộ, chất lượng thấp. Điều đáng lo ngại, cũng giống như các ngành công nghiệp khác của Việt Nam, chúng ta không nắm được công nghệ lõi nên tính phụ thuộc rất cao; 3- Sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp văn hóa không cao. Trong quá trình hội nhập quốc tế, với xuất phát điểm đi sau rất xa so với thế giới, chúng ta thậm chí có thể thua ngay trên “sân nhà”, chưa nói đến xuất khẩu để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngày càng có nhiều không gian nghệ thuật nghiên cứu, hỗ trợ, thúc đẩy sáng tạo, quảng bá và phát triển các sản phẩm ngành công nghiệp văn hóa (Trong ảnh: Một trung tâm văn hóa sáng tạo thúc đẩy các sản phẩm công nghiệp văn hóa tại Hà Nội) _Nguồn: vovworld.vn

Trước những lợi thế và thách thức đó, cần tập trung vào các ngành công nghiệp văn hóa nào, phải chăng là: 1- Phát thanh, truyền hình và báo chí, để trước hết chiếm lĩnh được thị trường trong nước, là công cụ định hướng tư tưởng, dẫn dắt đạo đức và lối sống, chống xâm lăng văn hóa; đồng thời, kinh tế truyền thông cũng là ngành có tiềm năng mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn. 2- Công nghiệp thể thao, nhất là bóng đá, vì đây là thị trường rất tiềm năng; 3- Điện ảnh, bảo đảm cho các loại hình phim chiếm lĩnh được phần lớn thị trường trong nước, đẩy dần phim nước ngoài xuống hàng thứ yếu; 4- Công nghiệp phần mềm và trò chơi giải trí, lĩnh vực này cần chú trọng vì chúng ta có nhiều khả năng và tiềm năng; 5- Du lịch khai thác các sản phẩm văn hóa, truyền thống lịch sử, các cơ sở tâm linh, gắn với cảnh quan, môi trường. Bên cạnh việc thu hút khách du lịch nước ngoài, cần chú trọng đến khách du lịch trong nước đang bắt đầu gia tăng; 6- Hàng thủ công, mỹ nghệ truyền thống và đương đại, đây cũng là lĩnh vực thế mạnh bởi sự khéo léo và sáng tạo của con người Việt Nam; 7- Nghệ thuật biểu diễn, nhất là nghệ thuật dân tộc kết hợp với nghệ thuật đương đại, nhưng không làm mất đi bản sắc dân tộc... Ngoài những lĩnh vực này, cần phát triển các lĩnh vực khác, như quảng cáo, kiến trúc, thiết kế…, là những lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo cao, là cơ sở thay đổi và nâng cao tính văn hóa của các sản phẩm công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ.

Để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rõ ràng cần phải đi bằng “hai chân”, đó là thực hiện cơ chế thị trường hiện đại và vận hành đầy đủ theo các quy luật của thị trường, song không thể bỏ qua vai trò “bà đỡ” và quản lý của Nhà nước. Đây không phải là vấn đề mới, mà là ở chỗ vận dụng như thế nào trong điều kiện, hoàn cảnh, giai đoạn và lĩnh vực nào cho hợp lý. Có những lĩnh vực không nhà nước nào có thể buông, thả trôi theo cơ chế thị trường, nhất là lĩnh vực liên quan đến tư tưởng, văn hóa, bao gồm cả đạo đức và lối sống, định hướng dư luận. Có những lĩnh vực không thể chạy theo lợi nhuận một cách thuần túy, phải cân nhắc trên nhiều khía cạnh, đó là bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, là bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, là bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Có những lĩnh vực Nhà nước cần khuyến khích, giúp đỡ trong việc đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư kết cấu hạ tầng, như điện ảnh, thể thao (trừ bóng đá), nghệ thuật truyền thống..., nhưng có những lĩnh vực cần để cho cơ chế thị trường điều tiết là chủ yếu, như kiến trúc, thiết kế, phần mềm, bóng đá. Không chỉ công tác quản lý nhà nước, mà các chính sách cũng cần thay đổi theo từng giai đoạn cho phù hợp với sự phát triển.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, xã hội tiêu dùng là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, với luận điểm của nhiều nhà kinh tế học dựa trên quy luật cung - cầu, cho rằng khi nền kinh tế phát triển chậm lại hoặc tăng trưởng âm thì phải kích cầu tiêu dùng toàn xã hội. Thúc đẩy tiêu dùng luôn là “cây gậy thần”, là phương án lựa chọn của các chính phủ và giới tư bản, các nhà đầu tư.

Chúng ta thực hiện cơ chế thị trường một cách đầy đủ, nhưng cũng không nên để rơi vào cái bẫy của xã hội tiêu dùng, mà phải biết làm chủ nó, theo hướng phải thỏa mãn các nhu cầu vật chất, song cần hướng mạnh sang nhu cầu tinh thần, khi nhu cầu vật chất đã được bảo đảm. Để tạo lập được một xã hội phát triển hài hòa, một xã hội tri thức, không bị rơi vào xã hội tiêu dùng vật chất tầm thường, thì phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp làm cân bằng hơn giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Phải chăng đó cũng là một trong những mục tiêu của định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chương trình "Ký ức Hội An" tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được vinh danh là chương trình nghệ thuật thực cảnh có giá trị văn hóa, lịch sử hay nhất Việt Nam _nguồn: toquoc.vm

Một số giải pháp thời gian tới

Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa rất cần sự vận hành theo cơ chế của kinh tế thị trường và cũng rất cần vai trò “bà đỡ” và quản lý của Nhà nước. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng là hướng đi và động lực tích cực để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng là công cụ cần nắm lấy để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Để công nghiệp văn hóa phát triển trong cơ chế thị trường đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, cần có một số giải pháp cụ thể như sau:      

Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò là lực lượng lãnh đạo xã hội, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nhất là đối với các ngành công nghiệp văn hóa, không thể coi sự phát triển của nó bình thường như mọi ngành kinh tế khác. Cần có nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng một cách toàn diện, có hệ thống các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đối với sự phát triển của công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.

Hai là, bên cạnh cơ chế thị trường, với vai trò của “bà đỡ” và người quản lý, Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, tránh tình trạng “nắm chặt”, “buông lỏng”, hoặc “đánh đồng như nhau” trong các chính sách với các ngành, không phân biệt khi ban hành chính sách. Nên có quy hoạch, kế hoạch và chương trình đầu tư hỗ trợ cho những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia hoặc không đủ sức tham gia. Duy trì độc quyền nhà nước đối với một số lĩnh vực quan trọng, thiết yếu trong công nghiệp văn hóa. Chính sách cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực văn hóa cần hết sức thận trọng. Việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam là một kinh nghiệm cho ngành điện ảnh Việt Nam. Thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thực hiện các chính sách về đất đai, thuế, giá, Nhà nước đặt hàng... để khuyến khích công nghiệp văn hóa phát triển.

Hỗ trợ đào tạo nhân tài trên một số ngành, lĩnh vực còn yếu và thiếu, mà tư nhân và các thành phần kinh tế khác không tham gia, đi đôi với đó là có chính sách ưu đãi nhân tài. Cần đổi mới cách hiểu, nhân tài là người có phát minh, có nguyên tác, có sáng kiến, có ý tưởng, có đóng góp đem lại hiệu quả cao trên từng lĩnh vực. Phải dựa trên hiệu quả công việc, chứ không chỉ dựa trên bằng cấp, tuổi tác, thâm niên làm việc, đồng thời chính sách ưu đãi không phải là vĩnh viễn, mà có thời hạn phù hợp với hiệu quả đóng góp. Giải pháp hàng đầu mang tính lâu dài và quan trọng nhất là cần thực sự đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo, tập trung theo ba nhóm phổ thông, nhân lực và nhân tài, theo hướng rút ngắn thời gian và cung cấp những kiến thức phổ thông cho công dân, phân luồng mạnh để đào tạo nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao, ở cấp độ cao tập trung bồi dưỡng nhân tài. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng cho nền kinh tế nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Đó cũng là kế sách chấn hưng đất nước về văn hóa.

Ba là, để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, rất cần hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, mà trước hết là tạo địa vị pháp lý cho các ngành công nghiệp văn hóa. Thực tế vẫn còn khoảng cách giữa luật pháp và thực tiễn cuộc sống, nhiều khoảng trống pháp lý chưa được pháp luật điều chỉnh, nhất là trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số. Một số ngành công nghiệp văn hóa đã xuất hiện khái niệm, cách làm hoàn toàn mới dựa trên nền tảng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (eCloud) và dữ liệu lớn (Big Data). Do vậy, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cần rà soát, xây dựng, hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật có liên quan, tạo môi trường pháp lý cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh văn hóa, nhất là khi chúng ta đã mở cửa gần như hoàn toàn nhiều lĩnh vực văn hóa cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia thị trường, đa phần trên không gian mạng.

Hỗ trợ đào tạo nhân tài trên một số ngành, lĩnh vực văn hóa trọng điểm có vai trò quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam (Trong ảnh: Một cảnh trong vở vũ kịch "Hồ thiên nga" do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam công diễn _Ảnh: TTXVN

Bốn là, tiếp tục động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển công nghiệp văn hóa đối với ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm hoặc kinh doanh có điều kiện. Bảo đảm quy hoạch và kế hoạch phát triển trong từng thời kỳ. Định hướng, tuyên truyền và vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh, tinh hoa của nhân loại, truyền thống văn hóa dân tộc. Bài trừ văn hóa lai căng, độc hại, đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc và văn hóa nhân loại. Kết nối tốt hơn nữa giữa cung và cầu, giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với các nhân tài là các nhà khoa học, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và người hưởng thụ văn hóa là các tầng lớp nhân dân trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa, tiếp thu có chọn lọc văn hóa nước ngoài cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam ra trường quốc tế, nhất là các sản phẩm văn hóa mà Việt Nam có thế mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhà nước cần hỗ trợ học bổng cho sinh viên, những nhân tài của Việt Nam đi học tập, tu nghiệp, huấn luyện nâng cao ở nước ngoài đối với một số lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc... mà chúng ta đang thiếu, yếu trong ngành công nghiệp văn hóa nhưng các thành phần kinh tế khác không tham gia, nhằm tạo lực lượng nòng cốt để trở về đào tạo cho nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghiệp văn hóa.

Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, cùng với những chính sách đúng đắn, chúng ta hoàn toàn tin tưởng, đến năm 2045, công nghiệp văn hóa sẽ là ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả, đem lại ít nhất 10% GDP cho Việt Nam như kỳ vọng./.

----------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 128 - 129