TCCS - Các tổ chức phi lợi nhuận ở nước ta có nhiều tiềm năng cung ứng dịch vụ xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, hỗ trợ cộng đồng… Tuy nhiên, năng lực của các tổ chức phi lợi nhuận vẫn chưa được phát huy một cách hợp lý, phần nào dẫn tới lãng phí nguồn lực xã hội, hạn chế quyền và nhu cầu thụ hưởng, tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân.

Thực trạng phát triển dịch vụ xã hội phi lợi nhuận ở Việt Nam

Thời gian qua, ở Việt Nam xuất hiện nhiều tổ chức phi lợi nhuận chủ động cung ứng dịch vụ xã hội cho những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và giải quyết các nhu cầu cộng đồng, bao gồm: tổ chức cứu trợ, quỹ từ thiện xã hội, các hiệp hội, tổ chức khoa học và công nghệ, nhóm tình nguyện…, thường tập trung nhiều vào một số lĩnh vực, như giáo dục, y tế, hỗ trợ cộng đồng…

Trong lĩnh vực giáo dục, để khuyến khích các chủ thể trong xã hội tham gia phát triển dịch vụ xã hội phi lợi nhuận, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động của các chủ thể đang tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục, như: Nghị định số 53/2006/NĐ-CP, ngày 25-5-2006, của Chính phủ, “Về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập”; Luật Giáo dục đại học năm 2012; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14-2-2015, của Chính phủ, về “Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”…  Tuy nhiên, trong từng phân khúc, các đối tượng cung ứng vẫn chưa phát huy triệt để vai trò của mình. Đơn cử, trong phân khúc giáo dục mầm non, khu vực công vẫn giữ vai trò chủ đạo, số lượng các trường ngoài công lập tăng nhẹ và đa phần hoạt động dựa trên nguyên tắc lợi nhuận. Minh chứng, năm học 2015 - 2016, số trường ngoài công lập chiếm 14,12%, đến năm học 2019 - 2020 tăng lên 19,53%; số lượng tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ rất hạn chế, tiêu biểu có Trường mầm non thuộc hệ thống Vinschool, Trường mầm non thuộc hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (Hà Nội), Trường Mẫu giáo Dona Standard (tỉnh Đồng Nai)… Nhìn chung, các tổ chức phi lợi nhuận tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục đã góp phần đa dạng hóa các hình thức cung ứng, tạo sự cạnh tranh giữa các chủ thể, thúc đẩy cải thiện chất lượng, mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho người dân.

Lĩnh vực y tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống người dân. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về cơ chế hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ, như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Nghị định số 85/2012/NĐ-CP, ngày 15-12-2012, của Chính phủ “Về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh công lập”; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14-2-2015, của Chính phủ “Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”… Nhờ vậy, các loại hình chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng đa dạng, từ công lập đến ngoài công lập, từ đóng góp của người dân đến tài trợ của các tổ chức nước ngoài, các hình thức liên kết… Hiện nay, bên cạnh vai trò chủ đạo của hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế ngoài công lập ngày càng phát triển cả về lượng và chất, song đa phần vẫn là các tổ chức y tế tư nhân hoạt động vì lợi nhuận. Năm 2010, chỉ có 102 bệnh viện với 5.800 giường bệnh, đến năm 2019, đã tăng lên 231 bệnh viện (chiếm 19,4% tổng số bệnh viện) với khoảng 16.000 giường bệnh (chiếm 5% tổng số giường bệnh, tỷ lệ 1,7 giường/vạn dân) và trên 35.000 phòng khám ngoài công lập, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% tổng số dịch vụ nội trú. Trong số các bệnh viện ngoài công lập có trang thiết bị hiện đại, cung cấp dịch vụ y tế kỹ thuật cao, đã xuất hiện mô hình cơ sở y tế ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận, điển hình là hệ thống y tế Vinmec(1). Thực tế, bên cạnh các dịch vụ y tế từ thiện, các tổ chức phi lợi nhuận tham gia cung ứng dịch vụ y tế đã có những đóng góp lớn trong hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân, góp phần giảm tải áp lực khám, chữa bệnh thông thường đối với các bệnh viện công đang bị quá tải.

Người dân khám, chữa bệnh tại bệnh viện Vinmec _Nguồn: vinmec.com

Các lĩnh vực hỗ trợ cộng đồng. Đời sống vật chất được nâng lên, kéo theo nhu cầu thụ hưởng về dịch vụ công của người dân không ngừng gia tăng. Vì vậy, số lượng các tổ chức phi lợi nhuận tham gia vào cung ứng các dịch vụ công ngày càng nhiều. Các sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức bởi các tổ chức phi lợi nhuận thường hướng đến những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc khu vực tập trung nhiều người mong muốn được thụ hưởng các dịch vụ mà những điều kiện sẵn có không cho phép họ tự thực hiện. Trên tinh thần “tương thân tương ái”, “giúp người là giúp mình”, nhiều tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với mục đích cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ và hỗ trợ sinh kế cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường…

Những vấn đề đặt ra trong hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội của các tổ chức phi lợi nhuận

Về hệ thống văn bản pháp luật. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật điều chỉnh cơ chế hoạt động tổ chức phi lợi nhuận chưa hoàn thiện, thiếu văn bản pháp quy cụ thể, rõ ràng; chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa hoạt động phi lợi nhuận của các đơn vị tư nhân với khu vực nhà nước nên một số chính sách áp dụng đối với khu vực này chưa bảo đảm sự bình đẳng và tạo động lực để cả hai khu vực cùng phát triển. Đối với cơ chế hoạt động phi lợi nhuận trong các đơn vị cung ứng dịch vụ công, dịch vụ xã hội trong khu vực tư nhân vẫn còn thiếu các văn bản điều chỉnh, nhiều vấn đề hoạt động phi lợi nhuận chưa được làm rõ, còn vướng mắc trong thực tiễn.

Về cơ chế hoạt động, nguồn nhân lực. Đa phần các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội vẫn hoạt động theo mô hình tự phát, chỉ có những tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài hoặc các tập đoàn có nguồn lực dồi dào mới có khả năng xây dựng cơ chế hoạt động chuyên nghiệp. Còn lại, do không có điều kiện đào tạo bài bản, phần lớn năng lực của đội ngũ lãnh đạo tại các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục có quy mô vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ, giáo viên chủ yếu thực hiện công việc chuyên môn, do đó xuất hiện nhiều bất cập trong quản trị nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, dễ làm thất thoát, lãng phí nguồn lực… Trong điều kiện hệ thống thông tin, giám sát còn yếu, tính công khai, minh bạch và tính giải trình, chịu trách nhiệm còn hạn chế, những hạn chế này phần nào ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ đối với các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội. Đây cũng chính là nguyên nhân cản trở việc mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội.

Về cơ chế tài chính, phân chia lợi nhuận. Bản chất của các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội là hoạt động không vì lợi nhuận, nhưng hiện nay, vấn đề tài chính, phân chia lợi nhuận của một số tổ chức chưa hẳn thể hiện đúng bản chất ban đầu. Cơ chế khuyến khích tăng thu nhập dẫn đến tình trạng thương mại hóa hệ thống giáo dục, y tế, đồng nghĩa với việc học sinh, sinh viên và bệnh nhân là đối tượng tăng thu và có thể gây mất công bằng trong tiếp cận các chương trình đào tạo tiến bộ và chăm sóc sức khỏe; tăng gánh nặng chi phí cho người học, bệnh nhân… từ đó làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, không có thẻ bảo hiểm y tế và nhóm xã hội yếu thế.

Về cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát của nhà nước. Cho đến nay, Nhà nước vẫn thiếu cơ chế theo dõi, kiểm soát chất lượng và giá thành dịch vụ xã hội do các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp, nên người dân vẫn phải chi trả với mức phí cao, trong khi các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn hơn không thể tiếp cận với các dịch vụ này.

Phát triển dịch vụ xã hội phi lợi nhuận góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội

Việc thúc đẩy hình thành, phát triển các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội là một trong những phương cách để góp phần thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của nhân dân, lấy định hướng xã hội chủ nghĩa để khắc phục những khuyết tật của nền kinh tế thị trường, thể hiện tính ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội, khắc phục những bất cập xung quanh các quy định về sở hữu, mô hình quản trị, phân chia lợi nhuận trong hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội, bảo đảm sự ổn định và thúc đẩy phát triển của hệ thống cung ứng dịch vụ xã hội.

Hai là, xây dựng cơ chế hoạt động thống nhất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực nói chung, nhân lực chất lượng cao nói riêng là tài nguyên quý giá trong việc phát triển tổ chức phi lợi nhuận, nhất là khi nguồn nhân lực này thường xuyên biến động và thay đổi, nên cần quan tâm thu hút, đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức mình. Thường xuyên tiến hành điều tra, khảo sát về nhân lực và chất lượng của tổ chức, xác định các nội dung thiếu, yếu để tổ chức bồi dưỡng, đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển chung. Ngoài ra, cũng cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; có cơ chế quản lý, sử dụng lao động từ tuyển chọn, bố trí, đánh giá đến chế độ đãi ngộ, chăm lo mọi mặt đời sống cho người lao động. Cần dự báo chiến lược về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trên cơ sở đó có sự đầu tư đúng mức, hợp lý nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mang lại hiệu quả thiết thực đối với sự phát triển của tổ chức.

Trường mẫu giáo Dona Standard (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) - trường mầm non miễn phí cho con công nhân_Nguồn: congdoan.vn

Ba là, tăng cường minh bạch trong quản lý tài chính. Đối với công tác quản lý tài chính, cần xây dựng hình thức tổ chức phi lợi nhuận không có cổ đông và vận hành bằng hội đồng quản lý như mô hình tại các nước phát triển. Hội đồng quản lý được hiểu là một tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của tổ chức phi lợi nhuận; là bộ phận có thẩm quyền cao nhất trong đơn vị, quyết định về chủ trương, phương hướng, kế hoạch hoạt động, tài chính và công tác nhân sự; kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Hội đồng này làm việc và quản lý tài chính theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, trung thực, tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đối với hoạt động phân phối lợi nhuận, cần xây dựng cơ chế quy định rõ về phần chênh lệch giữa thu và chi trong hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội của các tổ chức phi lợi nhuận phải được dùng để tái đầu tư cho mục đích phát triển, hỗ trợ phục vụ cộng đồng. Để minh bạch tài chính với các cổ đông, nhà hảo tâm, các tổ chức phi lợi nhuận cần thực hiện kiểm toán độc lập như các doanh nghiệp.

Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước, thiết lập cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát. Thông qua việc xây dựng chiến lược, quy hoạch định hướng phát triển mạng lưới đa chủ thể cung ứng dịch vụ xã hội, ban hành các quy chuẩn về chất lượng dịch vụ xã hội, đồng thời kiểm tra, giám sát việc tuân thủ theo luật pháp và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này. Quy định các tiêu chuẩn, định mức, chất lượng, giá, phí của dịch vụ xã hội và công khai các tiêu chuẩn này trên phương tiện thông tin đại chúng. Có chính sách huy động nguồn lực của cộng đồng về kiến thức chuyên môn, cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để phát triển tổ chức. Quy định rõ nội dung và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội, nhất là chất lượng dịch vụ xã hội, quy trình quản lý tài chính và mục tiêu sử dụng tài sản của những tổ chức này. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức phi lợi nhuận sử dụng lợi nhuận thu được để chia cho các cá nhân, sử dụng các nguồn lực của tổ chức, lợi dụng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế để thực hiện các hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. Tăng cường sự giám sát của người dân đối với hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế cung ứng dịch vụ xã hội vi phạm các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, truyền đạo trái pháp luật, những tư tưởng lệch lạc, không đúng thuần phong, mỹ tục và văn hóa truyền thống của dân tộc. Sớm nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện bộ công cụ lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ xã hội do tổ chức phi lợi nhuận tham gia cung ứng.

Năm là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội. Bắt nguồn từ trình độ nhận thức, chênh lệch thu nhập giữa các khu vực, Nhà nước cần xây dựng các chương trình tuyên truyền đặc thù, phù hợp với từng đối tượng, tầng lớp khác nhau. Đặc biệt, cần thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức các hoạt động tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển dịch vụ xã hội phi lợi nhuận, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân; qua đó tạo sự đồng thuận, tham gia của nhiều chủ thể, nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ xã hội phi lợi nhuận trong thời gian tới./.

-----------------

(1) Báo cáo số 1611/BC-BYT, ngày 31-12-2019, của Bộ Y tế “Tổng kết công tác y tế năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2020”