Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở thành phố Hà Nội hiện nay

TS Đỗ Thị Thu Hà
Học viện Chính trị khu vực I
06:34, ngày 13-10-2023

TCCS - Công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là vấn đề căn bản và trọng yếu, có vai trò quyết định trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thành phố Hà Nội. Thời gian qua, việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định. Do đó, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng cán bộ thành phố kiểm tra công tác chuẩn bị cho ngày khởi công đường vành đai 4 - vùng Thủ đô_Nguồn: vietnamnet.vn

Một số vấn đề về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Quyền lực là yếu tố không thể thiếu để duy trì trật tự xã hội nhằm bảo đảm lợi ích chung. Nói đến quyền lực là nói đến khả năng, năng lực của một tổ chức hay cá nhân tác động đến hành động, hành vi của những chủ thể khác, buộc họ phải chấp hành theo ý chí của chủ thể có quyền lực. Ở nước ta, “quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm: Tuyển dụng, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bối trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ” (1).

Tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ là cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, quyết định công tác cán bộ theo phân cấp và cơ quan tham mưu, chuyên môn giúp việc về công tác cán bộ(2).

 Tuy nhiên, hoạt động thực thi quyền lực trong công tác cán bộ dễ bị thao túng, dẫn đến tha hóa, biến chất nếu không có sự kiểm soát hiệu quả.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ. Người cho rằng, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân và người lãnh đạo phải khắc ghi điều đó trong công việc hằng ngày, muốn vậy, phải gần gũi, học hỏi quần chúng nhân dân, đảng viên, biết lắng nghe ý kiến của họ. Người lên án mạnh mẽ các biểu hiện tha hóa quyền lực, như lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực: “Thứ nhất, dân ghét các ông chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng...”(3). Người thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện tiêu cực gây nhức nhối trong hàng ngũ cán bộ thời bấy giờ. Đó là tình trạng “có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh làm cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Còn có những đồng chí chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư, đạo đức cách mệnh thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”(4).

Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác cán bộ, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, như Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, trong đó nêu rõ, “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực” (5). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một lần nữa đặt ra yêu cầu “tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”(6); “tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”(7). Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta nhằm xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Thực tiễn đã chứng minh, công tác cán bộ luôn là vấn đề trọng yếu, được Đảng đặc biệt quan tâm, chú trọng. Công tác cán bộ quyết định đến sự thành bại trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Đảng. Do đó, việc Đảng dành sự quan tâm sâu sắc đến nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay là tất yếu. Bởi lẽ, quyền lực trong công tác cán bộ luôn có hai mặt: Một mặt, là công cụ ảnh hưởng lớn tới hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ; mặt khác, quyền lực trong công tác cán bộ luôn đứng trước nguy cơ bị tha hóa, nếu không có sự kiểm soát hiệu quả. Khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ, là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ(8).

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở thành phố Hà Nội thời gian qua

Nhận thức sâu sắc công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt” trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU, ngày 16-5-2018, “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31-5-2021, của Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo” xác định, “nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ” là khâu đầu tiên trong nhóm nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt các khâu của công tác cán bộ”.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả đánh giá cán bộ phù hợp với thực tiễn, Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 1841-QĐ/TU, ngày 28-10-2021, quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội (thay thế Quyết định số 3814-QĐ/TU). Quyết định số 1841-QĐ/TU có nhiều điểm mới và bổ sung các tiêu chí đánh giá, lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị toàn thành phố được chấm điểm, đánh giá liên tục, toàn diện, công khai, chính xác và đa chiều hơn, là cơ sở quan trọng cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động và sử dụng cán bộ... Qua đó, đội ngũ cán bộ các cấp từ thành phố đến cơ sở cơ bản bảo đảm về số lượng, cơ cấu, chất lượng, trình độ, năng lực, phẩm chất, kỹ năng, phương pháp công tác, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị và nhiệm vụ chung của thành phố.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, ngày 16-8-2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 3251-QĐ/TU về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội theo Quyết định số 1841-QĐ/TU, ngày 28-10-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy. Theo đó, có 9 nhóm nội dung được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ hằng tháng. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đã giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm của tập thể Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố gắn với cá nhân đồng chí đứng đầu là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác đánh giá cán bộ hằng tháng. Đồng thời, bổ sung thêm những cơ sở pháp lý mạnh mẽ để phát huy vai trò của người đứng đầu; trong đó, kết quả đánh giá, xếp loại của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo phải được xem xét gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ở những địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện việc đánh giá hình thức, thiếu nghiêm túc, thiếu tinh thần tự giác, thiếu trách nhiệm, không bảo đảm yêu cầu về chất lượng công việc và nhiệm vụ.

Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức quán triệt, và căn cứ tình hình thực tiễn, cụ thể hóa theo thẩm quyền để thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11-7-2023, của Bộ Chính trị, cùng với đổi mới các khâu, các bước của công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm đang được cấp ủy các cấp trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội tập trung thực hiện.

Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị, nhất là của người đứng đầu về công tác cán bộ chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ; chưa quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, còn nể nang, cục bộ khép kín, thiếu quan tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; thiếu các cơ chế, giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm; công tác kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn chậm, xử lý chưa kiên quyết. Hiệu quả giám sát và tham gia phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác cán bộ chưa cao.

Một số địa phương, cơ quan, đơn vị ở thành phố Hà Nội thực hiện các khâu của công tác cán bộ vẫn còn thiếu công khai, minh bạch, dân chủ; những khuyết điểm, sai phạm của một bộ phận cán bộ còn chậm được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh; việc thay thế những cán bộ yếu về năng lực, phẩm chất, không hoàn thành nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn, không kịp thời do nhiều quy định, quy chế ràng buộc, còn biểu hiện hình thức, nể nang. Quy hoạch cán bộ còn có nơi, có chỗ thiếu khách quan, chính xác. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức vẫn có biểu hiện nặng hình thức, có nơi còn xảy ra tiêu cực, sai phạm. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển vẫn xảy ra. Việc phân công, điều động, bổ nhiệm cán bộ có lúc bị động, có trường hợp chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường, cá biệt có trường hợp thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Việc thực hiện luân chuyển, nhất là luân chuyển ngang giữa các địa phương, đơn vị cùng cấp còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực tiễn, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Chưa có cơ chế, chính sách đột phá trong thu hút, sử dụng, phát huy đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. Chủ trương thi tuyển, tiến cử, miễn nhiệm, từ chức chậm triển khai, kết quả hạn chế; kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc bị buông lỏng. Trình độ, năng lực, kỹ năng của một số cán bộ, công chức tham mưu công tác cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ…

Người dân làm các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội_Nguồn: nhandan.vn

Một số giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở thành phố Hà Nội hiện nay

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời để tăng cường việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Chú trọng giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, tôn trọng danh dự, nhân cách, không chạy theo chủ nghĩa cá nhân, thực dụng trong công tác cán bộ. Nâng cao ý thức tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tạo cơ chế động viên, khuyến khích, đồng thời bảo vệ cán bộ, đảng viên dám đấu tranh, tố cáo các hành vi lợi dụng quyền lực, tham nhũng, tiêu cực. Cần xem xét mở các kênh thông tin trực tuyến để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ tại các cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm việc xem xét các đơn thư tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực để làm cơ sở kiểm tra, giám sát theo Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Công tác tuyên truyền, phổ biến cần thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, qua đó tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và người dân toàn thành phố trong việc phản ánh, đấu tranh và ngăn chặn những dấu hiệu tha hóa quyền lực.

Hai là, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.

Các tổ chức, lực lượng, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội cần phát huy dân chủ, thực hiện tốt vai trò của quần chúng trong xem xét, phát hiện những cán bộ, đảng viên vi phạm để có biện pháp khắc phục, xử lý. Thực hiện tốt quy định đánh giá cán bộ theo Quyết định số 3251-QĐ/TU của Thành ủy về việc đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tất cả các khâu, các bước của công tác cán bộ; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ với mục tiêu lựa chọn được những người có đủ đức, đủ tài để quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, người đứng đầu các cấp ở thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác đánh giá cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền; hoàn thiện công tác đánh giá cán bộ hằng tháng bằng phần mềm. Với những địa phương, đơn vị thực hiện không tốt, sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu để quyết tâm hoàn thành tốt những nhiệm vụ thành phố được giao.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ khâu đánh giá cán bộ.

Nâng cao chất lượng khâu đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị ở thành phố Hà Nội. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của cán bộ, xác định đúng tiêu chuẩn từng loại cán bộ, có thước đo cụ thể hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Mở rộng diện tham gia đánh giá, các kênh đánh giá cán bộ, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò của nhân dân. Xây dựng tiêu chí cho từng loại hình, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị để đánh giá cán bộ. Căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, hiệu quả công việc thực tế và sự tín nhiệm của cán bộ để đánh giá cán bộ bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, toàn diện, khách quan, công tâm, nêu cao tự phê bình và phê bình; chống đánh giá cán bộ thiếu khách quan, khoa học. Cần coi trọng lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh cán bộ, gắn việc lấy phiếu tín nhiệm với đánh giá cán bộ, kết hợp chặt chẽ giữa đánh giá nơi công tác và nơi cư trú của cán bộ.

Bốn là, quan tâm nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ thanh tra.

Thường xuyên giáo dục, quán triệt cho các tổ chức, lực lượng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thanh tra, đội ngũ cán bộ thanh tra. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức, lực lượng ở thành phố Hà Nội, nhất là người đứng đầu thường xuyên quan tâm đến công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra. Đồng thời, có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ thanh tra; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, học tập nâng cao năng lực công tác của cơ quan thanh tra và đội ngũ cán bộ thanh tra. Chủ động xây dựng kế hoạch, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ thanh tra ở các quận, huyện. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và chính sách, phát huy vai trò của mỗi cán bộ thanh tra trong tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác phù hợp với thực tiễn chức trách, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh việc lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ.

Đây là khâu quan trọng trong quá trình lãnh đạo của các cấp ủy, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời những sai phạm có thể xảy ra trong công tác cán bộ ở thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ, đột xuất, coi trọng kiểm tra, giám sát nội bộ trong công tác cán bộ nói chung và theo chuyên đề nói riêng. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ, với phương châm không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở bất kỳ cấp nào, giữ bất kỳ cương vị nào. Nếu lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi, tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ đều phải được kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử, các cơ quan thông tấn, báo chí… thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để giám sát, phát hiện sai phạm trong công tác cán bộ. Tiến hành hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng, không phù hợp về công tác cán bộ và xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm./.

---------------------------

(1), (2), (5) Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11-7-2023, của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 51
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 94
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 118, 190
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 118.
(8) Xem: Mai Văn Chính: “Nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay”,
Tạp chí Cộng sản, ngày 7-2-2022, https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/nang-cao-hieu-qua-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-can-bo-hien-nay