TCCS - Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ) đã khẳng định quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt. Do đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa để phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

1- Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, đồng thời nhấn mạnh, cần phát huy các giá trị văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nền tảng tinh thần vững chắc. Đại hội XIII của Đảng xác định động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(1). Như vậy, việc khơi dậy các giá trị văn hóa được bồi đắp qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng_Nguồn: vnexpress.net

Với vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng văn hóa nhằm phát huy các giá trị văn hóa, bồi đắp dân khí, tạo động lực phát triển đất nước. Nhà nước, với tư cách là chủ thể quản lý văn hóa, đã đưa ra nhiều chính sách, chiến lược xây dựng văn hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, xác định và đề cao vai trò của nhân dân với tư cách vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa; tạo mọi cơ chế, điều kiện để nhân dân được tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa lành mạnh, qua đó giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong gia đình, trong cộng đồng và quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam ra nước ngoài; có cơ chế để nhân dân phát huy sức sáng tạo, làm phong phú thêm các giá trị văn hóa truyền thống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đồng thời, động viên nhân dân, các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cùng tư vấn, đóng góp ý kiến cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về văn hóa, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa của quốc gia, ngành, vùng...; phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa... cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh từ quá trình tổ chức thực hiện. Thực tế, để chính sách văn hóa đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và toàn dân cần tham gia ngay từ khâu hoạch định các chính sách, đề ra kế hoạch, chương trình phát triển văn hóa. Hệ thống chính sách cần được tăng cường phân cấp và coi trọng, mở rộng các hình thức tự quản văn hóa, trong đó chính quyền địa phương cần được trao trách nhiệm phát triển sự nghiệp văn hóa địa phương, bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Để xây dựng và phát triển văn hóa, Đảng ta đã ban hành chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14-1-1993, của Hội nghị Trung ương 4 khóa VII “Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt” khẳng định, văn hóa, văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội; phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Nhà nước, tập thể và cá nhân theo đường lối của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; khắc phục tình trạng “hành chính hóa” các tổ chức văn hóa, văn nghệ. Đến Đại hội VIII (năm 1996), Đảng ta đã đề ra chủ trương lớn là đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thông tin khi thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1996 - 2000. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật; hoàn thành cơ bản việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn học, nghệ thuật; xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học, nghệ thuật; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu; xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hóa, lĩnh vực Nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư bảo tồn, xây dựng và phát triển. Đến Đại hội XII của Đảng (năm 2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định, mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh, cần tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90-CP, ngày 21-8-1997, “Về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa” và Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngày 18-4-2005, “Về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt văn hóa và thể dục thể thao”, trong đó xác định mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và các định hướng đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao; đồng thời nhấn mạnh, cần có chính sách thu hút mọi nguồn lực, thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động và sáng tạo văn hóa nhằm cung cấp, phổ biến, tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hóa có chất lượng, vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa hiện đại để không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Khuyến khích khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc Việt Nam; có bước đi thích hợp trong việc xã hội hóa một số hoạt động văn hóa chuyên ngành cho từng loại hình, vùng, miền, đặc biệt, tập trung phát triển mạnh ở các vùng kinh tế phát triển, bao gồm hoạt động nghệ thuật, đào tạo văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh, xuất bản - in - phát hành, bảo tồn di sản văn hóa, mỹ thuật - nhiếp ảnh, thư viện, dịch vụ bảo hộ quyền tác giả; khuyến khích phát triển các bảo tàng tư nhân. Từng bước chuyển các đoàn nghệ thuật, các trường trung cấp đào tạo văn hóa - nghệ thuật, một số khoa, ngành đào tạo có tính phổ thông, quần chúng của các trường văn hóa, nghệ thuật công lập tách ra để thành lập các cơ sở văn hóa, nghệ thuật ngoài công lập; khuyến khích các đơn vị, tổ chức ngoài công lập phối hợp với các tổ chức công lập xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo định hướng của Nhà nước; xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở ở xã, phường, thị trấn, thôn, làng, ấp, bản, cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc tự tổ chức, tự quản lý và chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, ngày 19-8-1999, “Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao”; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30-5-2008, “Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường”, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trong hai nghị định này, Chính phủ xác định các nguyên tắc thực hiện chính sách xã hội hóa, các chính sách khuyến khích cụ thể, như chính sách cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, chính sách giao đất, cho thuê đất, chính sách về thuế, phí, lệ phí, tín dụng, bảo hiểm, khen tặng danh hiệu, quản lý tài chính, xác định trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước các cấp thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (trong phạm vi thẩm quyền) tổ chức thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn. Cần tăng cường các nguồn lực trong toàn xã hội, tăng cường vai trò của các hiệp hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp để phát triển văn hóa; qua đó đánh thức mọi tiềm lực của xã hội, không chỉ huy động kinh phí, mà còn phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân và toàn xã hội, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phát triển, đáp ứng và ngày càng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân, nhất là người dân ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Triển lãm và biểu diễn áo dài Việt Nam tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử  trong Chương trình Festival Áo dài Quảng Ninh 2022 "Quảng Ninh - Miền di sản”_Nguồn: uongbi.gov.vn

2- Sau nhiều năm thực hiện, chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã góp phần duy trì, phát triển nhiều chương trình, dự án, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, tạo sức sống, sức lan tỏa trong xã hội. Chính sách xã hội hóa đã tạo điều kiện thu hút và khuyến khích các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hiệp hội, các doanh nghiệp và nghệ sĩ tham gia vào các hoạt động văn hóa, đa dạng hóa nguồn lực cho các hoạt động quảng bá, phát triển văn hóa Việt Nam. Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp văn hóa mạnh; xây dựng thương hiệu hàng hóa có chất lượng của Việt Nam gắn với các yếu tố văn hóa đặc sắc của đất nước, qua đó góp phần tạo dựng những giá trị truyền thống gắn với thời đại mới. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này vẫn còn không ít hạn chế, hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng. Thực tế vẫn tồn tại sự bất bình đẳng giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước. Cơ chế đầu tư công của Nhà nước cũng chưa đủ sức dẫn dắt cho đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực văn hóa. Các cơ chế và chế tài để giải quyết các vấn đề của thị trường văn hóa (như bảo vệ bản quyền…) chưa đủ mạnh. Một số chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa (miễn, giảm thuế, ghi công cho các khoản đóng góp, tài trợ…) còn hạn chế, chưa tạo ra động lực thực sự cho các cá nhân và cộng đồng tham gia vào quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xã hội hóa văn hóa, góp phần phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển văn hóa và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Một số giải pháp cần được thực hiện trong thời gian tới là:

Thứ nhất, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, với sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đoàn thể, quần chúng trong xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa. Chú trọng vai trò của nhân dân với tư cách vừa là chủ thể, vừa là đối tượng hưởng thụ văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong việc tổ chức, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa.

Tạo mọi cơ chế, điều kiện để nhân dân phát huy sức sáng tạo, làm phong phú thêm các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời được tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa lành mạnh. Có chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam (thông qua các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, các tổ, đội, nhóm, các câu lạc bộ, các làng truyền thống, các cuộc thi hát dân ca, diễn xướng văn hóa dân gian...); gắn kết việc lưu truyền các giá trị văn hóa với không gian sinh hoạt văn hóa và môi trường lao động của cộng đồng. Đổi mới nội dung và hình thức phát sóng các chương trình giáo dục văn hóa truyền thống đặc sắc trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tạo điều kiện thu hút và khuyến khích các tổ chức, các hiệp hội, các doanh nghiệp và nghệ sĩ tham gia vào các hoạt động văn hóa; quảng bá, phát triển các thương hiệu hàng hóa có chất lượng, có các yếu tố văn hóa đặc sắc của đất nước. Xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa; tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Tạo công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong các hoạt động văn hóa.

Từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc gia; đồng thời, từng bước xây dựng cơ chế tự chịu trách nhiệm của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật khi sáng tạo và sản xuất các sản phẩm văn hóa. Chuyển đổi một phần các tổ chức văn hóa, nghệ thuật sang hình thức cổ phần hóa. Nhà nước cần tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, như hỗ trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật bằng cách đầu tư từ nguồn ngân sách, xây dựng các thiết chế văn hóa, gián tiếp hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật thông qua chính sách thuế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc hình thành và hoạt động hiệu quả các loại quỹ văn hóa.

Thứ ba, rà soát, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng và hoàn thiện chính sách, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc quản lý thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Khuyến khích nhập khẩu những sản phẩm văn hóa có nội dung tốt, có giá trị về nghệ thuật; đồng thời, quản lý hiệu quả không để thâm nhập vào nước ta các sản phẩm phản động, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án, dự án phát triển văn hóa cũng như triển khai hoạt động văn hóa. Đổi mới cơ chế, chính sách, chế tài điều chỉnh việc Nhà nước đặt hàng mua tác phẩm, tổ chức sản xuất, công diễn, trình chiếu, triển lãm... Hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các lực lượng xã hội trên nguyên tắc khuyến khích và chia sẻ lợi ích giữa các bên trong tham gia sáng tạo, sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa.

Già làng Ê-đê trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau_Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng

Thứ tư, thực hiện cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ các văn nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp... Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Phát huy tài năng, tâm huyết của lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ trong sáng tạo những tác phẩm giàu giá trị văn hóa, góp phần khơi dậy dân khí và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương hoạt động; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động văn học, nghệ thuật, như các trại sáng tác, bảo tàng, rạp hát, rạp chiếu phim, các hoạt động xuất bản, báo chí, văn hóa, nghệ thuật... Củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên, phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Thứ năm, gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với công tác về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tăng cường nguồn lực cho hoạt động văn hóa cả trong và ngoài nước. Có cơ chế thích hợp để phát huy tài năng, tâm huyết của lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng lưu học sinh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, từ đó củng cố “sức mạnh mềm” của quốc gia - dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay./.

--------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 34