Kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo chiến lược của Xin-ga-po

Trần Thị Thanh Thủy PGS, TS, Phó Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
20:24, ngày 27-06-2018

TCCS - Là quốc gia hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng nhờ tận dụng phát huy được lợi thế về vị trí địa lý, đất nước Xin-ga-po đã đạt được những thành tựu to lớn. Hành trình phát triển cho thấy, đây là một mô hình không dễ để chuyển giao hiệu quả, tuy nhiên vẫn gợi ý nhiều suy ngẫm về quản trị quốc gia, và đặc biệt là vấn đề phát triển lãnh đạo cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Đào tạo lãnh đạo chiến lược ở Xin-ga-po

Xin-ga-po, từ những bất lợi về địa lý, tự nhiên của một quốc đảo, luôn được xem là một kỳ tích về phát triển đối với toàn thế giới. Năm 2017, theo bình chọn của Tạp chí danh tiếng Forbes, Xin-ga-po được xem là Trung tâm công nghệ, sản xuất và tài chính với thu nhập bình quân đầu người trên 56.000 USD; các chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GCI)(1) và Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu (GCI)(2) đều nằm ở nhóm các nước đứng đầu thế giới. Trong thành công đó, có vai trò quan trọng của nỗ lực đào tạo đội ngũ lãnh đạo của quốc đảo này.

Về thẩm quyền và phương thức đào tạo

Ở Xin-ga-po, đào tạo lãnh đạo các cấp, trong đó có lãnh đạo cấp chiến lược được thực hiện bởi trước nhất là Trường Công vụ Xin-ga-po (Civil Service College Singapore) với chức năng tổ chức các chương trình đào tạo các nhà lãnh đạo cấp cao và cấp trung.

Để phục vụ một nền công vụ Xin-ga-po với 3 giá trị cốt lõi là: Liêm chính - Dịch vụ và Sự tuyệt hảo, Trường Công vụ Xin-ga-po được thành lập tháng 4-1996 với sứ mệnh là “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ một nền công vụ hàng đầu”, với Tầm nhìn trở thành một Trung tâm của sự tuyệt hảo về học tập và phát triển để phục vụ nền công vụ Xin-ga-po. Ba giá trị cốt lõi trong hành động của Trường này là: Con người (tạo giá trị cho họ), Liêm chính (đề cao sự thật) và Sự tuyệt hảo (nỗ lực vượt qua các giới hạn). Triết lý đào tạo của Trường này nhằm vào xây dựng văn hóa học tập liên tục và cam kết tạo ra sự tuyệt hảo cho công vụ thông qua đào tạo, bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, các tổ chức khoa học - công nghệ theo mô hình doanh nghiệp cũng có thẩm quyền tham gia đào tạo lãnh đạo. Đơn cử, Temasek Holdings là một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, được thành lập, định hướng bởi Nhà nước nhưng được điều hành theo tư duy kinh tế tư nhân.

Đại học quốc gia Xin-ga-po (trong đó có Trường Quản lý Lý Quang Diệu) cũng là một cơ sở tham gia đào tạo lãnh đạo. Phương thức đào tạo kết hợp giữa học trên lớp với thực địa tại hiện trường, tại doanh nghiệp, học tập trung và kèm cặp, học tại lớp và online, trong đó tăng cường đối thoại, chia sẻ để cùng nhận diện vấn đề, cùng giải quyết vấn đề trên nguyên tắc và phương thức đa ngành.

Về chương trình đào tạo

Các chương trình, khóa và chuyên đề đào tạo rất đa dạng về thời gian, đối tượng và phương thức đào tạo. Các chủ đề phổ biến nhất là: Quản trị và chính sách công; Cải cách khu vực công; Lãnh đạo và Phát triển tổ chức; Nguồn nhân lực chiến lược; Cải cách cung ứng dịch vụ công;...

Các chương trình có một số điểm chung là:

Một là, chú trọng đào tạo tư duy. Các chương trình, nội dung đào tạo được thiết kế nhằm tạo ra một số phẩm chất quan trọng trong tư duy lãnh đạo chiến lược.

Tư duy đại cục, tổng thể dựa trên tri thức về bối cảnh. Việc này không những đòi hỏi phải hiểu thấu đáo khía cạnh kỹ thuật mà còn phải biết vận dụng linh hoạt các khái niệm có liên quan, bao gồm việc lập ra một trình tự và môi trường kinh tế chính trị tổng thể.

Tinh thần làm chủ số phận, vận mệnh quốc gia, dân tộc, thông qua đổi mới và sáng tạo để tìm cơ hội tồn tại và phát triển. Xin-ga-po đã chứng minh được năng lực lấy yếu thế làm lợi thế, biến các yếu tố bất định thành cơ hội sáng tạo, vận hành quy trình thử - sai - làm lại cho tốt hơn. Vì thiếu đất, Xin-ga-po hình thành chiến lược lấn biển; vì nguy cơ ô nhiễm, hình thành chiến lược biến rác thành nguồn năng lượng sinh học; vì thiếu năng lượng tự nhiên (từ than đá,...), nên tìm kiếm khí đốt từ đáy biển, khai thác năng lượng gió,...; vì thiếu nước sạch nên ứng dụng công nghệ để biến nước thải và nước biển thành nước sạch sinh hoạt... Tinh thần này đặt trọng tâm vào trí tuệ và nghị lực của con người: nếu dám chấp nhận rủi ro để sáng tạo và nếu có thể thay đổi, đổi mới thì có thể phát triển. Lãnh đạo Xin-ga-po quan niệm: “Vì đất nước chúng ta quá nhỏ để có thể có ảnh hưởng đến tiến trình của thế giới, chúng ta cần liên tục điều chỉnh chính mình cho phù hợp”, nên cách thức nào không hiệu quả thì cần dũng cảm bỏ đi.

Tư duy phục vụ công thiện, làm việc tốt cho cộng đồng, xã hội thông qua phương châm tư duy một cách cẩn trọng (ví dụ như thận trọng trước các nguy cơ tàn phá môi trường), dự báo và tích hợp, liên ngành (liên ngành, tích hợp, phối hợp trong và ngoài - nên thường xuyên so sánh và liên hệ bài học trong và ngoài nước).

Chú trọng tính lâu dài, nhấn mạnh tư duy chiến lược, tầm nhìn, chú trọng nhìn xa, trông rộng, nhưng sát với thực tiễn, có tính thực tế. Một số chương trình, khóa học nhấn mạnh thông điệp rằng, lãnh đạo quốc gia thì không nên nhìn vào cái mình không có (tài nguyên, đất đai,...) mà nên nhìn vào cái mình có thể(3). Hay, để thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài, thuyết phục người tài toàn thế giới đến sống, học tập và cống hiến, Xin-ga-po đã xây dựng Công viên chim như một minh chứng sống động về sự trong lành của không khí.

Hai là, chú trọng bồi dưỡng các giá trị:

Trước hết, đó là các giá trị, đạo đức và nguyên tắc công vụ. Các khóa đào tạo luôn phân tích, quán triệt đề cao phẩm chất đạo đức (công vụ) hàng đầu là liêm chính; nguyên tắc hàng đầu trong công vụ là minh bạch; trách nhiệm công vụ hàng đầu là giải trình (chính vì vậy, minh bạch trở thành một trong những điểm tựa chính để cải cách công vụ của Xin-ga-po(4); Năng lực công vụ hàng đầu là thay đổi, thích ứng, sáng tạo (trong công bố về Nền Công vụ thế kỷ XXI, các nguyên tắc xuyên suốt là: Chào đón thay đổi, Dự báo thay đổi, và Tiến hành thay đổi); Mục tiêu tối thượng là phục vụ - “Xã hội là trên hết”. Lãnh đạo Xin-ga-po quan niệm rằng, không thể thay đổi lối nghĩ, lối sống của người dân chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động thiết thực, như có chính sách tài chính hợp lý cho vay mua nhà, các gói hỗ trợ, bảo đảm an sinh như xây dựng nhà trẻ chất lượng...

Thứ hai, là giáo dục các giá trị công. Xin-ga-po là một đất nước đa sắc tộc, tôn giáo nên câu chuyện về quản lý sự đa dạng, hướng tới các giá trị chung rất được quan tâm. Để hình thành đội ngũ lãnh đạo chiến lược đẳng cấp quốc tế vì một nền công vụ đẳng cấp quốc tế, Xin-ga-po chú trọng giáo dục các giá trị công, trong đó nhấn mạnh mối quan tâm đến xây dựng gia đình, xây dựng lối sống lành mạnh, tìm kiếm sự cân bằng sống và làm việc, phấn đấu đưa Xin-ga-po trở thành thành phố hàng đầu để kinh doanh, để sống và vui chơi.

Thứ ba, là giáo dục giá trị và định hướng năng lực lãnh đạo theo tấm gương của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Ba là, bồi dưỡng kỹ năng quản trị điều hành, bao gồm:

Đa dạng cấp độ: thể hiện ở cả nội dung bồi dưỡng và những minh họa được lựa chọn về các mô hình, cách thức quản trị điều hành với thành công và thất bại, cả cấp độ quốc gia và quốc tế.

Tiếp cận so sánh: so sánh trường hợp Xin-ga-po với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những so sánh này không phải xuất phát từ lợi thế là một nước nói tiếng Anh, mà chủ yếu là với một tầm nhìn phát triển Xin-ga-po thành đẳng cấp quốc tế.

Tiếp cận trực diện, toàn diện: Trong khi các chiến lược chống tham nhũng của nhiều nước chỉ chú trọng vào việc hạn chế hành vi tham nhũng của các cán bộ, công chức (ví dụ dựa trên công thức nổi tiếng của Robert Klitgaard “Tham nhũng = Phạm vi tự quyết theo ý mình + Độc quyền - Trách nhiệm giải trình”), thì các chuyên đề bồi dưỡng lãnh đạo của Xin-ga-po quan tâm một cách đúng mức đến vai trò của khu vực doanh nghiệp với tư cách là những người trả tiền hối lộ.

Chú trọng các năng lực lãnh đạo đặc biệt: Trong các chính sách đánh giá kết quả thực thi của công chức nói chung và lãnh đạo nói riêng, Xin-ga-po vừa quan tâm đến thực tại (thiết kế hệ thống chỉ số thực thi, như kết quả đầu ra, chất lượng công việc, khả năng phản ứng với stress, áp lực, năng lực tổ chức, ý thức về chất lượng dịch vụ, tinh thần làm việc nhóm) nhưng đồng thời đề cao đánh giá tiềm năng.

Trong các tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, thì tiềm năng lãnh đạo “xuất chúng” có năng lực “cất cánh như trực thăng” được đặt lên hàng đầu. Tiếp đó là năng lực phân tích, tưởng tượng, hình dung; ý thức về thực tế.

Năng lực và tầm nhìn “xuất chúng” được hiểu là khả năng nhìn xa, trông rộng, đánh giá được đại cục, lâu dài, khả năng xử lý các vấn đề để thoát ra khỏi mớ hỗn độn, các yếu tố bất định, để nhìn vượt qua các nhiễu loạn chính trị ngắn hạn, xác lập và theo đuổi những gì tốt đẹp lâu dài và vĩ mô cho đất nước.

Chú trọng mối quan hệ công - tư: Trong nhiều chương trình và chuyên đề, các ví dụ minh họa được lấy từ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, cơ quan nhà nước, tập đoàn tư nhân và khu vực phi lợi nhuận.

Chú trọng tiêu chí về tính kinh tế trong quản trị quốc gia: Do sự hạn chế về nguồn lực, chính phủ thường phải quyết định hai vấn đề trong việc phân bổ ngân sách: 1- cách thức đưa ra thứ tự ưu tiên đối với các nhu cầu có tính cạnh tranh nhau về các chương trình và dịch vụ công; 2- cách thức tối đa hóa đầu ra cho một giới hạn cam kết về nguồn lực.

Việc phân tích lợi ích - chi phí, một kỹ thuật mang tính hệ thống để thực hiện ước lượng các tác động hiệu quả của các chương trình và dịch vụ công, có thể hỗ trợ cho những người ra quyết định về hai vấn đề này.

Bốn là, nội dung chương trình có tính hiện đại (chú trọng sự kết hợp nguồn lực con người với công nghệ), cập nhật (các vấn đề mới nhất được lồng ghép trong các chủ đề lâu dài để thực hành thảo luận chính sách).

Thực tiễn công vụ nói chung và nội dung đào tạo, bồi dưỡng nói riêng thể hiện cách tiếp cận đối với nền công vụ và các phẩm chất của lãnh đạo theo quan niệm các nước phát triển, như quản trị quốc gia tốt, tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả, tính công bằng.

Năm là, chú trọng đào tạo thông qua thực tế. Bên cạnh các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo trường lớp, có chứng chỉ; hoạt động đào tạo được luân chuyển thường xuyên qua các lĩnh vực khác nhau, kể cả trong thời gian ngắn.

Về một số yếu tố ảnh hưởng

Có một số yếu tố ảnh hưởng đến tư duy và cách tổ chức quá trình đào tạo lãnh đạo chiến lược ở Xin-ga-po. Đó là:

Thứ nhất, tư duy và thực tiễn lãnh đạo. Quốc đảo nhỏ bé ý thức rất rõ ràng những hạn chế về địa lý, tự nhiên của mình, nên các chương trình đào tạo và mục tiêu của đào tạo lãnh đạo luôn bắt đầu với vấn đề về cách thức tư duy. Bên cạnh đó, thành tựu của lãnh đạo quốc gia trong thay đổi vận mệnh quốc gia là một bằng chứng sống để Xin-ga-po thiết kế các chương trình bồi dưỡng lãnh đạo gắn với những tầm nhìn lãnh đạo xán lạn.

Thứ hai, một đảng duy nhất lãnh đạo (Đảng Nhân dân hành động - People’s Action Party) nên bảo đảm được tính nhất quán chính sách công vụ nói chung, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy con người nói riêng.

Thứ ba, mô hình hoạt động của Chính phủ. Đó là một chính phủ đồng bộ (whole-one-government) do đặc thù quốc gia nhỏ (như một thành phố); hoạt động với tinh thần doanh nghiệp với tinh thần cạnh tranh, sáng tạo và đổi mới không ngừng; ý thức về coi người dân là khách hàng; biến sự bất định thành cơ hội.

Thứ tư, hệ thống quan điểm và chính sách công vụ và công chức. Mọi hoạt động, như tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, trả lương,.. đều hướng về tiêu chuẩn cao để xây dựng một nền công vụ “hàng đầu hay tầm thế giới (first-class, world-class”).

Thứ năm, về lợi thế do lịch sử để lại. Xin-ga-po là đất nước nói tiếng Anh nên có được lợi thế tiếp cận tri thức từ nhiều nền công vụ hiện đại và phát triển trên thế giới.

Những kinh nghiệm thành công trong đào tạo cán bộ lãnh đạo và những tác động do tự nhiên, lịch sử đưa đến những lựa chọn của nhà nước Xin-ga-po là những gợi ý cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhất là những định hướng, tiêu chí trong hình thành phương pháp tư duy, hệ giá trị công vụ cho đội ngũ công chức nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng./.

----------------------------------------------------

(1) Tham khảo thông tin tại Báo cáo xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố
(2) Tham khảo thông tin tại Báo cáo xếp hạng Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2017 - 2018 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố
(3) Một triết lý lãnh đạo được nhắc đến trong nhiều chuyên đề bồi dưỡng lãnh đạo là triết lý phát triển đất nước do Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra “Để Xin-ga-po tồn tại được, chúng ta không thể chỉ là một quốc gia bình thường. Chúng ta phải nỗ lực phi thường, chúng ta phải trở nên khác biệt”
(4) Xem thành tựu của Xin-ga-po về Coruption Perception Index do Transparensy International (TI) công bố