TCCS - Trải qua các thời kỳ cách mạng, chưa bao giờ Đảng ta phải đối mặt với nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phức tạp, nguy hiểm như hiện nay, là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.






Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ 9 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và xác định có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng chủ yếu vẫn là do nguyên nhân chủ quan. Ở đây xin đề cập thêm về nguyên nhân chủ quan và các giải pháp phòng, chống:

Những nguyên nhân

1. Những nguyên nhân từ nội tâm một số cán bộ, đảng viên: Trước hết, là do thiếu thông tin, kém lý luận, nhận thức sai hoặc chưa đầy đủ về con đường, mục tiêu cách mạng XHCN ở nước ta, không hoặc chưa hiểu biết sâu sắc về quy luật phát triển của xã hội. Thứ hai, một số cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động trước những khó khăn, thử thách; mơ tưởng hão huyền vào chủ nghĩa tư bản, đa nguyên đa đảng; thiếu niềm tin vào sự thắng lợi chắc chắn của cách mạng XHCN và sự lãnh đạo của Đảng, vai trò Nhà nước. Thứ ba, bệnh suy thoái về đạo đức, lối sống có tốc độ lây lan nhanh, đến một mức độ, phạm vi nào đó sẽ nảy sinh tâm lý bất mãn, giảm sút niềm tin, thoái chí chiến đấu, thiếu lương tâm, trách nhiệm trước Đảng, trước dân, dễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

2. Những nguyên nhân xuất phát từ cơ chế: Cơ chế dân chủ còn nhiều bất cập, các hình thức dân chủ chưa được thực hiện đầy đủ, còn mang nặng tính khẩu hiệu. Cơ chế quản lý chưa thích ứng với cơ chế thị trường, còn nhiều sơ hở, bất cập, dễ thất thoát. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật hiệu quả chưa cao, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo, nhiều cấp chỉ đạo, trách nhiệm chưa cụ thể, thiếu sự giám sát của nhân dân. Công tác kiểm tra, thanh tra nhiều nơi còn phụ thuộc, chạy theo vụ việc. Các loại cơ chế quan trọng khác để thực hiện công bằng; kiểm soát quyền lực; phản biện xã hội; dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra; quy trình xây dựng ban hành đường lối, chính sách, pháp luật... vẫn chưa hoàn thiện, thiếu khoa học, còn nhiều bất cập.

3. Những nguyên nhân xuất phát từ lý luận, thông tin: hệ thống lý luận chậm hoàn thiện, chỉ tính riêng việc xác định mục tiêu đổi mới phải mất 05 nhiệm kỳ (25 năm) bổ sung liên tục mới đủ “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; chúng ta cũng chưa có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh dành riêng cho sự nghiệp đổi mới, trước hết là lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN, về tập trung dân chủ... thông tin chưa kịp thời, đầy đủ tạo những khoảng trống để các thế lực thù địch xuyên tạc, nói xấu. Mặt khác, công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đào tạo lý luận, tuyên truyền còn nhiều hạn chế, nhất là ở địa phương, cơ sở; số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn; sức chiến đấu của một số cán bộ, đảng viên trên mặt trận tư tưởng tỏ ra non kém, coi nhẹ, lúng túng, phản ứng yếu ớt trước những luận điệu sai trái.

4. Những nguyên nhân xuất phát từ công tác cán bộ: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nhiều bất cập hạn chế, tình trạng bổ nhiệm trước, đào tạo sau để hợp thức hóa bằng cấp vẫn còn; đào tạo không sát với công tác, không phù hợp với độ tuổi; nội dung, chương trình còn rườm rà, phức tạp; tiêu cực trong đào tạo thi cử còn nhiều. Bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, biên chế thừa, cố giảm nơi này lại tăng nơi khác tạo gánh nặng cho ngân sách; tình trạng chạy chỗ, chọn việc còn phổ biến; bố trí cán bộ không hợp lý, mất cân đối, gây bức xúc, lãng phí nhân lực. Cơ chế bổ nhiệm nhiều nơi chưa dân chủ, công bằng; chưa có cơ chế hữu hiệu để trọng dụng người tài đức, gây bất mãn, “chảy máu” chất xám. Chế độ tiền lương chưa hợp lý, một bộ phận lớn cán bộ lương thấp, không thể bảo đảm cuộc sống, nhất là tại những đô thị lớn có chi phí vật giá cao dễ dẫn đến tham nhũng. Việc xử lý cán bộ sai phạm chưa nghiêm, có trường hợp chưa được sự đồng tình của tập thể, của nhân dân. Công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, mới chỉ kết quả bước đầu; chưa giải quyết tận gốc rễ của tham nhũng, nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tham nhũng vẫn còn nhiều. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình chưa có cơ chế khoa học để thực hiện nên không tránh khỏi hình thức. Tồn tại sự chênh lệch về độ “màu mỡ”, thuận lợi, khó khăn giữa các loại chức vụ, công việc sinh ra chạy chức, chạy chỗ, chạy việc rất tệ hại.

Một số giải pháp

Để khắc phục những nguyên nhân trên, có nhiều nhóm giải pháp, nhưng không thể không chú ý đến những giải pháp sau:

Trước hết, hoàn thiện hệ thống lý luận cả về tổng thể cho thời kỳ quá độ và cụ thể cho từng giai đoạn ngắn, nhất là lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN, tập trung dân chủ, cơ chế quản lý, điều hành, vai trò của Đảng, Nhà nước, việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế... công khai tất cả mọi thông tin (trừ những thông tin thuộc bí mật Nhà nước) để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, không để tồn tại những gì mờ ám, khuất tất vì đó là chỗ dễ nảy ra những nghi ngờ, xuyên tạc. Đồng thời, tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nâng cao trình độ lý luận, nhận thức sâu sắc tính quy luật khách quan của quá trình tiến lên CNXH, bản chất ưu việt của CNXH và tính lạc hậu, lỗi thời của CNTB. Chứng minh bằng lý luận và thực tiễn để củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên; làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân “mắt thấy, tai nghe” sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, năng lực của hệ thống; phải coi việc công khai nhận và sửa chữa khuyết điểm, yếu kém là một cách tạo niềm tin cho tập thể, nhân dân chứ không phải ngược lại; cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải tự xây dựng uy tín cho mình bằng cơ chế hứa và thực hiện lời hứa, cam kết và thực hiện cam kết. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có khả năng chiến đấu mãnh liệt trên mặt trận lý luận, tư tưởng. Thường xuyên xây dựng đạo đức cách mạng; nội dung là đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tấm gương phải là những người đang công tác, cống hiến; nhất định phải giáo dục đi trước, kỷ luật theo sau, không trông chờ quá nhiều vào sự tự giác thực hành đạo đức của cán bộ; có cơ chế để nhân dân phán xét, kiểm soát hành vi đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, từng bước hoàn thiện cơ chế để thực hiện đầy đủ các hình thức dân chủ, như bầu cử, ứng cử, tiến cử, giới thiệu, lựa chọn cán bộ, bỏ phiếu, bãi miễn, tham gia quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát, tiếp cận thông tin, góp ý, phê bình... phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cách mạng nước ta. Hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, việc gì mà dùng máy móc kỹ thuật được thì nhất định không sử dụng con người. Có cơ chế công khai, minh bạch để nhân dân giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, dự án. Độc lập hóa, công khai hóa, tập thể hóa công tác kiểm tra, thanh tra dưới sự lãnh đạo các cấp ủy có sự giám sát của nhiều cơ quan, tổ chức; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải thường xuyên để phòng ngừa, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Việc kiểm soát quyền lực phải có quy định chặt chẽ, chức nào thì quyền đó, quy định cụ thể danh mục những việc thuộc quyền được phép làm, thực hiện như thế nào, ai kiểm soát và kiểm soát bằng cách gì và người kiểm soát có quyền gì để một người có quyền không thể lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền... Tương tự, xây dựng cơ chế phản biện xã hội để có nhiều người tích cực tham gia phản biện, phản biện đúng phải được tiếp thu, phản biện nhầm phải được giải thích, lợi dụng phản biện phải bị xử lý, có quy định đầy đủ về nội dung, đối tượng, chủ thể, quyền hạn, trách nhiệm, quy trình, phạm vi... phản biện xã hội. Đổi mới quy trình lập pháp, hoạch định chính sách theo hướng sát thực tiễn và nguyện vọng của dân, tranh thủ được trí tuệ tập thể, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, làm cho chính sách, pháp luật đồng bộ, khoa học, khả thi, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập.

Thứ ba, phải có cơ chế trọng dụng nhân tài, đào thải “nhân hại”; tuyển dụng, bổ nhiệm, bầu cử nhất định phải qua cơ chế thi tài, tranh tài để chọn người thắng tài, hơn đức; có động lực mạnh để thu hút, động viên người tài cả về vật chất và tinh thần. Cán bộ yếu kém, sai phạm nhất định phải bị sa thải, xử lý nghiêm minh, công khai, bình đẳng. Những quyết định trong công tác tổ chức cán bộ phải được giải thích rõ ràng, có lý, có tình, thuyết phục được tập thể, quần chúng. Cán bộ của tập thể, phải để tập thể tuyển, chọn trước. Công tác phòng, chống tham nhũng nhất định phải đạt được đồng thời cả 4 yêu cầu sau:

Một là, làm cho cán bộ không cần tham nhũng, phải tinh giản biên chế, nâng cao chế độ đãi ngộ, bảo đảm mức sống để không phải lo toan cơm áo, luôn an tâm công tác.

Hai là, làm cho cán bộ không thể tham nhũng được, bằng cơ chế quản lý chặt chẽ và dễ phát hiện tham nhũng.

Ba là, làm cho cán bộ sợ, không dám tham nhũng, xử lý thật nghiêm, triệt để, tuyệt đối công bằng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ hay nhạy cảm, truy thu tài sản tham nhũng đến tận cùng.

Bốn là, phải tạo sự công bằng, khắc phục tình trạng chênh lệch về độ “màu mỡ”, thuận lợi, khó khăn giữa các loại chức vụ, công việc, nơi công tác.

“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” là căn bệnh nội tại cực kỳ nguy hiểm, càng để lâu càng khó chữa, rất dễ lây lan và tái phát, nó đe dọa trực tiếp sinh mạng chính trị của Đảng. Đòi hỏi phải dùng biệt dược và phương pháp đặc trị vừa thường xuyên, vừa kiên trì để tấn công trực tiếp, mãnh liệt vào nguyên nhân của nó thì mới khỏi. Đây là cuộc đấu tranh với giặc nội xâm cho nên hết sức khó khăn và phức tạp, nhưng với quyết tâm của Đảng, sự đồng lòng của dân, sức mạnh của xã hội thì nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn./.