TCCS - Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”. Việc chuyển trọng tâm này nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề dân số đang đặt ra hiện nay và trong tương lai.



Sau năm 1954, dân số nước ta tăng nhanh: từ 0,4 triệu người mỗi năm giai đoạn 1945 - 1955 đến 0,99 triệu người giai đoạn 1955 - 1965, tức là bình quân 3,3%/năm. Nếu theo tốc độ “bùng nổ” này thì cứ 22 năm dân số lại tăng gấp đôi. Nhận thức được tác động của dân số đối với sự phát triển bền vững của đất nước nên ngay từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách dân số với mục tiêu giảm sinh. Đầu tiên là Quyết định số 216/CP, ngày 26-12-1961, của Hội đồng Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Tiếp đó, tại Đại hội Đảng IV (năm 1976), Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh chủ trương “đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hằng năm”. Tại Đại hội V (năm 1981), Đảng yêu cầu “giảm tốc độ tăng dân số bình quân của cả nước từ 2,4% hằng năm xuống 1,7% vào năm 1985”. Đến Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta tiếp tục đề ra mục tiêu cho công tác dân số là “giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,2% hiện nay xuống 1,7% vào năm 1990”.

Đến năm 1992, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình gần như chưa có những chuyển biến đáng kể. Mức sinh tuy có giảm nhưng chậm, tỷ suất sinh thô năm 1992 vẫn ở mức rất cao: trên 3%. Tổng tỷ suất sinh là 3,5, tỷ lệ tăng dân số khoảng 2,3%. Tháng 1-1993, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta thảo luận và ban hành một Nghị quyết về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nghị quyết chỉ rõ, sự gia tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn lớn cho việc cải thiện đời sống, hạn chế điều kiện phát triển về mặt trí tuệ, văn hóa, thể lực của giống nòi. Nếu xu hướng này cứ tiếp tục diễn ra, trong tương lai không xa đất nước ta sẽ đứng trước những khó khăn rất lớn, thậm chí những nguy cơ về nhiều mặt. Theo đó, ngày 23-2-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 47-NQ/TW về Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của nước ta đã thực hiện theo định hướng của Đảng và cơ bản đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 47-NQ/TW đã đề ra, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước, nhất là đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm mới và những xu hướng mới, khác biệt lớn so với thời điểm hoạch định chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (năm 1993), như mức sinh thấp; mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng gia tăng; già hóa dân số diễn ra nhanh, di cư ngày càng phức tạp; nạn phá thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS vẫn còn khá phức tạp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Những đặc điểm và xu hướng này sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.

Trên thực tế, nước ta đã đạt được mức sinh “thay thế” (thế hệ con cái vừa đủ để “thay thế” bố mẹ trong quá trình sinh sản) một cách vững chắc do sự phát triển kinh tế - xã hội, sự kiên trì và đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình trong những thập niên qua mức sinh của Việt Nam giảm nhanh, hiện đã đạt mức “thấp”. Mô hình gia đình 2 con đang trở nên phổ biến. Năm 1999, Liên hợp quốc ghi nhận thành công này và đã tặng Giải thưởng Dân số cho Việt Nam.

Tuy nhiên, từ việc đạt mục tiêu “Mỗi gia đình 2 con” đã xuất hiện câu hỏi: Chính sách trong lĩnh vực dân số nước ta hơn nửa thế kỷ qua đặt kế hoạch hóa gia đình là trọng tâm liệu có còn thích hợp không? Và nếu cần thay đổi thì phải thay đổi như thế nào? Theo dự báo, dân số nước ta vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại (giai đoạn 2009 - 2019 bình quân hằng năm tăng khoảng 1%, sau đó sẽ dưới 1%). Năm 2025, nước ta sẽ có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 110 triệu vào giữa thế kỷ. Dân số đông là một thị trường lớn, hấp dẫn đầu tư nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng và nhiều vấn đề an sinh xã hội.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê năm 2016, thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam sẽ kéo dài đến khoảng năm 2041 (bắt đầu từ năm 2006). Cơ cấu “dân số vàng” mang lại nhiều cơ hội nhờ lực lượng dân số trong độ tuổi lao động dồi dào nhưng cũng là thách thức về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả, thu nhập cao.
Hiện nay, dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011 khi tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% và sớm trở thành nước có dân số già vào khoảng năm 2032 khi tỷ lệ này chạm “ngưỡng” 20%. Trong khi những người cao tuổi hiện nay phần lớn là những người đã trải qua thời kỳ chiến tranh, nghèo khó nên sức khỏe yếu; hơn 70% sống ở nông thôn, phần lớn không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Những đặc điểm cơ bản đó cùng với tình trạng biết trước giới tính thai nhi ngày càng phổ biến làm mất cân bằng giới tính khi sinh; tình trạng di cư, đô thị hóa gia tăng,... càng làm trầm trọng thêm những thách thức về an sinh xã hội và thách thức cho sự phát triển bền vững ở nước ta.

Có thế nói, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ “bùng nổ người cao tuổi” cả về số lượng và tỷ lệ trong tổng dân số. Nếu như năm 1950 thế giới có 2,5 tỷ người, trong đó có 214 triệu người cao tuổi thì đến năm 2000, các con số tương ứng là 6,080 tỷ và 590 triệu(1). Dự báo dân số năm 2050 là 9,75 tỷ và người cao tuổi là 2,1 tỷ người(2). Như vậy, có thể thấy, từ năm 1950 đến năm 2000, tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số tăng từ 8,6% lên 9,7%, tức là chỉ tăng thêm được 1,1% thì từ năm 2000 đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng thêm 11,9% và đạt tới 21,6%. Ở Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số tăng 18,5%.

Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng già hóa dân số nhanh: Một là, mức sinh giảm mạnh. Hai là, tuổi thọ tăng nhanh. Do mức sinh tiếp tục giảm, tuổi thọ tiếp tục tăng nên già hóa dân số sẽ luôn song hành cùng quá trình phát triển. Điều này cũng có nghĩa là, dân số - kế hoạch hóa gia đình cần có những chính sách dân số thích hợp trong tình hình mới. Ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định: “chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”.

Theo đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW nhấn mạnh, việc chuyển đổi mục tiêu, nội dung trọng tâm của chính sách dân số là hoàn toàn cần thiết. Nó làm cho chính sách dân số phù hợp với tình hình dân số thực tế hiện nay và giúp cho công tác dân số hiệu quả hơn.

Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về thực tế chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền cùng với những thách thức nếu không kiểm soát tốt có thể làm cho mức sinh sẽ tăng lên, tuy nhiên, về thực chất, chuyển đổi chính sách chỉ là “chuyển trọng tâm”. Theo đó, kế hoạch hóa gia đình không còn là trọng tâm nữa chứ không phải là bỏ kế hoạch hóa gia đình. Trong Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương cũng đã chỉ rõ, nội dung chính sách dân số mới bao gồm “duy trì mức sinh thay thế”. Điều đó có nghĩa là Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nhưng ở tầm bao quát, rộng lớn hơn, thể hiện ở một số điểm sau:

Một là, xu hướng giảm sinh thể hiện rõ trong suốt 55 năm qua, đặc biệt, mức sinh thay thế được duy trì hơn 10 năm gần đây trong điều kiện có những thay đổi căn bản về quản lý, như ban hành Pháp lệnh Dân số (năm 2003) và Điều 10 của Pháp lệnh này quy định: “Các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh”; bộ máy tổ chức làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình chuyển từ Ủy ban quốc gia thành Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế; phân cấp mạnh về quản lý kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình đã từng gây lo ngại về việc bùng nổ mức sinh, nhưng với sự nỗ lực mạnh mẽ thì Việt Nam đã đạt được những kết quả tương đối khả thi.

Hai là, sau 55 năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, người dân được tuyên truyền, giáo dục nhiều và trên thực tế cũng đã nhìn nhận thấy lợi ích rõ ràng của mô hình gia đình nhỏ mà không cần phải có những chính sách ép buộc.

Ba là, hệ thống dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cơ bản đã phủ kín nhu cầu của người dân và đang được thị trường hóa. Từ năm 2004 đến nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang sử dụng biện pháp tránh thai đều đạt trên 75%. Ở mức này, nói chung, có thể bảo đảm đạt được mức sinh “thay thế”.

Bốn là, từ năm 2015 trở đi, phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ, tuyệt đại đa số sinh từ năm 1975, thậm chí là từ sau thời điểm bắt đầu thời kỳ đổi mới. Đây là thế hệ mới, được giáo dục nói chung và giáo dục về dân số - kế hoạch hóa gia đình nói riêng khá tốt.

Năm là, nhiều nghiên cứu cho thấy, mức sinh không chỉ phụ thuộc vào chính sách, luật pháp mà còn phụ thuộc vào trình độ phát triển. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, như trình độ giáo dục của phụ nữ ngày càng cao và ngày càng bình đẳng với nam giới; tỷ lệ hộ có truyền hình năm 2009 đạt tới 95%; tỷ lệ dân thành thị tăng nhanh; kinh tế thị trường ngày càng phát triển thúc đẩy con người hướng đến những hành vi hợp lý, hiệu quả; giao lưu và hội nhập quốc tế sâu sắc... Sự tiến bộ nhanh về kinh tế - xã hội tạo ra điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn hạn chế, đặc biệt là chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, tình trạng quá tải bệnh viện, y đức của đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ, chất lượng môi trường y tế,... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tuổi thọ của người dân, đến chất lượng dân số trong tương lai.

Trước đây, mức sinh rất cao, dân số bùng nổ thì công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đặt trọng tâm hạ thấp mức sinh là phù hợp. Hiện nay, Việt Nam đã đạt mức và giữ được mức sinh thay thế hơn 10 năm trong khi đó lại xuất hiện những xu hướng dân số mới (như đã phân tích ở trên) làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam đòi hỏi cần phải có chính sách, giải pháp thích ứng với các xu hướng dân số để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Trước hết, cần tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, chuyển trọng tâm chính sách dân số, từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số” như các nội dung Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương chỉ rõ: (a) Duy trì mức sinh thay thế; (b) Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; (c) Tận dụng cơ cấu dân số vàng; (d) Thích ứng với quá trình già hóa dân số; (e) Điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý; (f) Nâng cao chất lượng dân số.

Như vậy, trọng tâm của chính sách dân số sẽ là tập trung giải quyết các mối quan hệ dân số và phát triển chứ không chỉ là kế hoạch hóa gia đình. Ví dụ như, trước đây chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình tập trung vào nội dung kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh, thì nay chính sách dân số với 6 nội dung trên với phạm vi rộng lớn hơn nhiều. “Duy trì mức sinh thay thế” hay bảo đảm mức trung bình mỗi cặp vợ chồng chỉ có khoảng 2,1 con, tức là cần phải thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Do đó, việc “chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển” về bản chất là sự mở rộng chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đây là một chủ trương lớn của Đảng. Thực hiện được điều này sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn cho chính sách dân số của Việt Nam. Vì vậy, ngay từ bây giờ các nhà quản lý và các nhà khoa học cần nghiên cứu về vấn đề này một cách sâu sắc để góp phần triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Thứ hai, chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển, tuyệt đối không phải là “từ bỏ kế hoạch hóa gia đình” mà kế hoạch hóa gia đình được thực hiện theo hướng xã hội hóa một cách có hiệu quả. Vấn đề là cần tổ chức kế hoạch hóa gia đình theo phương thức mới. Trước đây, mức sinh ở cả nước cũng như ở từng địa phương đều rất cao, yêu cầu giảm sinh là mục tiêu cốt lõi và thống nhất trong cả nước, không phân biệt vùng, miền, như vậy là hợp lý. Nhưng, thực tiễn cho thấy, mức sinh ở các địa phương do điều kiện kinh tế - xã hội không đồng đều nên kết quả thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng rất khác nhau. Vì vậy, hiện nay theo yêu cầu mới, mục tiêu mức sinh phải được phân biệt theo từng địa phương. Nghị quyết số 21-NQ/TW đã nêu: “Giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp” là rất hợp lý. Từ những kết luận nêu trên, việc truyền thông, phương thức cung cấp phương tiện, dịch vụ giữa các địa phương cũng đòi hỏi phải bố trí khác nhau.

Thứ ba, lồng ghép các hoạt động về dân số vào kế hoạch hóa phát triển. Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ: “Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội”. Tức là, trong mọi kế hoạch hóa phát triển đều phải tiến hành dự báo và tính đến cơ cấu dân số mà trước hết là kế hoạch hóa lao động, việc làm để tận dụng cơ cấu “dân số vàng”; kế hoạch hóa giáo dục và đào tạo cũng như y tế cần tính đến cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh; phong trào di cư, đô thị hóa; chính sách an sinh xã hội cần tính đến già hóa dân số...

Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển, làm cho mọi tầng lớp xã hội, nhất là cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, đặc biệt là đối với những nhà hoạch định chính sách ngày càng nhận thức đúng, đầy đủ về việc “chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Từ đó, từng bước đổi mới tư duy về chính sách dân số, nhất là tư duy kế hoạch hóa gia đình đã ăn sâu, bám rễ trong mỗi gia đình Việt Nam. Việc đa dạng hóa các kênh truyền thông, truyền tải những thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền là yêu cầu cấp bách hiện nay. Đây cũng là chủ trương được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương: “Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển”, là một trong những giải pháp then chốt, cần đi trước một bước./.

--------------------------------------------------

(1) Theo số liệu báo cáo của Liên hợp quốc năm 2011

(2) Theo số liệu báo cáo của Liên hợp quốc năm 2015