TCCS - Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định quan điểm Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, trong đó ngành du lịch biển được xác định là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón 2 tàu biển quốc tế với gần 9.000 hành khách và thủy thủ đoàn đến tham quan Vịnh Hạ Long và các điểm du lịch ở tỉnh Quảng Ninh_Ảnh:  vnmedia.vn

1- Việt Nam có hơn 3.200km đường bờ biển trải dài qua nhiều vùng khí hậu và địa hình khác nhau với những bãi biển tuyệt đẹp, các vịnh, đầm, phá cũng như hệ thống đảo ven bờ đa dạng. Đó là tiềm năng phát triển du lịch biển hết sức phong phú. Về mặt hành chính, vùng ven biển, vùng biển có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với diện tích tự nhiên là 126.747km2,, bằng 38,2% diện tích tự nhiên và tập trung hơn 40% dân số của cả nước.

Là địa bàn du lịch trọng điểm, thời gian qua, số lượng khách du lịch đến các địa phương ven biển nước ta tăng nhanh. Giai đoạn 2008 - 2018, lượng khách quốc tế đến các tỉnh, thành ven biển tăng trung bình khoảng 14%/năm, chiếm hơn 85% lượng khách quốc tế đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Cũng trong giai đoạn trên, lượng khách nội địa đến các tỉnh, thành ven biển tăng trung bình 17%/năm, đạt trên 150 triệu lượt, chiếm 75% lượng khách nội địa đi lại trên tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Tổng thu từ khách du lịch đến các tỉnh, thành ven biển tăng trung bình 22%/năm, đạt gần 450 nghìn tỷ đồng vào năm 2018, chiếm tỷ trọng 70% tổng thu từ khách du lịch của cả nước.

Du lịch biển phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân sống ở dải ven biển, nơi hiện có khoảng 21,2 triệu ng­ười trong độ tuổi lao động và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường biển. Lao động trực tiếp trong ngành du lịch của các tỉnh ven biển khoảng hơn 400 nghìn người, lao động gián tiếp khoảng hơn 1 triệu người.

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các địa bàn ven biển là khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, sự phát triển của giao thông đường hàng không và đặc biệt là các cảng hành khách chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch các tỉnh ven biển có số lượng lớn và được đầu tư xây dựng với tốc độ gia tăng nhanh chóng, đến nay có khoảng 350 nghìn phòng khách sạn, bằng 2/3 của cả nước và tăng gấp 10 lần trong vòng 10 năm. Phần lớn phân khúc khách sạn cao cấp (4, 5 sao) đều nằm ở các tỉnh, thành ven biển. Tỷ lệ số phòng tại các cơ sở lưu trú cao cấp chiếm trên 20%.

Với không gian rộng lớn của dải ven biển với hàng nghìn đảo ven bờ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, du lịch biển với nhiều sản phẩm đặc thù, đóng vai trò rất quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Đến nay, hệ thống các điểm đến và sản phẩm du lịch tại các tỉnh, thành ven biển đã được hình thành rõ nét với các sản phẩm chính là tham quan và nghỉ dưỡng biển bên cạnh các sản phẩm bổ trợ quan trọng khác, như du lịch văn hóa, tham quan di sản, du lịch tâm linh, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE)... Suốt dọc chiều dài dải ven biển của cả nước đã phát triển và hình thành nhiều trung tâm du lịch có thương hiệu và sức cạnh tranh trong nước và khu vực, như Vân Đồn, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Cát Bà (thành phố Hải Phòng), Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), Thiên Cầm (tỉnh Hà Tĩnh), Huế, Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Mỹ Khê - Non Nước (thành phố Đà Nẵng), Cửa Đại, cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phan Thiết - Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Ninh Chữ (tỉnh Ninh Thuận), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)... Những trung tâm du lịch này hằng năm thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế của cả nước.

So với các địa bàn khác trên cả nước, các địa phương ven biển là nơi thu hút được các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ của xã hội để phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các khu vực có ý nghĩa trọng điểm đối với du lịch Việt Nam, như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang và một số địa bàn khác với các dự án với quy mô lớn, tạo ra động lực, là “đòn bẩy” cho sự phát triển du lịch. Đầu tư của các tập đoàn, như VinGroup, SunGroup, Mường Thanh, FLC, BIM, Tuần Châu... đã góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tại nhiều địa phương. Đó là chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long; chuỗi sản phẩm công viên, khu vui chơi giải trí của Sun Group tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc; các khu nghỉ dưỡng và sân gofl của FLC tại Quy Nhơn, Sầm Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình; hệ thống khách sạn Mường Thanh tại hầu hết các địa phương ven biển. Sự gia tăng các khu vui chơi giải trí, khách sạn đẳng cấp, có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế đã góp phần tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh cho các địa phương ven biển và của du lịch Việt Nam.

2- Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, Đảng và Nhà nước luôn xác định rõ vai trò quan trọng của kinh tế biển cũng như du lịch biển (với tư cách là một trong những ngành kinh tế biển trụ cột). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996) đã xác định, vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng, có nhiều lợi thế để phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc. Nghị quyết số 09/NQ-TW, ngày 09-02-2007, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” cũng nhấn mạnh, thế kỷ XXI được thế giới xem là “thế kỷ của đại dương”. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Khu vực Biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, có vị trí địa - kinh tế và địa - chính trị rất quan trọng... với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, có vai trò ngày càng to lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Nghị quyết chỉ rõ phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

Do vị trí, vai trò quan trọng của du lịch biển đối với sự phát triển du lịch của cả nư­ớc, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30-12-2011, phê duyệt “Chiến lư­ợc phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (đư­ợc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 201/QĐ-TTg,  ngày 22-01-2013. Chiến lược và quy hoạch đã xác định du lịch biển là định hướng ưu tiên quan trọng nhất để phát triển sản phẩm du lịch. Ngày 15-8-2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó khẳng định quan điểm phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển nhanh và bền vững; ưu tiên phát triển du lịch biển chất lượng cao; phát triển du lịch biển phải luôn gắn với mục tiêu bảo đảm an ninh - quốc phòng; phát triển du lịch biển phải được đặt trong quan hệ phát triển tổng thể chung về kinh tế - xã hội của vùng ven biển và phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đề án đặt ra mục tiêu phát triển tổng quát là đến năm 2020, du lịch biển trở thành ngành động lực của kinh tế biển Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”; thực hiện thành công Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2020, du lịch biển phải có được ít nhất 6 điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế với sức cạnh tranh cao trong khu vực là Hạ Long - Bái Tử Long - Cát Bà; Lăng Cô - Cảnh Dương, Hội An - cù lao Chàm; Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né và Phú Quốc; hình thành và bước đầu đi vào khai thác một số cảng du lịch, như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc; thu hút được khoảng 22 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 58 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch biển đạt trên 200.000 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD;  tạo ra khoảng 600 nghìn việc làm trực tiếp và 1,1 triệu việc làm gián tiếp, bằng 71% tổng lượt khách du lịch quốc tế và 61% tổng lượt khách du lịch nội địa đi lại giữa các địa phương, 68% tổng thu từ du lịch toàn quốc. Đề án cũng chỉ rõ 7 định hướng phát triển chủ yếu về: thị trường du lịch biển; sản phẩm du lịch biển; xúc tiến quảng bá du lịch biển; phát triển nguồn nhân lực du lịch biển; tổ chức lãnh thổ du lịch; đầu tư phát triển du lịch biển; phát triển du lịch biển gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017, của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” nhấn mạnh phát triển du lịch là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác.

Ngày 22-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định du lịch là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế biển. Thực tiễn phát triển các ngành kinh tế trong thời gian qua đã cho thấy du lịch biển đang là một lợi thế quan trọng, đem lại nguồn thu lớn, góp phần quan trọng trong cơ cấu GDP, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật và là lĩnh vực bảo đảm yêu cầu về mục tiêu phát triển bền vững. Nghị quyết số 36-NQ/TW cũng chỉ rõ chiến lược phát triển kinh tế du lịch biển cần chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ. Tăng cường năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế biển... Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

3- Trong thời gian tới, để phấn đấu đạt những mục tiêu phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng đã đề ra, trước những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, ngành du lịch cần có những đổi mới công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả để phát biển bền vững và đưa du lịch biển thực sự trở thành một ngành kinh tế biển trụ cột. Do đó, ngành du lịch cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, về công tác quy hoạch phát triển du lịch biển.

Một là, xác định quan điểm tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển mạnh về du lịch biển để hình thành rõ và mạnh hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực, hệ thống sản phẩm và dịch vụ về du lịch biển bảo đảm đạt đẳng cấp quốc tế, khẳng định rõ thương hiệu quốc gia về biển, có thương hiệu về du lịch biển.

Hai là, về quy hoạch các lĩnh vực phục vụ nhu cầu phát triển du lịch biển, yêu cầu đặt ra hàng đầu là công tác quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm yêu cầu về phát triển du lịch biển. Là quốc gia có lợi thế về biển, về du lịch biển nhưng hiện nay trên địa bàn cả nước mới chỉ có 1 cảng du lịch tàu biển. Du lịch tàu biển là một hướng phát triển quan trọng, thu hút lượng khách lớn, có chi tiêu cao, đồng thời kết nối được các tuyến hàng hải quốc tế. Trong những năm tới, quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển du lịch, cải tạo một bộ phận cảng hàng hóa thành cảng du lịch là hết sức cần thiết. Yêu cầu thiết yếu khác là quy hoạch mạng lưới cảng hàng không các tỉnh ven biển, đảo bảo đảm đủ công suất phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của du khách, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành du lịch.

Ba là, công tác quy hoạch phát triển các khu du lịch ven biển cần được đẩy mạnh trên cơ sở bám sát các yếu tố đặc thù về lợi thế biển, đảo của từng vùng, từng địa phương. Việc quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch biển phải dựa trên nhu cầu thực sự của thị trường, tránh tình trạng phát triển ồ ạt bất động sản du lịch. Quy hoạch các địa bàn ven biển, các diện tích khai thác các hoạt động du lịch gắn với biển, đảo trên quan điểm sử dụng bền vững tài nguyên biển.

Bốn là, quy hoạch phát triển các địa bàn ven biển phải làm nổi bật lên được những địa bàn trọng điểm, hạt nhân, cần tập trung đầu tư mạnh mẽ để phát triển thành những điểm đến có thương hiệu quốc tế, định vị thương hiệu du lịch biển Việt Nam. Bên cạnh đó, vẫn quy hoạch bảo tồn những địa bàn gắn với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, có hệ đa dạng sinh học cao, là những điểm đến hấp dẫn lâu dài đối với thị trường du lịch.

Năm là, công tác quy hoạch phát triển các địa bàn ven biển phải tính đến sự kết nối liên ngành, phát huy tối ưu các giá trị tài nguyên, từ bãi tắm, cảnh quan biển đến hệ sinh thái trên bờ biển và dưới biển, thủy hải sản đến các giá trị văn hóa và lối sống của cư dân ven biển. Đồng thời, vừa bảo đảm thu hút được sự tham gia của cộng đồng dân cư trong hoạt động du lịch cũng như quyền lợi được sử dụng các không gian công cộng ven biển. Đẩy mạnh phát triển hoạch định các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ liên quan cần để phục vụ hoạt động du lịch.

Thứ hai, về nâng cao chất lượng, tính hiệu quả để phát triển du lịch biển.

Một là, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ năng nghề và hướng dẫn chuyên ngành cần được rà soát, ban hành để bảo đảm hướng dẫn đủ các yêu cầu về chất lượng du lịch. Các địa phương ven biển cần áp dụng các tiêu chuẩn, quy định hiện hành, ngoài ra có thể ban hành thêm các quy định, quy chế cụ thể tại địa phương, phù hợp với đặc điểm tài nguyên trên địa bàn cần quản lý, như các quy định về quản lý và sử dụng bãi biển, quy định đối với hoạt động thể thao biển, quy định về hoạt động kinh doanh tại các bãi biển... Các hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành phải được tăng cường. Công tác thẩm định, kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực chuyên ngành cần được đề cao. Các điển hình tốt cần được vinh danh.

Hai là, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để bảo đảm hệ thống nhân lực phục vụ du lịch dải ven biển thuộc vào loại đi đầu về nguồn nhân lực trên toàn quốc. Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực du lịch tập trung nhiều nhất và với chất lượng cao nhất ở các đô thị lớn và các địa phương ven biển. Đây cũng là những địa bàn tập trung nhất của các cơ sở dịch vụ cao cấp. Vì vậy, nguồn nhân lực du lịch các tỉnh ven biển vừa có điều kiện nâng cao năng lực, vừa phải là lực lượng dẫn đầu về chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra mặt bằng chất lượng chung, mang tầm quốc tế cho du lịch Việt Nam.

Ba là, công tác quản lý và nâng cao năng lực của điểm đến phải được chú trọng. Để xây dựng thương hiệu mạnh về du lịch biển, các điểm đến du lịch biển phải là những điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, có trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong bảo đảm môi trường du lịch và xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch. Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch cần được áp dụng triển khai tại từng điểm đến. Các cơ sở và thiết chế công cộng, các dịch vụ liên quan phục vụ nhu cầu của khách du lịch cần được chuẩn hóa.

Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển các hoạt động du lịch biển đa dạng trên cơ sở các định hướng của quy hoạch phát triển nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch biển. Phát triển phù hợp quy hoạch và đặc thù tài nguyên từng địa bàn về du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch tham quan thắng cảnh biển, du lịch sinh thái biển... Khuyến khích phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm các điều kiện và quy định về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Năm là, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng hình ảnh, định vị thương hiệu du lịch biển. Hoạt động này không chỉ nhằm quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về hình ảnh, thương hiệu du lịch biển Việt Nam, quốc gia biển Việt Nam mà còn nhằm xây dựng niềm tin trong nhân dân, trong cộng đồng xã hội về tiềm lực phát triển du lịch biển của Việt Nam, thế mạnh nội lực của một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, đồng thời phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thưởng ngoạn của nhân dân cả nước.

Biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam với những nguồn tài nguyên quý giá phải được khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững. Du lịch với vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói, cần được hoạch định các hướng phát triển để khẳng định vai trò trụ cột, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan, khẳng định chủ quyền, lãnh thổ, định vị về một quốc gia mạnh về biển, thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”./.