(Tiếp theo kỳ trước và hết)

Cơ chế cầm quyền minh bạch, dân chủ và thống nhất của Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thân của sự kết hợp biện chứng giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào yêu nước và phong trào công nhân, là “đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”. Do đó, toàn bộ sự cầm quyền là để nhân dân là chủ và làm chủ đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bởi vậy, một cách tự nhiên mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân là mối quan hệ máu thịt không thể gì cắt chia, không thể gì phá vỡ. Và một cách hợp lô-gíc và hợp điều kiện lịch sử, cốt lõi và bản chất của cơ chế cầm quyền của Đảng chính là sự vận hành và phát triển không ngừng mối quan hệ đó vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và phát huy mạnh mẽ, bảo đảm thực chất quyền và nghĩa vụ làm chủ của nhân dân theo pháp luật.

Nhưng bắt đầu từ đâu và như thế nào? Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, nếu luật pháp không theo sự tất yếu mà sửa đổi thì quốc gia tất sẽ nguy hiểm. Vì thế, trước yêu cầu mới rất cao và phức tạp của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, cần kíp phải phân định và làm rõ sự thống nhất và khác biệt giữa quyền lực chính trị của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng với quyền lực và quyền uy pháp luật, sự quản lý của Nhà nước là việc cấp bách. Tất nhiên sự phân định này không phải là sự tách rời, biệt lập hay đối lập, mà đây là sự khác biệt trong thống nhất về mục tiêu chung, hệ giá trị xác định của Đảng và Nhà nước là phụng sự Tổ quốc, phục vụ quyền làm chủ của nhân dân. Đây là cơ sở để tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước nhằm phục vụ nhân dân. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong hoạt động của Nhà nước phải nhằm đạt tới Nhà nước thực sự là cơ quan quyền lực thể hiện ý chí của nhân dân và cũng là ý chí của Đảng. Thực tế đã và đang cho thấy, tình trạng Đảng “lấn sân”, bao biện Nhà nước... cần được khắc phục; nhưng đồng thời lại phải cảnh giác với khuynh hướng một số cơ quan nhà nước thoát ly sự lãnh đạo của tổ chức đảng đối với họ. Cả hai đều nguy hiểm như nhau!

Để thực hiện cơ chế đó, Đảng phải vững mạnh trong sạch, thực sự xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là “đứa con nòi”, vừa là “người đày tớ thật trung thành của nhân dân”chịu trách nhiệm trước nhân dân về vị thế và vai trò cầm quyền của mình trong thực hiện quyền lực chính trị của mình. Nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, cán bộ các cấp của Nhà nước phải xứng đáng là công bộc của nhân dân; quyền lực của Nhà nước là thống nhất và sự thống nhất ở đây là, mọi quyền hành, mọi lực lượng là ở nhân dân, của nhân dân, nhân dân có quyền hạn và trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước và quản lý xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đều nhằm tới xác lập, bảo đảm, hoàn thiện và nâng cao địa vị là chủ và năng lực làm chủ thực tế của nhân dân. Nhân dân làm chủ trực tiếp và các hình thức làm chủ khác, làm chủ thông qua Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội của mình, do Đảng lãnh đạo, theo pháp luật. Đảng lãnh đạo chuyển từ một Nhà nước quản lý bằng mệnh lệnh, hành chính sang kiến tạo phát triển một cách dân chủ, công khai và minh bạch theo pháp luật. Nhưng, Đảng lãnh đạo để nhân dân là chủ và làm chủ là gì và như thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng. Trên phương diện này, càng nghiêm khắc đòi hỏi Đảng “không thiên tư, thiên vị”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Do đó, cùng với việc bảo đảm vô điều kiện việc thực thi quyền làm chủ trực tiếp (các hình thức tự quản, bằng quy ước cộng đồng, hương ước...), tiếp tục đổi mới cơ chế làm chủ gián tiếp của nhân dân (bằng và thông qua Nhà nước, các đoàn thể nhân dân...). Ở đây, các đoàn thể chính trị phải xứng đáng là người đại diệnbảo vệ quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình; là môi trường dân chủ thực sự để nhân dân thực thi quyền dân chủ chính đáng theo điều lệ và pháp luật.

Một cách tự nhiên, cần phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thật sự dân chủ và minh bạch, thẩm xét tín nhiệm và định chế về từ chức, bãi miễn các thành viên của Chính phủ, đại biểu Quốc hội một cách dân chủ, công bằng, đúng pháp luật; đồng thời xác lập cơ chế xử lý hữu hiệu trong các trường hợp Quốc hội vượt quyền kiểm soát của quốc dân (chẳng hạn trưng cầu dân ý, thông qua Hiến pháp mới..., nếu cần). Vì, quyền lực tuyệt đối có nguy cơ sẽ sinh ra độc quyền tuyệt đối, đến lượt nó sẽ tham nhũng quyền lực tuyệt đối và các tệ nạn chung quanh vấn đề quyền lực tuyệt đối. Trên phương diện này, ở chừng mực nào đó, vẫn đang là mắt khâu còn yếu của chúng ta.

Nói khái quát, Đảng cầm quyền theo cơ chế: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ - phục vụ nhân dân là chủ, tất cả nhằm bảo vệ và nâng cao vị thế, quyền lực và trách nhiệm làm chủ của nhân dân. Và, dù thế nào, Đảng chịu trách nhiệm lịch sử về sự cầm quyền của mình trước nhân dân và dân tộc.

Phát triển nguồn lực đa dạng và nắm chắc khâu quyết định công việc cầm quyền

Đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành bại vị thế cầm quyền, năng lực và hiệu quả cầm quyền của Đảng. Trong số các nguồn lực, nổi bật ba nguồn lực chính yếu bảo đảm cho sự cầm quyền.

Nguồn lực con người: Đây là nhân tố căn bản, trung tâm trong các nguồn lực cầm quyền của Đảng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự bao gồm những phần tử ưu tú nhất của dân tộc, tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân tộc. Cấp ủy các cấp thực sự là những cơ quan tinh hoa nhất của Đảng. Đặc biệt là, những người đứng đầu cấp ủy các cấp phải là tấm gương chính trị thực sự toàn diện nhất. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mang tầm chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; mặt khác, đẩy nhanh việc trí thức hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên - nhu cầu, nhân tố quyết định trực tiếp chất lượng và uy tín cầm quyền của Đảng. Người xưa dặn: “Cầu trị lấy nhân tài làm gấp”. Tiếp tục chỉnh đốn, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược xứng đáng bao gồm các nhà chính trị có tầm nhìn xa rộng, tấm gương về nhân cách chính trị, văn hóa và liêm chính; đội ngũ tham mưu tinh nhuệ và trung thành; đặc biệt là đội ngũ cán bộ đứng đầu bộ máy các cấp của Đảng thật sự là những người ưu tú, tinh hoa. Mở rộng mọi con đường để thu hút nguồn nhân lực tinh hoa thực thi công tác đảng một cách dân chủ, minh bạch: Thi tuyển, tranh tuyển, tiến tuyển, bầu tuyển, cử tuyển,... Đồng thời, kiên quyết thanh lọc đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu một cách thường xuyên, theo phương châm định kỳ khảo hạch, bỏ phiếu tín nhiệm và bãi miễn, huyền chức khi không đạt yêu cầu cần thiết...

Tất cả nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết từ trong Đảng, một cách đồng bộ, thật sự tinh hoa và chuyên nghiệp. Về kiến tạo, rèn luyện, giáo dục và tự giáo dục liêm sỉ và đức hạnh của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đội ngũ những người đứng đầu, xin nhắc lại ý tưởng của người xưa, cách đây dù gần 2.400 năm, về đạo đức và liêm sỉ: Trên mà không chính thì dưới có chính cũng thành ngụy, người hiền lành cũng biến thành kẻ gian tà. Và, cách đây hơn 200 năm, lời chiêm nghiệm và khuyên răn của tiền nhân vẫn mang ý nghĩa thời sự đối với chúng ta: Dân chủ là chế độ chính trị khó nhất, vì nó đòi phải có dân trí thật cao, nhưng người ta thường quên nâng cao dân trí của chính mình, khi nắm được chủ quyền; và, một cách tự nhiên, nếu người ta chà đạp công lý thì đó chính là sự sỉ nhục đức hạnh hàng đầu của kẻ cầm quyền. Điều đó cảnh tỉnh những biểu hiện của thói “kiêu ngạo cộng sản”, “đầu óc ông tướng, bà tướng”, “vua con”... đang là “nhược điểm chí tử” hiện nay ở không ít cán bộ, đảng viên.

Tổ chức bộ máy: Ở đây, vấn đề chính của chúng ta về phương pháp là, tiếp tục thẩm định cái quá khứ có thể chấp nhận được trong hiện tại và cái hiện tại mà chúng ta tiếp tục để cho nó tồn tại ở tương lai trong đổi mới và kiến tạo lại bộ máy theo phương châm bảo đảm sự phát triển liên tục để tiến tới sự ổn định mới ở đẳng cấp cao hơn. Do đó, theo tốc độ phát triển của quy mô, tính chất, mức độ của nội dung cầm quyền của Đảng đối với công cuộc đổi mới, tiếp tục cấu trúc lại nhằm tạo dựng một bộ máy cầm quyền của các cấp ủy thật thống nhất, đồng bộ, tinh gọn và hiệu quả. Đó là một nghệ thuật.

Giải thể các bộ phận trùng lắp về chức năng với các bộ phận khác, sáp nhập các bộ phận chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ của nhau nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo theo hướng quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng trên cơ sở một thể chế dân chủ nội bộ rộng rãi, sâu sắc nhưng cụ thể nhất và hiệu quả nhất trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật nhằm để kiểm soát, giám sát một cách minh bạch. Theo đó, chỉnh đốn và cấu tạo lại bộ máy tham mưu của Đảng và bộ máy của các thành viên hệ thống chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ phận, từng thành viên theo hướng tương dung và phù hợp với tổ chức bộ máy các cấp ủy, chính quyền. Tất cả phải thật tinh gọn, tinh hoa, thành thục, liên thông, dễ kiểm tra, giám sát và dễ xử lý... khi cần thiết.

Nhân tố vật chất - kỹ thuật: Nỗ lực bảo đảm các phương tiện cầm quyền một cách hiện đại nhằm tạo sự thống nhất, thông suốt giữa các cơ quan của Đảng với nhau, giữa cơ quan của Đảng với các thành viên của hệ thống chính trị... Trước mắt, tin học nhằm điện tử hóa các mắt khâu xung yếu, cần kíp của các bộ máy lãnh đạo và tham mưu của các cấp ủy, trong điều kiện cho phép và khả năng có thể nhằm phục vụ kịp thời và hiệu quả công việc cầm quyền trên tất cả các phương diện, địa bàn trong tầm nhìn và chịu trách nhiệm của Đảng.

Phát triển và bảo đảm môi trường cầm quyền chính pháp, chính tín trong nước và sự hòa mục quốc tế bền vững chiến lược của Đảng

Toàn bộ sự cầm quyền của Đảng phải nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước; đến lượt nó, mọi sự phát triển đều phải nhằm tới bảo đảm sự ổn định cao hơn về chính trị - xã hội làm tiền đề, nền tảng vững chắc tiếp tục nâng cao chất lượng cầm quyền của Đảng ngang tầm quy mô, tốc độ và chiều sâu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Hiện nay, trước yêu cầu mới, kế thừa kinh nghiệm hơn 70 năm cầm quyền, phát triển phải trở thành mục tiêu của ổn định, là đẳng cấp của ổn định, vì không phát triển không thể nói tới bất kỳ một sự ổn định bền vững nào. Đó là sứ mệnh cầm quyền của Đảng trong công việc xử lý 8 mối quan hệ lớn theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng; đồng thời, là tiền đề và môi trường để Đảng rèn luyện, không ngừng nâng mình lên một cách toàn diện ngang tầm sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay; nâng cao vị thế, sức mạnh và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Đến lượt mình, không có sự phát triển của Đảng thì không thể nói tới bất cứ một sự phát triển nào của đất nước nói chung, và sự ổn định và phát triển của chính bản thân Đảng nói riêng. Đảng tiếp tục là tấm gương mẫu mực về gìn giữ, phát huy dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trở thành tiền đề, rường cột và sự mẫu mực cho các tổ chức chính trị - xã hội trong công việc phát triển, phát huy dân chủ, bảo đảm pháp luật thượng tôn. Không phát huy dân chủ ở trong Đảng không có dân chủ đầy đủ trong xã hội; không giữ kỷ luật nghiêm từ trong Đảng không thể phát triển nền pháp trị đất nước. Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản trị và kiến tạo, bảo đảm về mặt pháp lý để các tổ chức đảng, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng và đội ngũ đảng viên tiên phong gương mẫu thực thi Hiến pháp, pháp luật và chính sách của Nhà nước, vừa trong tư cách là những người lãnh đạo hoạch định chính sách và pháp luật, giám sát, kiểm tra hoạt động của Nhà nước vừa trong tư cách là những người thực thi một cách mẫu mực, những người phản biện minh bạch và dân chủ. Đồng thời, Nhà nước kiểm soát chính những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng theo khuôn khổ pháp luật với phương châm thật sự “quốc pháp vô thân”, không có đặc quyền đặc lợi trong thực thi và chấp hành pháp luật. Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và nhân dân giám sát toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ở bất cứ đâu: từ nơi công tác tới nơi cư trú, góp ý phê bình đảng viên.

Không ngừng phát triển và bảo vệ môi trường pháp lý hiện đại, dân chủ và minh bạch, trước hết tiếp tục sửa đổi và bổ sung các vấn đề về Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm bảo đảm trên phương diện pháp lý vị thế và trách nhiệm cầm quyền của Đảng. Và đến lượt mình, Đảng tự chỉnh đốn, tự đổi mới mình, ngày càng trở thành dân tộc, cầm quyền theo Hiến pháp, pháp luật một cách khoa học và chính danh, chính thực, nâng cao chính năng, chính tín của công việc cầm quyền.

Đảng không ngừng xây dựng và phát triển dân chủ trong Đảng, trước hết là sự đoàn kết thống nhất nội bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên, từng tổ chức đảng phải bảo vệ nó như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đó cũng là nguyên tắc và phương sách để không ngừng chỉnh đốn bộ máy thật tinh gọn, thạo việc và trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, mỗi tổ chức đảng phải là một tấm gương, một môi trường mẫu mực và trong sáng về thực hành dân chủ đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị. Mỗi người đứng đầu cấp ủy, bộ máy của Đảng xứng đáng là người mẫu mực về tư tưởng, nhân cách và phong cách làm việc dân chủ, tôn trọng tổ chức, lắng nghe và cầu thị đối với cấp dưới và đảng viên, tôn trọng và thực thi ý nguyện chính đáng của nhân dân. Xây dựng và giữ vững lòng tin sâu rộng của nhân dân đối với Đảng là nhân tố quyết định sự thành công của công việc cầm quyền của Đảng. Đó là môi trường căn bản, là tiền đề, là tấm gương để thực thi dân chủ toàn xã hội, rèn luyện chính năng của cấp ủy, nâng cao chính tín của tổ chức và từng cán bộ, đảng viên... nhằm bảo đảm và tôn vinh sự chính danh của tổ chức đảng - nền móng của vị thế, của năng lực, của uy tín và trách nhiệm cầm quyền một cách thành công của Đảng.

Đồng thời, Đảng tiếp tục xây dựng và phát triển niềm tin chính trị chiến lược của bạn bè, đồng chí quốc tế đối với Đảng, với đất nước, nhận được sự ủng hộ rộng rãi và sâu sắc của các đảng cộng sản, đảng công nhân, các đảng cầm quyền và các đảng chính trị... trên thế giới là một trong những mấu chốt thành công. Đó chính là hiện thân phát triển môi trường cầm quyền bảo đảm tính chính danh và chính tín của Đảng trong chủ động, tích cực hội nhập quốc tế hiện nay và tương lai, với tư cách là đảng chính trị duy nhất chính pháp lãnh đạo đất nước.

Đề phòng, đẩy lùi và hóa giải nguy cơ đối với sự cầm quyền của Đảng

Như bất cứ một thực thể chính trị nào khác, Đảng phải luôn đối mặt và chủ động hóa giải các nguy cơ đối với sự phát sinh và đe dọa trong quá trình phát triển trên vị thế và trong thực hiện trọng trách cầm quyền của mình. Hiện nay, vấn đề đó đặt ra trước sự nghiệp cầm quyền của Đảng càng đặt ra cấp bách. Đó là lẽ tự nhiên nhi nhiên và cũng rất quan trọng trong bối cảnh thời đại và đất nước biến động ngày càng phức tạp và sứ mệnh cầm quyền của Đảng, vì thế, ngày càng to lớn và nặng nề hơn.

1- Nguy cơ chệch hướng trong hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, nhắc nhở và Đảng ta luôn đề phòng sự xuất hiện và diễn biến của nguy cơ, thách thức này đối với mình. Vì, sự chệch hướng trong hoạch định đường lối và sự đổ vỡ về thực thi đường lối đồng nghĩa với sự cáo chung về vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng. Bài học xương máu của một số đảng cộng sản cầm quyền ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cách đây hơn hai mươi lăm năm trước đã cảnh báo hết sức nghiêm khắc điều đó.

Sự lường trước một lần nữa về vấn đề này vào tháng 1- 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, có ý nghĩa cảnh báo cực kỳ nghiêm khắc. Đó là sự tiên liệu đúng đắn trong tiến trình tổng kết nghiêm khắc về thực tiễn cầm quyền, sự phát triển sáng tạo với tinh thần tự phê bình trong xây dựng, phát triển lý luận cầm quyền và sự dũng cảm chính trị về trọng trách cầm quyền ngày càng phức tạp, khó khăn mà Đảng được lịch sử và nhân dân trao cho trọng trách lãnh đạo xã hội và đất nước.

Trước hết là, ngăn chặn tình trạng cơ hội chính trị, a dua chính trị, thực dụng chính trị... trong một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng và Nhà nước ở các cấp, của hệ thống chính trị..., nhất là một số người tham gia trên phương diện hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, đang tồn tại rất tinh vi, trên không ít lĩnh vực... Triệt tiêu tệ “địa phương hóa”, “cục bộ hóa”, “cát cứ hóa” đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước dưới đủ thủ đoạn: lợi dụng cái gọi là “sự đặc thù” để ban hành cái gọi là “chính sách riêng”, “đặc thù” nhằm mưu đồ phục vụ “lợi ích nhóm” và tụ lại thành những “sứ quân”, “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”... đi ngược lại đường lối chung. Dỡ bỏ tình trạng vừa vô tổ chức, vô kỷ luật, vừa cát cứ, khép kín, cục bộ... ở một số tổ chức đảng có nguy cơ phá vỡ sự thống nhất của Đảng.

Thứ hai là, ngăn chăn tình trạng vừa bảo thủ, trì trệ, vừa đổi mới vô nguyên tắc về lý luận chính trị, trong hoạch định đường lối chính trị đã và đang tồn tại trong không ít người, ở không ít nơi. Sự “đóng cửa”, “khép kín” trong tư duy, ngại đổi mới, không chịu thâm nhập vào thực tiễn; tự cho mình “đúng đắn”, tự bằng lòng và tự ràng buộc mình vào những định đề có sẵn nhưng đã lạc hậu, đã bị cuộc sống vượt qua, vô hình biến thành trở lực đối với công cuộc đổi mới. Đồng thời, ngăn chặn một bộ phận nhân danh đổi mới, xa rời các nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đòi xét lại đường lối chính trị của Đảng.

Thứ ba là, ngăn chặn tình trạng cố tình làm biến dạng đường lối chính trị, dưới mọi hình thức trong việc thực hiện; nhân danh đổi mới, sáng tạo một cách vô nguyên tắc, cố tình làm sai lạc việc hoạch định và thực hiện đường lối chính trị đang xuất hiện ở không ít nơi. Đẩy lùi tình trạng coi nhẹ những vấn đề có tính nguyên tắc, bất chấp nguyên tắc, kỷ luật, luồn lách tìm và lợi dụng những sơ hở của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nhất là một số tổ chức cố tình làm trái ở quy mô tập thể những quy định chung đó để mưu lợi cho họ, cho phe nhóm của họ, phá rối tình hình...

2- Nguy cơ buông lỏng, làm trái những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng

Ở không ít nơi, nguyên tắc tập trung dân chủ bị không ít người, tổ chức đảng lợi dụng, cắt xén hoặc trương lên thành tấm bình phong để che đậy mưu đồ cá nhân và hành động phá rối tổ chức hoặc vô hiệu hóa tổ chức, thành “con dao hai lưỡi” để mưu đoạt lấy lợi ích cho bản thân, rắp tâm “chui sâu, leo cao” vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý. Nguy hại hơn, mượn hoặc nhân danh nguyên tắc này để đối phó với cấp trên, cô lập và vô hiệu hóa cấp dưới, biến tổ chức đảng nơi họ phụ trách thành “bầu trời riêng”, với “tôn ti riêng”... để thực thi mưu đồ cá nhân, phe nhóm,... Mặt khác, không ít người biến việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình thành cái gọi là “vũ khí” rất màu nhiệm để tâng bốc, tán dương nhau nhưng lại nhân danh “thanh bảo kiếm chữa lành mọi vết thương”(V.I. Lê-nin) thực thi mưu đồ vu vạ, hãm hại đồng chí, hạ nhục và loại bỏ những người không cùng cánh với họ, để thao túng nội bộ Đảng nhằm “vinh thân phì gia”, phù phép cho lợi ích nhóm...

Kỷ luật của Đảng, Điều lệ của Đảng là pháp luật của Đảng bị không ít người ở một số tổ chức đảng biến thành “thanh kiếm phường chèo” với phe cánh họ, nhưng lại là “lưỡi gươm oan nghiệt” đối với đồng chí, nhất là những người trung thực, dũng cảm đấu tranh với các tệ nạn trong Đảng, mà họ là thủ phạm. Núp dưới chiêu bài “giữ nghiêm kỷ luật”, họ “thanh lọc đội ngũ” một cách có lợi cho họ. Thực chất, họ đã vô hiệu hóa sức mạnh của kỷ luật đảng, của Điều lệ Đảng, biến tổ chức đảng thành “vương quốc” riêng nhằm thực thi những mưu đồ cá nhân, vô hình tạo nên nạn bè phái, cát cứ ngay trong tổ chức đảng, trong cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Có thể nói, với sự hành xử như vậy, hai nguyên tắc đó của Đảng đã bị bóp méo, cắt xén; và cách họ đã tự biến mình thành những người tha hóa, những “ông vua con”, làm công cụ phá hỏng đoàn thể và phá hoại tổ chức; biến những tổ chức đảng nơi họ phụ trách và sinh hoạt thành hoặc là “bầu trời riêng”, biến tổ chức thành “hữu danh vô thực” hoặc bị tê liệt, mất sức chiến đấu. Vô hình họ hạ thấp và tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

3- Nguy cơ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó đáng lo ngại là người đứng đầu suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, băng hoại về phẩm hạnh và lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Đây là một thực trạng báo động, đang gây những hậu quả khôn lường. Nhưng điều đáng lo ngại là, tình trạng đó đang lan rộng, tỏa sâu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng và leo cao, chui vào cả trong một số bộ phận của bộ máy lãnh đạo các cấp của Đảng. Tệ cơ hội chính trị, thực dụng chính trị, thói vô chính trị, sự băng hoại về phẩm hạnh đạo đức chính trị, về phong cách, lối sống... của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả một số cán bộ cao cấp, đang gây nhức nhối đối với toàn Đảng, gây bất bình, oán thán trong nhân dân.

Điều đáng lo ngại là, họ nhân danh Đảng, nhân danh tổ chức để làm những việc hủ bại, táng tận lương tâm: tham nhũng, ăn cắp của công, bòn rút của cải của Nhà nước, của nhân dân, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy tội... Tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực, là “giặc nội xâm”. Tình trạng “phai Đảng”, “nhạt Đảng”, “nhân danh Đảng” vì tư túng, tư lợi... đang lan nhiễm trong không ít cán bộ, đảng viên, có nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất nguy hiểm trong cả tư tưởng và hành động.

Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa bè phái, nhất là tệ tham nhũng - “giặc nội xâm” - đang làm một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít người giữ trọng trách “thoái Đảng”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm không ít tổ chức đảng mất sự thống nhất, mất khả năng lãnh đạo và mất sức chiến đấu. Nếu chậm trễ, không kiên quyết chủ động ngăn chặn một cách kịp thời, căn cơ và hiệu quả, cái hiểm họa “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ” sẽ cận kề và lan rộng, như từng xảy ra đối với một số đảng cộng sản cầm quyền trên thế giới. Quốc nạn tham nhũng: về vật chất, về chính sách, về quyền lực... không chỉ cá nhân mà còn có tính “tập thể”... ở không ít người, bộ phận đang làm xói mòn địa vị cầm quyền và phá vỡ năng lực cầm quyền của Đảng; làm xói mòn lòng tin chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, chế độ ta.

4- Nguy cơ xa rời cơ sở xã hội - chính trị của Đảng

Đảng là “đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”, “một lòng một dạ tận tụy phụng sự nhân dân”, vì “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam”, “không thiên tư thiên vị” nên sinh thành, sống trong lòng và trưởng thành từ trong lòng nhân dân là sự sống còn của Đảng, là trí tuệ và là văn hóa của Đảng suốt hơn 86 năm lịch sử của mình. Nói khái quát, một trong những nguồn gốc làm nên sức mạnh vô địch là Đảng sống và trưởng thành trong lòng nhân dân và dân tộc đại đoàn kết. Đó là bản chất tự nhiên của Đảng ta.

Nhưng hiện nay, không ít tổ chức đảng, đảng viên đi ngược lẽ tự nhiên ấy. Họ sống và làm việc theo kiểu “bề trên” quan liêu, cách bức với cơ sở, xa lạ với nhân dân. Họ là những “ông quan cách mạng”, “ông tướng, bà tướng” “công thần cách mạng”, “hạng người nói suông”... trong Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Một số người hành xử vô liêm sỉ, thậm chí đi ngược tâm tư, quyền lợi của nhân dân, gây bao nỗi ưu phiền, bức xúc, oán thán, thậm chí bất bình, phẫn nộ trong nhân dân, làm tổn hại thanh danh và uy tín của Đảng. Một số tổ chức đảng, dưới sự chi phối hoặc cầm đầu của một số người hoặc bị vô hiệu hóa hoặc đã đánh mất vai trò lãnh đạo của mình, không còn xứng đáng với sự tin cậy của tập thể, của nhân dân. Sự tự đánh mất vị thế, vai trò cầm quyền và tự sụp đổ của một số đảng cộng sản cầm quyền ở một số nước có nguyên nhân bắt đầu từ sự vi phạm lẽ tự nhiên xương máu này.

Nếu không còn chỗ đứng trên nền nhân dân, không sống trong lòng nhân dân và dân tộc, tức là không còn xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động”, khi ấy nhất định thất bại và đổ vỡ tất yếu.

5- Nguy cơ vừa cát cứ, cục bộ, vừa phân ly, phá vỡ thống nhất, mà một số người đứng đầu là sự “kết tụ” dưới đủ hình thức và cấp độ, tẩy trừ “lợi ích nhóm” và những “nhóm lợi ích” làm phân rã Đảng

Đó là con đường ngắn nhất tự thủ tiêu mình và làm tê liệt sức mạnh tập trung của toàn Đảng. Rất tiếc, không ít người, không ít tổ chức ở không ít nơi mắc phải điều tệ hại và hết sức nguy hiểm đó. Đây là hậu quả trực tiếp của các thách thức trên. Tệ “anh hùng nhất khoảnh”, “trên có chính sách, dưới có đối sách”, thói tự cho mình đồng nhất tổ chức đảng với người đứng đầu bộ máy đảng... không còn là sự hiếm hoi. Một số người sử dụng chức vụ mà Đảng trao cho họ thành vật sở hữu (!) để ban ơn, để kéo bè kéo cánh, tham nhũng tập thể, kể cả thủ đoạn tham nhũng quyền lực, thực dụng chính trị... Vô hình điều đó thổi phồng và làm trầm trọng hơn tệ cục bộ, bè phái, gia trưởng, “quan cách mạng”... trong không ít tổ chức đảng, biến tổ chức đảng thành “của riêng”, thậm chí có nơi kéo bè “cha truyền con nối”, kết cánh anh em dòng họ..., thủ tiêu bản chất, nhất là sự thống nhất trong Đảng; làm xuất hiện những “nhóm lợi ích”, rơi vào hội chứng “những củ khoai tây”, làm phân rã Đảng về mặt tư tưởng và tổ chức một cách ngấm ngầm, tinh vi và nguy hiểm.

Nắm chắc và chủ động ngăn chặn điều đáng lo ngại là, sự phân ly về tư tưởng, lỏng lẻo, rệu rã về tổ chức, coi thường các nguyên tắc hoạt động của Đảng diễn ra trong một bộ phận đáng kể cán bộ, đảng viên và ngay trong lòng một số tổ chức đảng, ở một số nơi tới mức không thể xem thường. Thứ “đạo đức ba mặt” (trước cấp trên, với công luận, trước cấp dưới), thói hành xử “lá mặt lá trái” (trong cuộc họp đối lập với ngoài hành lang), tệ “bằng mặt nhưng không bằng lòng”; cấp dưới không phục tùng cấp trên; sự chia rẽ, thậm chí “đối trọng” giữa các khuynh hướng về tư tưởng và lợi ích làm nảy sinh các “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm” hết sức nguy hiểm... đang tồn tại trong không ít cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên giữ trọng trách của cấp ủy; bộ phận không phục tùng toàn thể, thậm chí đi ngược lại tập thể... diễn ra ở một số tổ chức đảng, đang phá vỡ khối đoàn kết thống nhất trong một bộ phận tổ chức đảng, vô hình thủ tiêu vai trò, sức mạnh chiến đấu của tổ chức đảng; đến lượt nó, các tổ chức đảng ấy bị vô hiệu hóa, bị tước bỏ, bị thủ tiêu sức mạnh của một tổ chức lãnh đạo và chiến đấu. Đó là “cục nghẽn mạch” chết người.

Để chủ động hóa giải hữu hiệu những nguy cơ ấy, phương châm bao trùm là, chúng ta không hoang mang, dao động nhưng cũng không nóng vội, nửa vời; phải kiên quyết, kiên trì giải quyết dứt điểm với lộ trình phù hợp, cụ thể; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa xây và chống; đồng thời chọn đúng khâu đột phá và giải quyết trên tầm tổng thể; phát huy dân chủ rộng rãi và bảo đảm tập trung cao độ, giữ nghiêm kỷ luật đủ mạnh ở mức cao nhất... kiên quyết giữ vững vị thế, nâng cao năng lực, hoàn thành trọng trách cầm quyền của Đảng.

Trước hết, đột phá đổi mới tư duy về Đảng Cộng sản cầm quyền làm mở đầu và làm nền tảng căn cơ nhưng cấp bách. Lúc này, hơn lúc nào hết, phải coi việc tiếp tục đổi mới tư duy về đảng cầm quyền làm khâu đột phá về lý luận làm cơ sở, nền tảng, tiêu chí và động lực cho các khâu đột phá khác. Không bắt đầu giải quyết những vấn đề chung, nhất định vấp ngã trên những vấn đề cụ thể. Nói cách khác, toàn bộ công việc cầm quyền trước hết của Đảng phải được tập trung ở việc hoạch định và tổ chức thực thi đường lối chính trị thật sự cách mạng, khoa học, đúng đắn và hiệu quả.

Thứ hai, xây dựng và đổi mới đội ngũ cốt cán, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, cơ quan, tổ chức ngang tầm nhiệm vụ. Đột phá xây dựng cho kỳ được đội ngũ người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đồng thời là đội ngũ thủ lĩnh ở các nơi này gánh vác trách nhiệm cầm quyền của Đảng là khâu đột phá then chốt. Cán bộ là gốc của công việc. Vì, đường lối chính trị phải được thực hiện trực tiếp và trước hết bởi đội ngũ người đứng đầu đồng thời là thủ lĩnh một cách xứng đáng và ngang tầm, với tư duy mới về đảng cầm quyền. Đến lượt khâu đột phá xây dựng đội ngũ người đứng đầu, phải nhằm tạo dựng kỳ được đội ngũ cốt cán chung quanh người đứng đầu - thủ lĩnh, và tổ chức bộ máy chuyên môn, chức năng... nhằm tạo nên sức mạnh tổng thể của đội ngũ lãnh đạo, quản lý nói riêng và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nói chung tương dung, ngang tầm với đường lối chính trị, thực tế đất nước và thời đại.

Khi đã có đường lối chính trị đúng, việc cơ bản tiếp theo là, chọn đúng người “có gan phụ trách”, vì “chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo”(1) (và những người cộng sự và bộ máy chuyên môn, chức năng của họ), nếu không nói là quyết định thành công của công việc cầm quyền.

Thứ ba, đột phá đổi mới về thể chế, cơ chế vận hành thể chế; siết chặt kiểm tra, mở rộng giám sát, giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng và giám sát xã hội đối với Đảng phù hợp với pháp luật giữ vị thế thượng tôn, trên nền móng truyền thống quản lý xã hội dân tộc và tinh hoa chính trị quốc tế.

Về thể chế, trong rất nhiều việc, cấp bách hoàn thiện hệ thống quy chế, lấy đó làm quy phạm chỉ đạo và điều chỉnh hoạt động của bộ máy đảng (cố nhiên bao hàm tất cả đảng viên dù giữ chức vụ hay không giữ chức vụ trong Đảng) trên cơ sở Điều lệ Đảng, quy chế hoạt động trong Đảng bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, bao quát trên tất cả mọi phương diện, mọi lĩnh vực và toàn bộ công việc của một đảng cầm quyền. Tổ chức bộ máy đảng các cấp gọn nhẹ, thông suốt: trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong kiểm tra, giám sát công việc và con người, gắn bó với nhân dân... một cách tự nhiên và dân chủ. Phải nhấn mạnh: Không dựa và sống trong lòng nhân dân, cầm chắc sẽ thất bại.

Đổi mới cơ chế vận hành thể chế theo hướng: đề cao quyền hạn cá nhân, bảo vệ trách nhiệm cá nhân và kiểm soát quyền hạn gắn với trách nhiệm cá nhân; mở rộng tranh tuyển một cách dân chủ và bình đẳng gắn chặt với trách nhiệm giải trình minh bạch và kịp thời về quyền hạn gắn với trách nhiệm. Xây dựng và thực thi văn hóa trong chính trị một cách chuẩn mực của một đảng cầm quyền, nhất là giữ nghiêm đức hạnh, liêm sỉ, liêm chính... phải có của cán bộ, đảng viên của một đảng cầm quyền.

Về kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, không một cá nhân nào, tổ chức nào của Đảng được phép đặt ra ngoài mọi sự kiểm tra, giám sát của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của nhân dân. Nắm lấy nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm thống nhất và bình đẳng trong thực thi Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với mọi cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị, không có “vùng cấm”, không có “đặc quyền” hay bất cứ một ngoại lệ nào. Cần kíp xác lập quy chế về từ chức, huyền chức, cách chức... một cách thống nhất, đồng bộ và kịp thời.

Về tham khảo, thâu hóa và tiếp biến kinh nghiệm chính trị của các đảng cầm quyền, các đảng chính trị trên thế giới, tinh hoa chính trị nhân loại, với thái độ cầu thị, nâng niu tất thảy sự tương đồng, tôn trọng mọi sự khác biệt... chúng ta gạn lọc, thâu hóa tinh hoa chính trị của các đảng chính trị để phục vụ thật tốt cho công việc cầm quyền của Đảng ta, nhất là bản lĩnh chính trị, khoa học và nghệ thuật cầm quyền... Làm trái đi, là tự bó mình và tự cô lập mình.

Trong tình hình mới, tối thiểu thực thi đồng bộ những vấn đề có tính quy luật và quy luật đó, cơ hội lớn phát triển quốc gia sẽ mở ra, thực lực mới đất nước sẽ mạnh mẽ, Đảng tiếp tục tôi luyện, khẳng định và bảo đảm vị thế cầm quyền tất yếu, năng lực cầm quyền khoa học với bản lĩnh cầm quyền cách mạng, gánh vác và chịu trách nhiệm lịch sử - pháp lý cầm quyền xứng đáng trước nhân dân và dân tộc, vươn lên ngang tầm yêu cầu phát triển mới vẻ vang của đất nước, phù hợp với sự vận động của thời đại. Đó là thời cơ lớn nhưng cũng là thử thách khắc nghiệt về vai trò, năng lực và trọng trách cầm quyền của Đảng hiện nay./.

--------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 326