Vững một niềm tin

TS. Bùi Ngọc Thanh
Nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
01:02, ngày 05-08-2020

TCCS - Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, 90 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Cộng sản đã có nhiều đóng góp to lớn, thiết thực và hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ trọng đại, góp phần xây dựng và từng bước hoàn thiện lý luận chính trị của Đảng trong mỗi chặng đường và trong tiến trình đổi mới đất nước. Đồng thời, góp phần khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối cách mạng của Đảng; bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ thể chế chính trị và bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

90 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Cộng sản đã góp phần xây dựng và từng bước hoàn thiện lý luận chính trị của Đảng trong mỗi chặng đường và trong tiến trình đổi mới đất nước_Đồ họa: Trung Duy

Với “tuổi đời” 90, chắc chắn Tạp chí Cộng sản đã có bề dày thành tựu đóng góp to lớn cho công cuộc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt khâm phục những thành tựu đã đạt được của Tạp chí ở giai đoạn có tính bước ngoặt của lịch sử, trước và sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Đồng thời cũng tâm đắc với những thành tựu lý luận về các vấn đề xã hội bắt đầu từ thời kỳ đó. Xin được hồi tưởng lại một vài sự kiện của hai loại vấn đề mà bản thân cảm thấy tâm đắc.

1- Tạp chí Cộng sản chiến đấu trên mặt trận tư tưởng

Các thế lực thù địch, phản động đã tấn công trực diện, tổng lực với cường độ mạnh vào nền tảng tư tưởng của Đảng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Họ tấn công trên ba phương diện chính: Phủ nhận thành tựu cách mạng; phủ nhận và bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Khi phủ nhận thành quả cách mạng, họ sử dụng thủ đoạn khoét sâu khuyết điểm, sai lầm, bôi nhọ quá khứ; xuyên tạc lịch sử; kích động tâm lý bất mãn, gây mất niềm tin với Đảng, với chế độ; gieo rắc hoài nghi về con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Tuy cách thể hiện có khác nhau (người thì tinh vi, khôn khéo, tỏ vẻ khoa học; kẻ thì thô bạo, hung hăng, trắng trợn...) nhưng tất cả đều giống nhau ở sự phủ định sạch trơn, phê phán, chỉ trích cực đoan, cay độc và thâm thù; cố tình không nhìn nhận những thành tựu vĩ đại của Đảng và của dân tộc ta.

Khi phủ nhận và bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, họ kêu gọi đừng tin vào chủ nghĩa ấy, vì nó đã quá cũ kỹ, lỗi thời. Họ nói, so với thế kỷ XIX, nhất là vào thập niên 80 của thế kỷ XX, khoa học đã có bước tiến dài về phía trước, do đó, không có lý do gì để tin vào các học thuyết đã ra đời từ lâu, đã lùi vào dĩ vãng (ám chỉ học thuyết Mác ra đời vào giữa thế kỷ XIX và được V.I. Lê-nin phát triển vào đầu thế kỷ XX). Rồi họ “khuyên” chúng ta phải suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình, cái đầu của dân tộc mình tại thời kỳ mà mình đang sống, chứ không phải suy nghĩ bằng cái đầu của người đã chết cách đây năm sáu chục năm (ám chỉ V.I. Lê-nin), thậm chí những cái đầu đã chết hàng trăm năm (ám chỉ C. Mác và Ph. Ăng-ghen). Khi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, họ cường điệu những sai sót, tô đậm những khuyết, nhược điểm, mà những khuyết, nhược điểm đó, họ quy cho là có nguồn gốc sâu xa từ những học thuyết đã cũ, đã lỗi thời; rồi họ kêu gọi phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có dân chủ ...

Vạch rõ chân tướng, mưu đồ của những quan điểm thù địch, phản động nói trên, Tạp chí Cộng sản có hàng loạt tác phẩm với thái độ điềm tĩnh nhưng nội dung vô cùng sắc bén, có cơ sở thực tiễn vững chắc, có lý lẽ khoa học chặt chẽ, nên đã thuyết phục được lòng người. Ví dụ, trước khi chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Tạp chí Cộng sản có các bài viết; “Mấy vấn đề đổi mới tư duy” của đồng chí Đào Duy Tùng; “Chủ nghĩa Mác sáng tạo - ngọn nguồn và cơ sở của lịch sử đổi mới có tính cách mạng” của tác giả Nguyễn Đức Bình; các bài xã luận “Vận dụng đúng đắn tư tưởng của V.I. Lê-nin về mô hình chủ nghĩa xã hội”; “Chủ nghĩa Lê-nin, ngọn đuốc soi đường của Việt Nam và các dân tộc phương Đông”... Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Tạp chí có các bài viết: “Không có chuyện chủ nghĩa Mác - Lê-nin sụp đổ hay lỗi thời” (tác giả Nguyễn Đức Bình); “Vì sao Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin” (tác giả Nguyễn Phú Trọng)...

Chắc nhiều người còn nhớ những phân tích của đồng chí Đào Duy Tùng phản bác lại ý kiến cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã cũ, đã lỗi thời, và chúng ta phải suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình chứ không phải bằng cái đầu của người đã chết từ lâu. Đồng chí khẳng định, tất cả các kiến thức đúng đắn của nhân loại, dù chúng được sáng tạo ra từ thời kỳ nào, thì loài người vẫn đang sử dụng cùng với những hiểu biết mới nhất của ngày hôm nay. Hình học Ơ-clít có từ trước công nguyên mà nay vẫn được sử dụng cùng với các hình học phi Ơ-clít khác. Không ai lại nói là phải vứt bỏ định luật Ác-si-mét, định luật Niu-tơn chỉ vì các ông ấy khám phá ra nó đã quá lâu rồi... Lịch sử phát triển tư duy, trí tuệ của loài người đã cho chúng ta thấy, có những cái đầu vĩ đại, cách xa chúng ta cả nghìn năm, mà tư tưởng của họ vẫn mãi mãi cổ vũ cho sự suy nghĩ của các thế hệ tiếp sau. Đồng thời, cũng có những cái đầu đang sống nhưng tầm thường, sai lạc, không đóng góp được gì cho sự tiến bộ xã hội. Tuyệt nhiên, không có cái đầu nào đoạn tuyệt với quá khứ, với lịch sử phát triển của trí tuệ và bắt đầu từ số không (0) mà trở thành vĩ đại được cả...

Hay trong tác phẩm “Có phải chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời?”, GS, TS. Lê Hữu Nghĩa đã viết, sau sự kiện các chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, kẻ thù của chủ nghĩa Mác - Lê-nin lớn tiếng nói rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về “chủ nghĩa xã hội khoa học” đã sụp đổ hoàn toàn. Họ hân hoan nói về sự vĩnh cửu của xã hội tư bản. Chúng ta trả lời rằng, những ai coi chủ nghĩa tư bản là xã hội tận cùng của nhân loại như Phu-cu-y-a-ma chỉ là ảo tưởng. Chúng ta khẳng định: Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội...

Từng vấn đề, với những lập luận đanh thép như vậy, Tạp chí Cộng sản đã góp phần quan trọng, tích cực giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ và niềm tin đó vẫn bền vững như ngày nay.

Một số chương trình, sự kiện, giải báo chí do Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức_Infographic: Trung Duy

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi cũng muốn đề cập đến sức mạnh lớn lao của báo chí. Báo chí có sức mạnh mãnh liệt, bởi vậy, ai nắm được báo chí, người đó sẽ có lợi thế lớn trên mặt trận đấu tranh tư tưởng. Tạp chí Cộng sản đã có những bài vừa nói lên sức mạnh của báo chí, vừa góp phần luận giải một thảm kịch chính trị: Vì sao Liên bang Xô-viết - một quốc gia thống nhất đã từng tồn tại và phát triển hùng cường suốt ba phần tư thế kỷ lại tan vỡ trong “chốc lát”, không phương cứu chữa? Tác giả của bài viết “Báo chí Liên Xô và những đảo lộn chính trị năm 1991” đã viết: “Ở đâu đó, người ta vẫn còn tuyên bố là Đảng Cộng sản Liên Xô lãnh đạo báo chí. Nhưng trên thực tế, báo chí đã tuột khỏi tay Đảng, trở thành quá khích, phục vụ cho những mưu đồ chính trị không thuộc về Đảng”. Để có “kết luận” này, tác giả đã lược lại một loạt hoạt động của báo chí Liên Xô: đi từ những vụ án oan khiên đến “đào bới” lịch sử; dẫn dắt công luận đi từ những nhân vật chính trị “non kém”ở những thời kỳ trước đến những “sản phẩm con người” do chính họ đào tạo và trở thành những người lãnh đạo đương thời. Theo tác giả, hoạt động tung hứng của báo chí Liên Xô và báo chí Mỹ thời đó đã vẽ nên một xã hội thời Xô-viết tối tăm, đầy bất công, một tương lai mù mịt với những nhân vật chính trị “xấu xa, bất tài”, nghĩa là báo chí dẫn dắt công luận đi đến một suy nghĩ tột cùng cực đoan là phải hạ bệ lãnh đạo và lật đổ chế độ đương thời (xã hội chủ nghĩa)...

Từ lâu, đối với Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động cũng triệt để sử dụng những thủ đoạn xảo quyệt nói trên để chống phá cách mạng nước ta, chống phá Đảng và Nhà nước ta. PGS, TS. Lê Văn Cương đã nhấn mạnh trong bài viết “Nhiệm vụ cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay”: Toàn bộ các hoạt động của các thế lực thù địch đều hướng vào mục tiêu là làm cho đại đa số nhân dân Việt Nam nghi ngờ thành quả cách mạng trong quá khứ, nhìn vào thực tại xã hội chỉ thấy tiêu cực, bất ổn, nhìn về tương lai cảm thấy mờ mịt, từ đó suy giảm, thậm chí mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, dẫn đến hình thành tâm lý xã hội bất ổn, bất bình, mong muốn và trông chờ có sự thay đổi chính trị...

Chính vì vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác, tiếp tục đấu tranh đập tan mọi mưu đồ thâm độc và xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động, mà Tạp chí Cộng sản là một trong những công cụ có sức mạnh, sắc bén, hữu hiệu, góp phần đắc lực hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ cao cả này.

2- Tạp chí Cộng sản góp phần xây dựng và hoàn thiện lý luận trong quá trình đổi mới đất nước

Xây dựng và hoàn thiện lý luận trong quá trình đổi mới là vấn đề rộng lớn. Là người làm việc tương đối dài ngày trong lĩnh vực các vấn đề xã hội, nên xin được đề cập đôi điều về lĩnh vực này. Những năm đầu của công cuộc đổi mới, trong điều kiện nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau chiến tranh, vẫn trong tình trạng kém phát triển, hiệu quả thấp, các vấn đề xã hội còn ngổn ngang, có nơi, có lúc xuất hiện và phát triển nhiều vấn đề phức tạp, như các tệ nạn xã hội, các vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, không ít ý kiến cho rằng, cứ ưu tiên, dốc sức phát triển kinh tế cho mạnh giàu lên, khi đã mạnh - giàu thì đương nhiên các vấn đề xã hội sẽ được giải quyết theo. Nhưng thực tế không hoàn toàn như thế (ngay cả những nước giàu có nhất thế giới, đâu đã giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thậm chí nhiều vấn đề còn diễn biến phức tạp, trầm trọng hơn). Đại hội VI và VII của Đảng đã thảo luận rất sâu sắc về vấn đề này. Trên Tạp chí Cộng sản cũng đã có hàng loạt bài viết về vấn đề này, như: “Quan hệ kinh tế với văn hóa” (Tổng thuật Tọa đàm); “Con người - Vấn đề trung tâm của chính sách xã hội”; “Sự phân hóa giàu nghèo ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long”; “Đời sống và việc làm của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta” (điều tra); “Những giải pháp tăng cường nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo” (tường thuật Hội thảo khoa học và thực tiễn); “Phát triển con người, tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở nước ta”; “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện chính sách xã hội trong phát triển bền vững - những giải pháp chủ yếu đối với Việt Nam”... Các bài viết này đều toát lên quan điểm chung nhất là, không thể tách bạch kinh tế và xã hội thành các vấn đề riêng rẽ để giải quyết, mà phát triển kinh tế phải đi đôi với xử lý các vấn đề xã hội và xử lý các vấn đề xã hội phải đi liền với phát triển kinh tế. GS, TS. Đỗ Thế Tùng cũng đã kết luận trong bài viết của mình rằng, tăng trưởng kinh tế là động lực cơ bản thúc đẩy phát triển, là nhân tố quan trọng hàng đầu và điều kiện vật chất để giải quyết các vấn đề xã hội. Và các chính sách xã hội phù hợp là công cụ để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Quan điểm đúng đắn đó đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa VII chỉ rõ: “Nói như vậy không có nghĩa là tăng trưởng kinh tế tự nó sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội, càng không có nghĩa là phải hy sinh tất cả cho tăng trưởng, chờ đến lúc kinh tế phát triển cao mới quan tâm đến những vấn đề xã hội”(1). Và Hội nghị cũng đã nghiêm khắc phê phán: “Nhiều vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay không phải chỉ do kinh tế kém phát triển, mà còn do chúng ta buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chưa quan tâm đúng mức đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, chưa chú trọng kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội”(2).

Các quan điểm trên tiếp tục được khẳng định trong các văn kiện từ Đại hội VIII đến Đại hội X của Đảng.

Trong nhiệm kỳ khóa X, Đảng ta đã tổng kết “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006)”, trong đó các vấn đề xã hội cũng đã được nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn, nâng lên một tầm về lý luận, cụ thể là: Gắn kết chặt chẽ kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. Báo cáo tổng kết giải thích, chính đây là đặc trưng cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường của nước ta, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội ta. Phát triển xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng đòi hỏi phải có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững. Chỉ có một nền kinh tế như thế  mới có khả năng huy động các nguồn lực vật chất to lớn cho việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Ngược lại, không thể có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững, nếu xã hội không có sự công bằng nhất định, đa số dân chúng nghèo khổ, trí tuệ thấp kém, ốm yếu về thể chất, người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói, bị đẩy ra ngoài lề xã hội.

Phát triển xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng phải được tiến hành ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển kinh tế. Không chờ đến khi đất nước đạt tới trình độ phát triển kinh tế cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không thể “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần vì lợi ích của một nhóm thiểu số. Muốn vậy, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách phát triển xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - dù trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hay lâu dài.

Những tổng kết nâng tầm lý luận trên đây đã được thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội XI và XII của Đảng; Nhà nước đã luật pháp hóa, cụ thể hóa thành các chương trình mục tiêu để chỉ đạo thực hiện trong thực tế, đem lại nhiều kết quả to lớn như ngày nay... Với nhiều bài viết có chất lượng cao, Tạp chí Cộng sản đã có đóng góp lớn trong việc xác lập các quan điểm và góp phần hình thành đường lối đúng đắn, chuẩn xác của Đảng ta về giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Ngay lúc này đại dịch Covid-19 đang thử thách khắc nghiệt, “kiểm nghiệm” tính chất và chất lượng chính sách xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Lịch sử và thực tiễn đều cho thấy, không có bất kỳ nước nào không phấn đấu tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng nhanh và có độ bền vững cao càng tốt. Nhưng giải quyết các vấn đề xã hội (cho con người và vì con người) thì không phải nước nào cũng có chủ trương nhất quán như nhau. Qua phòng, chống đại dịch Covid-19 thì thế giới mới “rõ mặt anh tài”. Một số nước ban đầu chủ trưởng bảo vệ tăng trưởng kinh tế hơn là bảo vệ con người; có những nước lại chủ trương cứu lấy thế hệ trẻ, bỏ mặc người già, và nhiều quan điểm khác lạ khác...! Còn ở nước ta, trên cơ sở đường lối xử lý các vấn đề xã hội đã được định hình, ngay từ khi thế giới còn đang bàn thảo tên gọi bệnh dịch (sau này mới thống nhất tên gọi là Covid-19), thì Đảng và Nhà nước ta đã đi trước một bước và công bố: Sức khỏe con người là trước hết và trên hết; tạm thời hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ tính mạng con người trong dài hạn (lâu dài). Chúng ta đã và đang hành động như thế. Chưa bao giờ các câu nói “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”... lại hiện hữu và rõ nghĩa như bây giờ. Chưa bao giờ người dân lại nhận biết một cách trực giác, cụ thể “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” như lúc này, khi Nhà nước lo cho nhân dân đầy đủ nhu yếu phẩm, hàng hóa tiêu dùng trong thời gian chống dịch bệnh. Chính quyền mang đến từng nhà bao gạo, cân thịt, “con cá, lá rau” khi người dân phải thực hiện cách ly. Nhà nước chữa trị tới cùng cho tất cả các bệnh nhân, không phân biệt người Việt hay người nước ngoài... Đúng là chỉ có những sự kiện tác động dữ dội đến toàn thể loài người trên toàn thế giới, không phân biệt châu lục, địa bàn; không phân biệt trình độ công nghệ, quy mô nền sản xuất; không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, màu da, giới tính... thì mới biết rõ thể chế chính trị nào ưu việt hơn thể chế chính trị nào. Thế giới nhìn nhận đúng đắn và ca ngợi Đảng, Nhà nước và tấm lòng người dân nước Việt một cách chân thành từ đáy lòng (chứ không phải ngoại giao). Đường lối chuẩn xác, cách xử lý đúng đắn các vấn đề xã hội có tác động to lớn và sâu sắc là như thế./.

------------------------

(1), (2) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 53, tr. 108-109
(3) Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 159