Hưởng ứng Nghị quyết số 68-NQ/TW, Tập đoàn Đèo Cả đưa 2 kiến nghị và 5 giải pháp để kinh tế tư nhân bứt phá
TCCS - Kể từ khi Nghị quyết 68/NQ-TW của Bộ Chính trị được ban hành, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nhân, doanh nghiệp mong muốn văn kiện này sớm được hiện thực hóa trong đời sống nhằm khởi thông “điểm nghẽn” thể chế, tạo động lực để kinh tế tư nhân vươn mình.
Đưa doanh nghiệp tư nhân về vị trí xứng đáng
Phát biểu tại tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”, ngày 13-5-2025, Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức, PGS, TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã thể hiện nhận thức và khẳng định rõ ràng của Đảng về vai trò thiết yếu của kinh tế tư nhân trong thời đại mới. Thực tế cho thấy, vẫn tồn tại nhiều ý kiến chưa hiểu chính xác về vai trò tích cực của kinh tế tư nhân, khiến cho quá trình phát triển gặp lực cản vô hình. "Cần có cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi cung ứng, phát triển mô hình liên kết sản xuất theo kiểu hình chóp như tại Đức, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ nhau trong chuỗi giá trị", PGS, TS Trần Quốc Toản đề xuất.

Chia sẻ về vai trò của Nghị quyết số 68-NQ/TW, TS Bùi Thanh Minh, đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng, đây không phải là câu chuyện ưu tiên khu vực tư nhân, mà là vấn đề về luật chơi – khu vực này cần được tự do và bình đẳng để làm tốt công việc của mình. “Đã đến lúc cần trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà họ xứng đáng được hưởng trong nền kinh tế”, TS Bùi Thanh Minh nhấn mạnh.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, nhận định Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là thông điệp chính trị mạnh mẽ, giúp tháo gỡ những định kiến lâu nay về doanh nghiệp tư nhân, đó là động lực cho doanh nhân - những “chiến sĩ thời bình” trên mặt trận kinh tế và khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm của cộng đồng kinh tế tư nhân.
“Nghị quyết 68 là cơ sở giải quyết những bất cập tồn tại cũ, xác lập công việc hiện tại phải làm và góp phần kiến tạo tương lai của dân tộc”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, nhận định.
Nghị quyết này cũng thể hiện sự thấu hiểu của Bộ Chính trị đối với những trăn trở của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững, từ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mở rộng hợp tác quốc tế.
“Doanh nghiệp muốn làm tốt bất kỳ việc gì, muốn phát triển bền vững thì trước hết phải có một điểm tựa. Archimedes từng nói : "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả quả đất lên". Với doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi, điểm tựa ấy chính là Nghị quyết số 68-NQ/TW”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.
Cũng theo Chủ tịch Đèo Cả, Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh cần tháo gỡ các rào cản thể chế - những vướng mắc tồn tại nhiều năm. Ví dụ như cam kết của Nhà nước về tháo gỡ vướng mắc kéo dài của các dự án BOT, hay cam kết của doanh nghiệp về thực hiện các dự án đầu tư không bảo đảm dẫn đến nhiều dự án trở thành “quy hoạch treo”.
Bên cạnh niềm tin vào Đảng và "cánh cửa cơ hội" mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đã mở ra đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cũng chỉ ra những thách thức trước mắt trong việc triển khai hiệu quả văn kiện, bao gồm cả việc tự khắc phục những hạn chế nội tại. "Mọi cơ chế ưu đãi được ban hành không nhằm tạo lập “luật riêng” cho cá nhân hay nhóm lợi ích nào, mà để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tận tâm, tận lực và tận hiến, gắn kết vì mục tiêu phát triển bền vững chung", ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ.
Hai kiến nghị, năm giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân
Sau gần 40 năm đổi mới, hệ thống hạ tầng giao thông của đất nước đã có những bước tiến đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Nhiều năm qua, hàng loạt dự án trọng điểm trong nước đã không còn phụ thuộc vào vốn ngân sách nhà nước hay vốn, công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, nhiều công trình, dự án hạ tầng giao thông được Tập đoàn Đèo Cả triển khai hiệu quả dựa trên 3 trụ cột: ứng dụng công nghệ, liên kết tài chính, đào tạo nhân lực.
Lấy dẫn chứng về dự án hầm Đèo Cả, doanh nghiệp này ban đầu đã tiếp cận chuyên gia nước ngoài nhằm từng bước làm chủ công nghệ đào hầm xuyên núi, từ đó sáng tạo ra phương pháp đào hầm riêng, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian thi công.

Khi triển khai các dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Đèo Cả áp dụng mô hình PPP++ nhằm huy động nguồn lực tài chính, năng lực thi công của các doanh nghiệp trong nước. Từ đó giúp kiểm soát chi phí, chất lượng công trình, tối ưu hiệu quả đầu tư tư cho dịch vụ công.
Nhằm chuẩn bị tốt cho các dự án hạ tầng chiến lược, Đèo Cả đã hoạch định và đầu tư cho nguồn nhân lực kế cận, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo trong nước và quốc tế, lấy công trường làm thao trường, xây dựng các trung tâm đào tạo - huấn luyện - thực hành, vừa bổ sung nhân lực thi công dự án, vừa tạo môi trường để sinh viên, học viên các trường được nâng cao năng lực thực chiến.
Trong bối cảnh dư địa phát triển hạ tầng giao thông của đất nước vô cùng lớn, với hàng loạt dự án đường bộ và đường sắt sắp được triển khai, Đèo Cả hướng tới việc hình thành các tổ hợp nhà đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp, trở thành nhà tổ chức, kiến tạo nên hệ sinh thái bền vững.
Hưởng ứng tinh thần sôi nổi trong cộng đồng doanh nghiệp kể từ sau sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra hai kiến nghị.
Thứ nhất, cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW. Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào thực tiễn, các cơ quan liên quan cần khẩn trương rà soát, từ đó sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá các nội dung trong văn kiện, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các địa phương, doanh nghiệp thuận lợi triển khai.
Thứ hai, các cơ quan chức năng chủ động triển khai, áp dụng ngay những nội dung đã rõ trong Nghị quyết số 68-NQ/TW vào công tác chỉ đạo, điều hành, nhằm tận dụng hiệu quả chính sách, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để cộng đồng doanh nghiệp phát triển lành mạnh, minh bạch và cùng nhau đóng góp vào sự phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW, Tập đoàn Đèo Cả cũng đề xuất một số phương pháp và khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp.
Một là, xây dựng doanh nghiệp văn hóa đại diện cho lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp, nơi các ý kiến được đưa ra đều hướng tới mục đích chung. Trong trường hợp có ý kiến phản biện, thì phản biện đó cũng mang tính xây dựng; đồng thời, giữa các doanh nghiệp có sự cạnh tranh lành mạnh (để qua công việc phát sinh ra quan hệ).
Hai là, cộng đồng doanh nghiệp phải hoạt động theo cam kết lời nói đi đôi với việc làm. Các doanh nhân cần có tư duy dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên, nhưng cũng nhìn về lợi ích phù hợp của mình để làm động lực phát triển.
Ba là, doanh nghiệp cần kiên định với chiến lược kinh doanh, cần nắm bắt xu hướng nhu cầu của đất nước để hoạch định phương hướng phát triển. Nếu muốn mở rộng quy mô - phát sinh lợi nhuận thì phải từ mối liên kết cộng sinh các hệ sinh thái “Con đường vàng tạo ra giá trị vàng” và “Biến dòng người thành dòng tiền”.
Bốn là, doanh nghiệp tư nhân cần thay đổi tư duy “quản trị”. Các doanh nghiệp hiện nay nên coi trọng thái độ nhân sự hơn trình độ, chọn lọc nhân sự để sử dụng và đào tạo để trọng dụng. Chủ động nhìn nhận điểm yếu về năng suất lao động của doanh nghiệp hiện nay để ứng dụng công nghệ trong quản trị, tăng cường tổ chức đào tạo nhân lực thực hành.
Năm là, lấy bài học tối ưu chi phí, giảm thiểu nhân lực của Nhà nước đã làm để tăng năng suất - tăng thu nhập cho người lao động thông qua việc tinh gọn bộ máy, phân công lao động, đánh giá hiệu quả công việc.
Là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, Tập đoàn Đèo Cả “luôn xác định muốn thông đường thực địa phải thông đường trách nhiệm”. Ông Hồ Minh Hoàng bày tỏ: “Doanh nghiệp mong mỏi có được những con đường tâm huyết dưới ngọn đuốc soi đường của Đảng. Nếu chúng ta cùng nhau thấu hiểu và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW, sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho kinh tế tư nhân, đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình”./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khẩn trương đưa nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống (08/05/2025)
- Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Một số điểm nghẽn chính sách trong phát triển mô hình kinh tế bao trùm ở Việt Nam: Nhìn từ thực tế vùng và hoạt động của doanh nghiệp
- Con đường trỗi dậy kinh tế của Hàn Quốc - một số vấn đề gợi mở từ phương diện chính sách
- Giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, góp phần xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới
- Phong cách nêu gương Hồ Chí Minh - Sức lan tỏa trong thực hiện quy định nêu gương của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị hiện nay
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý