TCCS - Năm 2019 khép lại với nhiều biến động. Bước sang năm 2020 “hứa hẹn” những biến số khó lường trong đời sống chính trị thế giới.

 

“Bão trong lòng biển”

Bất chấp những căng thẳng không ngừng gia tăng ở khu vực Trung Đông, tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) đã được Nghị viện châu Âu thông qua, những đám cháy rừng lan rộng từ Brazil đến Australia,… song cơn “bão thương chiến” giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn được đề cập liên tục trên các trang báo lớn thế giới trong năm 2019, được coi là hiện tượng kinh tế - chính trị nổi bật trong năm qua. Câu hỏi đặt ra là trong năm 2020, “cơn bão” này sẽ tăng cấp hay hạ cấp, hướng đi của nó sẽ ra sao và quan trọng hơn, sẽ có sức ảnh hưởng như thế nào đối với cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như các khu vực trên thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc tại Washington DC, ngày 15-1-2020 _Nguồn: THX/TTXVN

Những tuyên bố của Tổng thống D. Trump về một chiến thắng “nhanh gọn” khi khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã không thành sự thật. Nền kinh tế Trung Quốc, nhất là các tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, đã phải lao đao trước những đòn tấn công toàn diện của Washington, từ áp thuế quan đến ngăn cản sự tiếp cận công nghệ của các công ty Mỹ, tuy nhiên những tập đoàn này vẫn đứng vững. Như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định: “Nền kinh tế Trung Quốc là biển cả, không phải cái ao. Một cơn bão có thể hủy hoại một cái ao nhỏ, nhưng không thể làm tổn thương biển cả. Sau hàng loạt cơn bão, biển vẫn nằm đó”. Nói cách khác, “cơn bão thương chiến” do Mỹ phát động đã diễn ra trong lòng biển!

Bởi vậy trong năm 2020, cơn “bão thương chiến” vẫn tiếp tục nổi lên, nhưng có thể với những cấp độ khác. Trên thực tế, không thể dễ dàng “đánh quỵ” nền kinh tế Trung Quốc bằng phương thức áp thuế trực diện, Tổng thống D. Trump có thể sẽ lựa chọn các hướng tấn công khác, tùy thuộc vào diễn biến của những kết quả thăm dò, phân tích về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào dịp cuối năm.

Cuộc chiến thương mại sẽ chuyển sang cuộc chiến công nghệ với mục tiêu tiếp tục là các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Một mặt, vì đây là ưu thế vượt trội của Mỹ so với Trung Quốc; mặt khác, cuộc chiến công nghệ được đánh giá sẽ ít có ảnh hưởng đến số đông cử tri, bởi nếu tiếp tục cuộc chiến thương mại sẽ dẫn tới những hệ lụy về xuất nhập khẩu nông sản hay thực phẩm và tất yếu sẽ ảnh hưởng đến “túi tiền”, cũng như tâm lý của những người sẽ cầm lá phiếu bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2020.

Lịch sử cho thấy, kết quả của các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ phần lớn được quyết định ở những bang “chiến địa”, nơi cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa giành giật cử tri. Cuộc bầu cử tổng thống là sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của nước Mỹ trong năm 2020 và Tổng thống D. Trump sẽ không mạo hiểm đánh mất đi những lợi thế đang có của mình, như thị trường chứng khoán tăng điểm kỷ lục trong lịch sử, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ năm 1989 và tạo ra thêm hàng trăm nghìn công ăn việc làm... Ở cương vị có thể quyết định chiều hướng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Tổng thống D. Trump chắc chắn sẽ lèo lái để thương chiến Mỹ - Trung Quốc diễn biến sao cho có lợi nhất trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Ở chiều ngược lại, chiến lược đối phó với Mỹ trong năm 2020 của Bắc Kinh sẽ dựa chủ yếu vào tính chất nhiệm kỳ của nền chính trị Mỹ, hay nói đúng hơn là sử dụng thương chiến như một con bài để tác động vào kết quả bầu cử Mỹ. Chỉ cần một thông tin trên trang mạng twitter của Tổng thống D. Trump về việc sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc vào đầu năm 2020 đã làm cho chỉ số chứng khoán của Mỹ tăng vọt, vì vậy Bắc Kinh sẽ không sử dụng những thỏa thuận kinh tế tạm thời với Washington như là đòn bẩy để đạt được lợi ích về chính trị.

Nếu Mỹ tiếp tục gây chiến, ngoài việc dựa vào sức mạnh quy mô kinh tế để chống chọi, Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục trả đũa có lựa chọn sao cho có thể gây áp lực lớn nhất có thể đến cuộc bầu cử, buộc ông chủ Nhà Trắng phải cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra đòn đáp trả, trong khi Trung Quốc sẽ không chấp nhận thỏa hiệp trong những vấn đề nguyên tắc.

“Năm bão lửa” ở Trung Đông

Cũng trong những ngày đầu năm 2020, vẫn là một quyết định của Tổng thống Mỹ D. Trump đã tạo ra tiền đề không khó đoán định về những gì xảy ra trong một năm sắp tới, với một vụ không kích bằng tên lửa từ máy bay không người lái, Mỹ đã ám sát Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tổ chức bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.

Người dân ở Tehran (Iran) xuống đường phản đối hành động ám sát tướng Qassem Soleimani do Mỹ thực hiện _Nguồn: bostonglobe.com/BLOOMBERG

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tiến hành chiến dịch kiểu như vậy đối với những nhân vật mà nước Mỹ coi là kẻ thù nguy hiểm. Nhưng quyết định tiêu diệt Thủ lĩnh Bin Laden của tổ chức khủng bố al-Qaeda hay Abu Bakr al-Baghdadi, Thủ lĩnh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, những tên trùm khủng bố sống lẩn lút ngoài vòng pháp luật và bị truy tìm ở khắp nơi trên thế giới là một chuyện; còn Tướng Qassem Soleimani là chỉ huy lực lượng vũ trang của một quốc gia có chủ quyền. Không những thế, ông Qassem Soleimani được coi là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn thứ hai ở Iran, chỉ sau Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Do vậy, điều hiển nhiên là Iran sẽ tìm cách đáp trả động thái trên của Mỹ. Lần đầu tiên kể từ thời Trung Cổ, “lá cờ máu” - thông điệp báo thù - đã được treo trên nóc thánh đường Jamkaran ở thành phố Qom, thánh địa linh thiêng nhất đối với người Hồi giáo dòng Shiite. Nếu như hành động ám sát Tướng Qassem Soleimani được coi như một “lời tuyên chiến” của Tổng thống D. Trump thì việc “lá cờ máu” lần đầu tiên xuất hiện kể từ ngày Iran lập quốc, được coi là lời tuyên chiến của Tehran với Mỹ.

Do vậy, khu vực Trung Đông trong năm 2020 sẽ là một trong những điểm nóng nhất trên thế giới. Tuy vậy, mặc dù cả Mỹ và Iran đều tuyên bố sẽ đáp trả lẫn nhau nhưng cả Tehran lẫn Washington đều không muốn bị sa vào một cuộc đối đầu trực tiếp. Đối với Mỹ là bởi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm, còn phía Iran hiểu rằng một cuộc chiến tranh trực tiếp với Mỹ sẽ là điều cần tính đến khi thiệt hại được đánh giá là nghiêm trọng.

Bởi vậy, những hành động trả đũa trong năm 2020, nếu có, nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra trên những lãnh thổ “ủy nhiệm”. Các cơ sở quân sự của Mỹ và Israel cùng các đồng minh ở khu vực Trung Đông, các nhân viên quân sự và không loại trừ cả người dân Mỹ, hệ thống mạng... đều có thể là những mục tiêu của các hành động trả đũa do các lực lượng “cảm tình” với Iran tiến hành.

Hình thức “báo thù ủy nhiệm” như vậy sẽ hạn chế tối đa khả năng kích hoạt một cuộc tấn công tổng lực quân sự của Mỹ nhằm trực tiếp vào Iran. Toàn bộ khu vực Trung Đông trong năm 2020 sẽ tiếp tục là một lò lửa “nóng rực” mà bất cứ một tính toán sai lầm nào cũng có thể đẩy toàn vùng vào thảm họa của những cuộc chiến tranh tàn khốc, khi mà những phương tiện chiến đấu cực kỳ nguy hiểm, kể cả vũ khí hạt nhân (của Israel), có thể được đem ra sử dụng như một trong những công cụ để giành chiến thắng.

Đông Bắc Á - Đông Nam Á khó đoán định

Một trong những điều khó đoán định chính là tình hình an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, cụ thể là tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ ba bên Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc còn nhiều vấn đề chưa thể thỏa thuận. Chính sách “ngoại giao thượng đỉnh” của Tổng thống D. Trump với việc liên tiếp tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jon-un dường như đã thất bại. Sự thiếu nhất quán, lảng tránh (hoặc cứng nhắc) đối với những vấn đề cốt lõi trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa tất yếu dẫn đến thế bế tắc, không thể khai thông trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên. Năm 2020 được dự báo sẽ là một năm đầy sóng gió trong quan hệ hai nước.

Cuối cùng thì Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ là khu vực ẩn chứa nhiều biến số mà một trong số đó là những hoạt động bồi đắp, xâm lấn các cấu trúc tranh chấp trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc cần nâng tầm quan hệ với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lên một tầm mức mới, song trên thực tế lại gây ra những quan ngại ngày càng lớn hơn với các nước láng giềng. Đoàn kết, đồng thuận trong khuôn khổ ASEAN sẽ là yếu tố quyết định để hạn chế những tác động ngược chiều từ toan tính của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Tiến trình này phụ thuộc rất nhiều vào sự linh hoạt, khéo léo, mềm dẻo nhưng kiên định của nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020: Việt Nam./.