Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

NGUYễN HạNH PHÚC
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

09:57, ngày 26-12-2019

TCCS - Để tận dụng được những thời cơ và vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong tình hình mới, trong đó có Đảng đoàn Quốc hội - tổ chức đảng được Bộ Chính trị thành lập và có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Quốc hội thực hiện đúng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định và kết luận của Đảng.

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V. Matvienko tiếp đón đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga _Ảnh: TTXVN

Đảng đoàn Quốc hội phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân

Dựa trên quy định của Hiến pháp và pháp luật có thể thấy rằng, Quốc hội có chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng và bao trùm lên toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua hoạt động của mình, Quốc hội xem xét, cho ý kiến và ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật để sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống. Để bảo đảm việc lãnh đạo các hoạt động của cơ quan lập pháp theo hiến định, từ năm 1992, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định thành lập Đảng đoàn Quốc hội - tổ chức đảng có tính đặc thù, phù hợp với tính chất hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội là tổ chức đảng trực thuộc Bộ Chính trị; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các quyết định của mình. Đảng đoàn Quốc hội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số.

Trải qua các nhiệm kỳ Quốc hội, đến nay cơ cấu tổ chức của Đảng đoàn Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) gồm 18 đồng chí, trong đó có 2 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị (đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội giữ chức Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giữ chức Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội); 16 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội có chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo hoạt động lập hiến, lập pháp; xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động giám sát; lãnh đạo việc quyết định tổ chức bộ máy nhà nước; công tác bầu cử và công tác nhân sự; tổ chức và hoạt động của Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổ đảng Đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội.

Cùng với quá trình đổi mới của cả hệ thống chính trị theo đường lối của Đảng, mô hình và tổ chức hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội thời gian qua đã có nhiều thay đổi tích cực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Việc đổi mới về mô hình và tổ chức hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội đã tác động tích cực đến hoạt động của Quốc hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện qua một số kết quả chủ yếu sau:

Thứ nhất, Đảng đoàn Quốc hội phát huy vai trò trong việc xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng và lãnh đạo Quốc hội sớm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước trong tình hình mới.

Đảng đoàn Quốc hội luôn phát huy tính tích cực, chủ động đề xuất các nội dung, các sáng kiến xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng; tổ chức tham gia ý kiến bằng các hình thức khác nhau thông qua đóng góp ý kiến bằng văn bản hoặc các buổi làm việc với Ban soạn thảo Đề án xây dựng các nghị quyết, kết luận, thông báo của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; chủ động, kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được xác định trong các Nghị quyết của Trung ương (từ đầu năm 2018 đến nay, Đảng đoàn Quốc hội ban hành 11 kế hoạch; hơn 100 văn bản góp ý kiến về công tác xây dựng Đảng, tổ chức cán bộ, kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, đối ngoại...). Các kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội có sự phân công rõ ràng về nhiệm vụ và tiến độ thực hiện đối với từng cơ quan của Quốc hội, qua đó nêu cao ý thức trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhất là việc thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hoạt động lập hiến, lập pháp có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng và số lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua (trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016), Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013, 107 dự án luật, 10 dự án pháp lệnh; Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021), từ kỳ họp thứ nhất đến kỳ họp thứ bảy, đã xem xét, thông qua 44 dự án luật). Công tác lập pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến và đổi mới tích cực về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng nâng cao tính chủ động và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Bên cạnh đó, nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, cấp bách đã được Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, bao quát, toàn diện, đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Đối với các vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận, Đảng đoàn Quốc hội báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo các tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban, Tổ đảng Đoàn đại biểu Quốc hội để tạo sự đồng thuận cao. Với cơ chế này, Đảng vừa lắng nghe được ý kiến của nhân dân, vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

Nhiều vấn đề quan trọng có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, trong đó có những vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm, lần đầu được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, tạo bước đột phá trong hoạt động lập pháp, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, của cả nước nói chung. Điển hình như Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm và hằng năm; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh,... được thảo luận công khai, dân chủ, bảo đảm sự thống nhất, qua đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân.

Hoạt động giám sát tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới, tập trung vào các vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cả về thời gian và phương thức; tăng cường các phiên giải trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tính tranh luận được thể hiện rõ, có chiều sâu. Sau các phiên chất vấn, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về chất vấn, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập, thời hạn khắc phục,... Kết quả là đã đạt được sự đồng thuận cao, tạo được các hiệu ứng tích cực trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ở các lĩnh vực được giám sát.


Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo triển khai các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương và hợp tác quốc tế thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao nghị viện, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thành công trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong những năm qua thể hiện rõ vai trò của Đảng đoàn Quốc hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các cơ quan của Quốc hội, thực hiện nghiêm túc chương trình được phê duyệt.

Thứ hai, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao công tác chính trị, tư tưởng trong từng tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Đảng đoàn Quốc hội quản lý.

Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng trong từng tổ chức đảng, đảng viên. Việc nghiên cứu, học tập các nghị quyết của Đảng đã trở thành sinh hoạt chính trị lớn và quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong công tác xây dựng Đảng tại Quốc hội; qua đó, nêu cao ý thức trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là việc thể chế hóa đúng quan điểm và định hướng về các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội thành lập tổ đảng đoàn đại biểu Quốc hội trong kỳ họp ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổ đảng gồm các đồng chí đảng viên là đại biểu Quốc hội trong đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó chỉ định đồng chí trưởng đoàn đại biểu Quốc hội giữ chức tổ trưởng tổ đảng. Đặc biệt, từ tháng 8-2015, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; chỉ định các đồng chí ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội làm tổ trưởng tổ đảng. Tổ đảng đã phát huy vai trò tích cực, góp phần quan trọng giúp Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động của Quốc hội. Mặt khác, thông qua các tổ đảng, Đảng đoàn Quốc hội cũng lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng của đại biểu Quốc hội để kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời có những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn và thể hiện sự tôn trọng đối với quá trình thảo luận, quyết định của Quốc hội, tiếp tục phát huy dân chủ trong sinh hoạt Quốc hội. Trước các kỳ họp Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội tổ chức họp với các tổ trưởng tổ đảng, các trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội, thành viên Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thống nhất về chính trị, tư tưởng đối với những vấn đề lớn, quan trọng nhằm nâng cao nhận thức đối với các vị đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị trong kỳ họp. Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội giao cho các đồng chí tổ trưởng tổ đảng gặp gỡ, trao đổi, quán triệt đối với một số đại biểu Quốc hội có phát ngôn chưa thật sự khiêm tốn, khách quan, chưa phù hợp với nhiệm vụ của đại biểu.

Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, nghe báo cáo về Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội _Ảnh: TTXVN

Thứ ba, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về tổ chức bộ máy, cán bộ, quyết định những vấn đề về tổ chức, cán bộ theo sự phân công, phân cấp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Trong các nhiệm kỳ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo thành công các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; lãnh đạo kiện toàn nhân sự ở Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng với định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo các tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016), Đảng đoàn Quốc hội đã giới thiệu được 3 đồng chí trong quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngoài ra, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo xem xét, quyết định tổ chức bộ máy nhà nước và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, thận trọng, khách quan, tuân thủ chặt chẽ quy trình; quán triệt đầy đủ, đúng đắn các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kiện toàn bộ máy tại các cơ quan Quốc hội, cơ quan Chính phủ, cơ quan tư pháp, ngoại giao và các đoàn đại biểu Quốc hội. Với sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội đã triển khai thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định về việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước; lãnh đạo xử lý những vấn đề mới, phức tạp trong công tác cán bộ, như việc xử lý cán bộ đương chức, cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm; kịp thời đề xuất các hình thức xử lý phù hợp, bảo đảm kỷ luật nghiêm minh, không gây dư luận trái chiều và nhận được sự đồng thuận cao.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương lớn của Đảng và là bước tiến rõ rệt trong đổi mới công tác đánh giá cán bộ, thể hiện tinh thần dân chủ, cầu thị và nêu cao trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng. Thực hiện chủ trương này, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021), Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục của Nghị quyết số 85/2014/QH13, ngày 28-11-2014, của Quốc hội khóa XIII, về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm sự đoàn kết và ổn định của hệ thống chính trị; phản ánh khách quan quá trình thực hiện nhiệm vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm; là cơ sở để người được lấy phiếu tín nhiệm tự đánh giá mình, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Có thể nhận thấy, những kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội là rất đáng ghi nhận và xuất phát từ đường lối đổi mới đúng đắn, tư duy sáng tạo, quyết tâm chính trị cao, nhãn quan chính trị sắc bén của Đảng, mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây chính là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng bảo đảm cho quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đi đúng hướng, hiệu quả.

Những khó khăn, hạn chế tồn tại và đề xuất giải pháp khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn sau: 1- Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên chưa sâu sắc, chưa đầy đủ về vai trò của Đảng trong lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 2- Mặc dù Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, nhưng công tác lập pháp vẫn chưa bảo đảm được chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa khắc phục được những hạn chế của những năm trước đây; vẫn phải điều chỉnh do một số dự án luật đã có trong chương trình nhưng chưa bảo đảm về nội dung, quy trình, thủ tục, thời gian theo quy định. Một số quy định của luật vẫn thiếu tính ổn định, tính khả thi, tính dự báo chưa cao hoặc còn thiếu thống nhất về quan điểm khi trình xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 3- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội đối với việc giám sát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ hóa chưa được tiến hành thường xuyên. Các kiến nghị, kết luận sau giám sát còn hạn chế; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội chưa cao; 4- Đảng đoàn Quốc hội đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị ý kiến vào các nội dung quan trọng trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp gặp khó khăn do không có nhiều thời gian chuẩn bị nội dung báo cáo, công văn tham gia ý kiến; 5- Việc thành lập các tổ đảng là mô hình mới, nên trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn về tổ chức và cơ chế hoạt động.

Dự báo trong những năm tới, tình hình trong nước và thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều xu hướng và vấn đề mới nảy sinh. Điều này đòi hỏi Đảng phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo để nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên cần bảo đảm một số yêu cầu sau: 1- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; 2- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; phải coi đổi mới phương thức lãnh đạo là một nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng; 3- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội; đẩy mạnh phân công, phân cấp, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu; 4- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là công việc hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến lợi ích cá nhân, tập thể và của toàn Đảng, do đó cần phải có quyết tâm chính trị cao, chủ động, tích cực, kiên quyết, kiên trì; đồng thời có bước đi vững chắc, có lộ trình, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội với đồng bào các dân tộc Mông _Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở yêu cầu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, cần quan tâm thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ về đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội như sau:

Một là, Đảng đoàn Quốc hội cần tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được, quán triệt, thực hiện đúng đắn các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và các nghị quyết của Trung ương để tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; bảo đảm cho Quốc hội thực hiện đầy đủ, đúng đắn các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Hai là, để tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội trong các công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Quốc hội, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình tổ chức và hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội trong mối quan hệ với cả hệ thống chính trị, cũng như vấn đề phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thời gian vừa qua; tiếp tục nghiên cứu về vị trí, vai trò, cơ chế và cách thức hoạt động của Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổ đảng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Ba là, để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Đảng đoàn Quốc hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng cường, phát huy dân chủ hơn nữa trong phương thức hoạt động của Quốc hội, tăng cường tranh luận, phản biện, giám sát đối với những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.

Bốn là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm sát sao, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Đảng đoàn Quốc hội, nhất là đối với các vấn đề mới và khó trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước (có thể cho ý kiến từ trong quá trình soạn thảo, thẩm tra để định hướng chính trị, cho ý kiến nhiều lần, từ sớm, không chỉ tập trung vào trước kỳ họp Quốc hội); tạo điều kiện để các cơ quan có liên quan đến nội dung được báo cáo, giải trình cụ thể về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.

Năm là, khi bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến đại biểu Quốc hội, tổ chức bộ máy, cán bộ tại các cơ quan Quốc hội, cần tạo cơ chế để đại diện Đảng đoàn Quốc hội được báo cáo trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trực tiếp quán triệt những nội dung quyết định của Ban Bí thư; hoặc nghiên cứu việc có cơ cấu thành viên của Đảng đoàn Quốc hội trong Ban Bí thư để giúp sự lãnh đạo của Đảng kịp thời, sâu sát, hài hòa giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cùng với các ban của Đảng.

Sáu là, đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục đổi mới cách sắp xếp kế hoạch làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo nội dung chuẩn bị của các cơ quan trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khi gửi văn bản xin ý kiến cần lưu ý thời gian để Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị đóng góp ý kiến chặt chẽ, bảo đảm chất lượng; có hình thức cung cấp thông tin, tài liệu phù hợp hơn để các thành viên Đảng đoàn Quốc hội nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời về các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và của Nhà nước.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị, ngày 15-5-2016, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kiên quyết đấu tranh, phòng, chống, đẩy lùi, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cũng như trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội./.