TCCS - Để phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, thực hiện Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ của Chính phủ, đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo, nhất là đối với công tác vận động phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến thăm và trò chuyện với giáo viên, học sinh Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), tháng 3-2018_Ảnh: TTXVN

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ được vận dụng, triển khai một cách cụ thể, mang tính đặc thù và là một bộ phận trong phương thức lãnh đạo nói chung của Đảng, thể hiện trên những phương diện cơ bản sau:

Thứ nhất, Đảng đề ra cương lĩnh, quan điểm của Đảng về giới, về phụ nữ theo quan điểm cách mạng và tiến bộ, thể hiện tư tưởng giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới, tiếp cận dựa trên quyền con người và quyền của giới.

Quyền con người của phụ nữ là những quyền vốn có, tự nhiên của con người, là những bảo đảm pháp lý bảo vệ các quyền tự do cơ bản, thiêng liêng và bất khả xâm phạm của con người về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền lợi hợp pháp, chính đáng khác. Quyền của phụ nữ là những quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được pháp luật công nhận, điều chỉnh, trên nguyên tắc nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo các điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện. 

Đảng và Nhà nước ta luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh thực hiện bình đẳng nam nữ. Điều này đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2006, Nhà nước ban hành Luật Bình đẳng giới nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới. Ngày 24-12-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Nhằm giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, ngày 2-10-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”. Đây là đường lối lãnh đạo quan trọng của Đảng trong thực hiện quyền của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, Đảng định hướng quá trình xây dựng chính sách, luật pháp hướng đến thực hiện quyền bình đẳng giới của phụ nữ.

Điều này được thể hiện trên ba phương diện cốt yếu: Quyền của phụ nữ phải được ghi nhận về luật pháp; quyền của phụ nữ phải được thực thi về chấp pháp, hành pháp; quyền của phụ nữ phải được bảo vệ về phương diện tư pháp.

Đảng lãnh đạo Nhà nước xây dựng các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, dự án liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến quyền của phụ nữ. Xây dựng bộ máy quản lý có hiệu quả và triển khai lồng ghép vấn đề về quyền phụ nữ vào các chương trình, sáng kiến ở các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành trong toàn hệ thống chính trị, đi đôi với hoàn thiện hệ thống pháp luật, mở rộng giáo dục pháp luật, các quy định của pháp luật về bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Bảo đảm bình đẳng giới còn thể hiện ở việc các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành phải được đánh giá tác động về giới, mức độ tác động và có những biện pháp kịp thời khắc phục bất bình đẳng giới trong lĩnh vực cần được điều chỉnh. 

Vấn đề cốt lõi của quá trình vận động phụ nữ là quan điểm bình đẳng, thể hiện trên các nội dung: Một là, bình đẳng về cơ hội (học tập, lao động, tham chính...) so với những người khác giới, bên cạnh những chính sách ưu tiên cụ thể đối với phụ nữ; trong đó, giáo dục, đào tạo cán bộ nữ là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đối với công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Việc giáo dục, đào tạo phụ nữ sẽ trực tiếp tạo ra nguồn nhân lực nữ có chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, mẫu mực về đạo đức, lối sống. Phụ nữ được đi học, đi đào tạo ở tất cả các cấp học, ngành học, trong mọi lĩnh vực, kể cả những ngành, những lĩnh vực mà trước kia vốn chỉ do nam giới đảm nhiệm. Đảng và Nhà nước chủ động phát hiện cán bộ nữ có năng lực, có tinh thần trách nhiệm với công việc, có triển vọng phát triển để cử đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với nhu cầu công tác, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Do đặc thù tuổi nghỉ hưu của phụ nữ hiện nay thấp hơn nam giới, nên khi chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng cũng cần phải tính đến yếu tố đặc thù này (nếu cùng điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ so với nam giới), nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ đủ thời gian tham gia các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Hai là, tạo môi trường, thúc đẩy công bằng, bình đẳng giới; tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bình đẳng giới phải được hiểu một cách đầy đủ là nam giới và nữ giới đều được tạo những điều kiện như nhau để phát huy đầy đủ các tiềm năng của mình, có cơ hội thụ hưởng như nhau từ các kết quả do quá trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... của quốc gia đem lại. 

Thứ ba, Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất bằng và thông qua công tác tổ chức - cán bộ, thúc đẩy bình đẳng giới trong chính sách cán bộ và hoạt động quản lý cán bộ, công chức.

Chú ý cơ cấu cán bộ nữ hợp lý trong bộ máy các cơ quan, đơn vị để vận động phụ nữ và xây dựng chiến lược phát triển cán bộ nữ; có số lượng, chất lượng, cơ cấu nữ cán bộ, công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cán bộ nữ và cán bộ nam bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, năng lực... khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. Đối với cấp ủy, nếu người đứng đầu là nam giới thì yêu cầu đặt ra đối với họ là phải có quan điểm dân chủ, tiến bộ, không lạc hậu, không có định kiến hẹp hòi với phái nữ và phải xây dựng được cơ cấu cán bộ nữ trong cấp ủy hợp lý. Đề cao và xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong thực hiện bình đẳng giới. Chú trọng việc xây dựng các tiêu chí đánh giá bình đẳng giới trong quản lý cán bộ, công chức, có vai trò như thước đo bình đẳng giới trên các phương diện về xây dựng chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Có kế hoạch cụ thể trong việc bố trí, sắp xếp, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm nữ cán bộ, công chức. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của phụ nữ nói chung và của đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng, chú trọng tuyên truyền gương phụ nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ tư, Đảng đề ra chủ trương và lãnh đạo công tác dân vận và hoạt động của các cơ quan đại diện cho quyền lợi của nhân dân như Quốc hội, Chính phủ, hội đồng nhân dân các cấp thấm nhuần quan điểm tiến bộ về giới.

Chủ động xây dựng, thực hiện một tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ phù hợp trong các cơ quan dân cử, trong các ban, bộ, ngành của Chính phủ. Nam, nữ cần bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử làm đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào vị trí lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Công tác vận động phụ nữ cần phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có chiến lược, chính sách quản lý, vận động, hỗ trợ phụ nữ trước thực trạng khá phổ biến hiện nay là ở nông thôn hầu hết nam giới trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa, chỉ có phụ nữ và trẻ em, người già ở nhà. Những ngành có tỷ lệ lao động nữ cao như giáo dục và đào tạo, y tế... cũng cần có chính sách cụ thể, phù hợp để vận động và bảo vệ phụ nữ một cách có hiệu quả...

Thứ năm, Đảng lãnh đạo, chú trọng công tác xây dựng, bố trí đảng viên vào các vị trí trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ cấp trung ương đến địa phương.

Cần quan tâm hơn nữa đến việc củng cố, kiện toàn hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, bảo đảm cho các cấp Hội hoạt động có hiệu quả. Tăng cường lãnh đạo công tác cán bộ, lựa chọn, bồi dưỡng những đảng viên nữ có trình độ, năng lực, tâm huyết với công tác để đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu giữ các cương vị chủ chốt của các cấp Hội; quan tâm công tác nhân sự Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp, bảo đảm tính tiêu biểu, tính đại diện cho các giai tầng phụ nữ trong xã hội, để Hội thực sự là một trong những lực lượng quần chúng to lớn của Đảng, là hình ảnh tiêu biểu nhất cho chị em phụ nữ ở mỗi cấp. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước cũng tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217 - QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định 218, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Thứ sáu, Đảng tiến hành công tác kiểm tra, giám sát cụ thể và sâu sát công tác vận động phụ nữ và phát triển đội ngũ cán bộ nữ.

Ủy ban kiểm tra các cấp cần thường xuyên kiểm tra, giám sát cơ cấu cán bộ nữ ở các ban, bộ, ngành có được thực hiện nghiêm túc và hợp lý hay không. Nếu vị trí được quy hoạch là phụ nữ và chưa có ứng viên đáp ứng yêu cầu thì có thể để trống, cho đến khi bổ nhiệm được cán bộ nữ phù hợp. Các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đối với công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Chuẩn hóa và đưa các mục tiêu bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm ở từng địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.

Thường xuyên kiểm tra các đơn vị về việc ưu tiên, tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cần lưu ý rằng, tiến hành công tác vận động, giáo dục, thuyết phục không chỉ đối với nữ giới mà còn cả với nam giới, để nam giới nhận thức được rõ quyền bình đẳng của nữ giới trong gia đình, xã hội, tránh rơi vào định kiến giới. Cần đặc biệt chú ý đến vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; công tác vận động nam giới trong thực hiện bình đẳng giới; công tác vận động, giáo dục, thuyết phục của chính quyền trong thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ; tăng cường vai trò của các cấp Hội trong việc đoàn kết, tập hợp, giáo dục, động viên chị em phát huy những giá trị truyền thống và hiện đại tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ

Bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác vận động phụ nữ:

Thứ nhất, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế làm xuất hiện xu hướng di cư nông thôn về đô thị, làm gia tăng tình trạng già hóa, nữ hóa dân cư nông thôn, do vậy, phương thức vận động phụ nữ phải khác so với trước đây, phù hợp hơn với thực tế này.

Thứ hai, hình thành nhiều khu công nghiệp có đông phụ nữ làm việc, sinh sống, như công nhân nữ của các ngành may mặc, giày da xuất khẩu... kéo theo những vấn đề xã hội liên quan.

Thứ ba, xu hướng ngày càng tăng nhanh các loại hình dịch vụ, với lợi thế và sự tham gia ngày càng nhiều của lao động nữ trong các ngành nghề ở khu vực này. Vì vậy, các chủ thể của công tác vận động phụ nữ cần bám sát, chăm lo, đào tạo lực lượng lao động nữ, không chỉ về đời sống vật chất mà còn phải quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của họ.

Thứ tư, xu hướng biến đổi dịch vụ công đang diễn ra khá rõ, trước đây dịch vụ này do Nhà nước quản lý, nhưng hiện nay, một số lĩnh vực đã chuyển giao cho tư nhân; nhiều dịch vụ, gói hợp đồng đầu tư công được chuyển cho thị trường, do đó các cấp Hội có thể đảm nhiệm, tham gia hoặc giám sát các gói hợp đồng đầu tư công, dịch vụ công này.

Thứ năm, mức sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn giai đoạn trước và cùng với đó là sự tăng lên nhu cầu của phái nữ về thời trang, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe... Các cấp Hội cần phát huy hơn nữa vai trò của mình phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, giám sát các nhà sản xuất, kinh doanh bảo đảm cung cấp các sản phẩm an toàn, không độc hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Thứ sáu, phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng làm xuất hiện xu hướng di dân, di cư xuyên biên giới, xuất hiện tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, mang thai hộ, hành vi bạo lực, xâm hại nhân phẩm của phụ nữ..., đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc bảo vệ các quyền cơ bản của phụ nữ, nhất là tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Hội Liên hiệp Phụ nữ cần thể hiện vai trò, trách nhiệm, phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống hiệu quả các vấn nạn này, bảo vệ phụ nữ, đặc biệt trẻ em gái vị thành niên.

Thứ bảy, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng mang đến các cơ hội và cả những thách thức đan xen nhau, chẳng hạn như cơ hội xuất khẩu lao động gia tăng đối với phụ nữ Việt Nam đi làm điều dưỡng, chăm sóc người già tại nước ngoài, như ở Nhật Bản, Đức..., nhưng cũng đặt ra thách thức với chính thị trường lao động nội địa khi lao động nữ ở các nước khác cũng vào Việt Nam, như nữ giúp việc người Philippines đang ngày càng nhiều ở các gia đình khá giả tại Thành phố Hồ Chí Minh...

Các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi chính đáng, thiết thực của phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số_Ảnh: Tư liệu

Thứ tám, bên cạnh những vùng miền, khu vực phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, vẫn còn có những vùng, những khu vực được coi là “vùng lõm của sự phát triển”. Tại đây, phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số chịu nhiều thua thiệt, như bạo lực gia đình, vấn nạn tảo hôn, lao động không được trả công, không có bảo hiểm (y tế, hưu trí), không được hưởng các chế độ an sinh xã hội, thai sản... Ngay tại các khu đô thị, nhiều phụ nữ cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi chính đáng, thiết thực của phụ nữ ở các khu vực, vùng miền, nhóm đối tượng này.

Từ thực tiễn trên, để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động phụ nữ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cần chú trọng tiếp cận dựa trên các phương diện sau:

Một là, tiếp cận dựa trên quyền con người: Khắc phục định kiến về giới trong nhân dân, đặc biệt là trong nam giới; đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, quán triệt quan điểm bình đẳng giới, thể hiện cụ thể trong từng chính sách, quy chế, quy định, từ các cơ quan trung ương tới các địa phương, đơn vị.

Hai là, tiếp cận dựa trên an ninh con người, nhất là an ninh phi truyền thống đang đe dọa trực tiếp đến cá nhân con người nói chung và tới phụ nữ nói riêng trong bối cảnh ngày càng gia tăng các nguy cơ đe dọa sự an toàn của phụ nữ trong điều kiện hội nhập quốc tế, như vấn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, tệ nạn mại dâm, phụ nữ ở các “vùng trũng, vùng lõm” của sự phát triển không được bảo vệ, do phong tục, tập quán lạc hậu, khi sinh nở không được chăm sóc y tế, xu hướng di cư xuyên biên giới tìm kiếm cơ hội việc làm, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trở thành đối tượng bị lạm dụng tình dục, cưỡng bức lao động, bị biến thành nô lệ, món hàng buôn bán trao tay...

Ba là, tiếp cận đa diện, đa hướng đối với công tác vận động phụ nữ. Đối tượng vận động ở đây không chỉ bó hẹp, đóng khung trong nữ giới mà còn phải mở rộng ra đối với cả nam giới, nhất là đối với nam giới là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy... Các chủ thể như cấp ủy, chính quyền, Hội, doanh nghiệp... cần tiến hành phối hợp thực hiện công tác vận động phụ nữ hiệu quả, thiết thực, bảo đảm quyền bình đẳng giới, quyền con người đối với phụ nữ, đặc biệt là đối với nhóm phụ nữ yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội./.