Thời cơ của chiến thắng 30-4-1975 và bài học cho hôm nay

Ngô Hà Trường Sơn, Võ Thị Phiến Học viện Chính trị khu vực IV
22:39, ngày 29-05-2015

TCCSĐT - Cùng với binh lực, chiến lược, chiến thuật, vấn đề thời cơ luôn là một trong những yếu tố quan trọng. Tận dụng tốt yếu tố thời cơ sẽ góp phần tiết kiệm nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ của cuộc chiến đấu, giành thắng lợi cuối cùng. Ngược lại tận dụng không tốt yếu tố thời cơ sẽ khiến cho các nguồn lực bị tiêu hao gấp nhiều lần, cơ hội giành chiến thắng cuối cùng, có ý nghĩa quyết định cũng vì thế mà bị bỏ lỡ.

Thời cơ trong các cuộc cách mạng đến từ nhiều cách khác nhau, nó có thể xuất hiện do những yếu tố khách quan và chủ quan. Thời cơ trong chiến thắng 30-4-1975 không hoàn toàn đến từ những yếu tố khách quan, cũng không hoàn toàn đến từ những yếu tố chủ quan.

Thời cơ của chiến thắng 30-4-1975 - sự cộng hưởng của nhiều nhân tố

Đế quốc Mỹ - dấu chấm hết cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa

Sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam đã gieo rắc vô vàn tội ác lên đất nước và con người Việt Nam. Trong khi những tên đầu sỏ đế quốc vẫn không ngừng bưng bít, lừa dối dư luận trong nước thì Quốc hội và nhân dân tiến bộ Mỹ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với những bản tin liên tục của các phóng viên chiến trường Việt Nam thực hiện đã hiểu ra sự thật của cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam là hoàn toàn phi nghĩa. Những bản tin như vậy đã làm nên một cuộc chiến tranh thứ hai ngay trong lòng nước Mỹ, cuộc chiến ấy lan rộng tới từng gia đình người Mỹ gây nên những ám ảnh không nguôi về sự chết chóc, hiểm nguy, bom đạn, đổ nát. Các phong trào phản chiến được bắt đầu từ những năm 1960 và có dịp bùng phát mạnh mẽ với các cuộc tuần hành, biểu tình ở khắp mọi nơi như: hành động tự thiêu của No-man mo-ri-xơn trước Lầu năm góc để phản đối chiến tranh Việt Nam vào tháng 11-1965, cuộc tuần hành của 250 nghìn người nổ ra ở đại lộ số 5 trung tâm Niu-oóc vào tháng 11-1969,…

Sự phản đối của Quốc hội và nhân dân trong nước cùng với những thất bại thảm hại trên chiến trường như Tết Mậu thân 1968, Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào đã buộc Mỹ phải xuống thang từng bước và cuối cùng là đi đến ký kết Hiệp định Pa-ri 27-01-1973 chấm dứt sự dính líu quân sự ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên phải đến khi Mác-tin - vị đại sứ cuối cùng của Mỹ ở miền Nam Việt Nam cuốn cờ rời khỏi Sài Gòn trong chiến dịch di tản khẩn cấp mang tên “cơn lốc” vào lúc 8 giờ ngày 30-4-1975 thì sự dính líu, can thiệp của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam mới chấm dứt hoàn toàn.

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, chính quyền Mỹ đứng đầu là Tổng thống Ních-xơn vẫn cam kết những khoản hỗ trợ hàng trăm triệu đô la và các hành động đáp trả bằng không quân đối với bất cứ một hành động nào gây hấn với chính quyền Sài Gòn. Chúng ta có thể thấy được điều đó trong một bức thư mà Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu gửi cho tổng thống Mỹ Giê-rôn Pho sau khi chúng ta tấn công Đà Nẵng: “Ý định của Hà Nội là sử dụng Hiệp định Pa-ri để chiếm miền Nam Việt Nam bằng quân sự là điều chúng tôi đã biết rõ trong suốt quá trình đàm phán về Hiệp định Pa-ri… Sau đó chúng tôi được hứa một cách chắc chắn rằng Mỹ sẽ trả đũa một cách nhanh chóng và mạnh mẽ đối với bất kỳ sự vi phạm nào về Hiệp định… Chúng tôi coi những lời hứa đó là sự bảo đảm quan trọng nhất đối với Hiệp định Pa-ri, những lời hứa đó giờ đây trở nên những lời hứa quan trọng nhất đối với sự sống còn của chúng tôi”. Thế nhưng những sự kiện chính biến như vụ Oa-tơ-ghết dẫn tới sự ra đi của tổng thống Ních-xơn, thắng lợi tuyệt đối của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 11-1974 đã làm thay đổi tất cả và cuối cùng trong một bài nói chuyện tại Trường Đại học Tunale vào ngày 23-4-1975, tổng thống Giê-rôn Pho đã nêu rõ: “Mỹ có thể lấy lại được niềm tự hào từng tồn tại trước Việt Nam. Nhưng niềm tự hào đó không thể đạt được bằng việc lại đánh nhau trong một cuộc chiến mà đối với người Mỹ nó đã kết thúc”.

Ngụy quyền Sài Gòn - hoảng loạn và sụp đổ

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (ngụy quyền Sài Gòn) được Mỹ dựng lên sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết để chống phá cách mạng Việt Nam với tổng thống đầu tiên là Ngô Đình Diệm và cuối cùng là Dương Văn Minh. Sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa là nhờ vào viện trợ về đô la và vũ khí của Mỹ.

Quả thực với những diễn biến trong mùa khô năm 1974, chính quyền Sài Gòn đã bộc lộ những yếu kém của họ, trên chiến trường là những thất bại quân sự liên tiếp với các cuộc đầu hàng nhanh chóng hoặc rút chạy không kiểm soát. Ngay tại Sài Gòn là những cuộc tranh luận vô bổ và không đi đến đâu của các tướng lĩnh. Sau thất bại trong trận chiến Phước Long rồi đến Ban Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng và đặc biệt là thất bại chóng vánh ở Xuân Lộc - nơi được coi là cánh cửa thép trấn giữ Sài Gòn, đội quân gần 1 triệu lính của Việt Nam Cộng hòa đã thực sự tan rã với những cuộc rút chạy hàng loạt về Sài Gòn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức để cao chạy xa bay, thay vào đó là ông già lọm khọm Trần Văn Hương - một người không làm nổi việc gì đến nỗi sau một thời gian cực ngắn làm tổng thống đã phải nhường ghế cho Dương Văn Minh. Có thể nói trong những ngày cuối cùng trước cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã hoang mang rệu rã đến cực điểm và gần như không còn khả năng kháng cự.

Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - những đòn đánh chiến lược mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng miền Nam, Đảng ta đã kiên trì phương pháp bạo lực cách mạng. Đối phó với một kẻ thù lớn mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ là đế quốc Mỹ, Đảng ta chủ trương một chiến lược cách mạng mà ở đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật tác chiến và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược. Để có thể tạo ra được thời cơ có lợi cho việc kết thúc cuộc chiến, Đảng ta và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã chủ động tiến hành nhiều cuộc tiến công với nhiều quy mô và mục tiêu chiến lược khác nhau, trong đó phải kể đến Chiến dịch Ấp Bắc 1965 (thử nghiệm khả năng tác chiến trực diện lần đầu tiên của quân đội ta với lính Mỹ); Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 (tạo thế và lực trên mặt trận chính trị, ngoại giao); Chiến dịch Phước Long tháng 12-1974 (thử phản ứng của Mỹ sau Hiệp định Paris)…

Các chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch và đề ra quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, đúng như Đại tướng Văn Tiến Dũng đã viết: “Tin quân ta đã chiếm được hoàn toàn thị xã Phước Long đến giữa lúc chúng tôi đang họp. Mọi người phấn khởi đứng cả dậy bắt tay nhau chúc mừng thắng lợi… Điều này có ý nghĩa lớn thể hiện rõ năng lực chiến đấu của quân đội ta và sự yếu kém của quân đội địch. Một chương sử mới đã mở ra”. Đây là một điểm hết sức đáng chú ý bởi cho đến trước khi chiến dịch giải phóng Phước Long nổ ra, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã họp để thảo luận xem liệu rằng chiến tranh đã đến giai đoạn cuối cùng hay chưa và vấn đề mà nhiều người quan tâm là “một khi các cuộc tấn công quy mô lớn của chúng ta đẩy quân đội Sài Gòn đến nguy cơ sụp đổ, liệu Mỹ có thể đưa quân trở lại Việt Nam hay không?” Với trận Phước Long thì câu trả lời đã rất rõ ràng: Mỹ không trở lại.

Sự thắng lợi về nhiều mặt của các chiến dịch quân sự trong đó tiêu biểu là 3 chiến dịch nêu trên đây đã góp phần tạo nên thời cơ chiến lược vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lịch sử cho việc đi tới chiến thắng cuối cùng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Thời cơ của chiến thắng 30-4-1975 và bài học cho hôm nay

Với sự kết hợp của nhiều nhân tố cả về phía ta và phía địch, thời cơ cho cuộc tổng tấn công giải phóng Sài Gòn đã xuất hiện. Cùng với những diễn biến có lợi do yếu tố thời cơ mang lại, Đảng ta đã có sự chỉ đạo chiến lược kịp thời.

Trước những diễn biến mới của tình hình chính trị nước Mỹ và sự suy yếu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Bộ Chính trị đã họp tháng 10-1974 và tháng 01-1975 quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, và dự kiến nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Tận dụng thời cơ chiến lược quan trọng đến từ chiến thắng Phước Long và chiến thắng Ban Mê Thuột; Bộ Chính trị họp ngày 25-3-1975 nêu nhiệm vụ cụ thể giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa, đến cuộc họp ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị đã nhận định, thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Cần có quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4-1975. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn do tập thể các ủy viên Bộ Chính trị tại chiến trường (Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng) lãnh đạo, chỉ đạo. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, trực tiếp làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Trước đó, ngày 25-3-1975, Hội đồng chi viện chiến trường đã được thành lập, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Bộ Chính trị cũng đã quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 09 đến ngày 30-4-1975).

Sự chuẩn bị khẩn trương để chớp thời cơ của Đảng ta đã góp phần tạo nên thắng lợi rực rỡ, có ý nghĩa lịch sử, giành độc lập toàn vẹn cho Tổ quốc, đưa đất nước bước vào một trang sử mới.

Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang hội nhập sâu rộng quốc tế, khi tình hình an ninh, chính trị trong khu vực đang có những diễn biến phức tạp nhất là những tranh chấp liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, sự cạnh tranh ảnh hưởng của một số nước lớn ở nhiều khu vực đang diễn ra khá mạnh mẽ thì vấn đề thời cơ của chiến thắng 30-4-1975 vẫn còn nhiều giá trị lịch sử và bài học sâu sắc.

Thứ nhất, đó là bài học về tranh thủ tối đa những điều kiện thuận lợi từ tình hình chính trị, an ninh thế giới, các phong trào đấu tranh đòi hòa bình của nhân loại tiến bộ để tạo thêm nguồn sức mạnh đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ này.

Thứ hai, kiên định sự lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt, nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh trí tuệ, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên để Đảng đủ sức lãnh đạo nhân dân ta trong giai đoạn lịch sử mới vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ ba, phát huy ý chí tự lực tự cường, truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của các tầng lớp nhân dân và của toàn dân tộc tạo thế và lực mới cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, trong quá trình hoạch định đường lối và lãnh đạo cách mạng, lợi ích của Đảng phải được thể hiện trong mối tương quan mật thiết với lợi ích của nhân dân. Chúng ta đừng quên hình ảnh phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở những nơi đô thị lớn tạo thế phối hợp với các cuộc tiến quân của lực lượng vũ trang, hình ảnh những người dân phấn khởi đi theo xe dẫn đường cho các đội quân tiến tới sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn… Những ví dụ đó là bằng chứng sáng ngời về sức mạnh của khối đoàn kết Đảng - Dân được xây dựng trên nền tảng vững chắc của một lợi ích chung được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn mươi năm đã trôi qua nhưng rất nhiều bài học được rút ra từ cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trong đó có bài học về tạo thời cơ và chớp thời cơ. Bài học ấy đã, đang và sẽ tiếp tục là sức mạnh, là khởi nguồn cho những thành tựu to lớn hơn của cả dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau./.
-------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo

1. Larry Berman, Điệp viên hoàn hảo, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2012

2. Văn Tiến Dũng, Đại thắng Mùa Xuân, 5-1976